Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

DN đề nghị kéo dài thêm thời gian bù lãi suất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

DN đề nghị kéo dài thêm thời gian bù lãi suất

Bà Trương Lan Anh, Giám đốc Công ty nước chấm gia vị Thuận Phát có ý kiến trong hội  nghị triển khai hướng dẫn chi tiết về hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG Online) – Sáng nay (12-2), trong cuộc gặp gỡ giữa đại diện Ngân hàng Nhà nước tại TPHCM và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc hội Doanh nghiệp TPHCM, có nhiều ý kiến đề nghị tăng thêm thời gian thực hiện việc bù lãi suất 4% cho doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho là nên kéo dài việc bù lãi suất đến 2010. Ông Lương Công Huỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội dây cáp điện cho biết, ngành ông đang gặp khó khăn do nhập nguyên liệu giá cao từ giữa năm 2008 cho nên đến thời điểm này, nhiều công ty chưa thể trả hết nợ cũ để vay lại nợ mới, mà nếu để thêm một thời gian nữa mới vay thì thời gian được hưởng lãi suất bù chỉ còn vài tháng, không giúp được nhiều cho doanh nghiệp.

Cùng ý kiến đó, bà Trương Lan Anh, Giám đốc Công ty nước chấm gia vị Thuận Phát cho rằng việc gia hạn thời gian được hưởng mức lãi suất này  sẽ giúp cho doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn với nguồn vốn. Vì nhiều doanh nghiệp hiện tại chưa trả được nợ cũ.

Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Giám đốc Công ty Liên Thành, cho rằng chính phủ có thể cho doanh nghiệp linh động thời gian vay, không nhất thiết phải từ tháng 2 đến hết tháng 12, miễn là trong vòng 8 tháng vì do đặc thù của nhiều ngành là cần vốn vào cuối năm để nhập nguyên liệu sản xuất cho mùa tết. Như doanh nghiệp của bà chỉ nhập cá để làm nước mắm từ tháng 10, như vậy, nếu vay lúc này thì vốn chưa sử dụng đến, còn đến tháng 10 mới vay thì chỉ được hưởng hỗ trợ lãi suất trong 2 tháng.

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM giải thích rằng, khoản hỗ trợ này của chính phủ tính toán 8 tháng từ tháng 1-2 đến 31-12 – 2009, vì cho rằng đây là giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế thế giới và trong nước, còn sau đó, nếu kinh tế vẫn chưa phục hồi thì sẽ có thêm giải pháp khác. Do đó, việc bù lãi suất tạm thời sẽ thực hiện đúng như đã quy định.

Ông Hạnh cũng cho biết, TPHCM cũng đang chủ trương cho vay 20.000 tỉ đồng để kích cầu, có thời hạn vay trên một năm. Tuy nhiên, hiện tại thành phố đang gửi tờ trình lên Bộ Tài chính, chưa thực hiện ngay được. Nhưng đây là nguồn vay phục vụ cho các công trình xã hội, chủ yếu là cơ sở hạ tầng…

Nhiều ý kiến thắc mắc là hiện nay doanh nghiệp đang thực hiện việc trả nợ trước hạn, nếu chấp nhận bị phạt để được hưởng chính sách bù lãi suất từ ngân hàng thì có được chấp nhận không? Ông Hạnh trả lời rằng, doanh nghiệp có thể làm như thế để được hưởng mức lãi suất ưu đãi, còn có quy định phạt cho việc trả nợ trước hạn hay không còn tùy mỗi ngân hàng có quy chế riêng.

Nhiều doanh nghiệp mong muốn được gia hạn nợ cũ và vẫn vay được nợ mới. Có như thế họ mới có thể tiếp tục sản xuất vì hiện nay tiền vay nợ cũ còn nằm rất nhiều trong khối lượng nguyên liệu đã mua từ năm cũ, doanh nghiệp không thể tìm được nguồn tiền để trả nợ cũ và vay thêm mới. Ông Hạnh cho biết sẽ ghi nhận và kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này.

Ông Hạnh cũng cho biết rằng, một số ngân hàng đã trích ra một khoản dư nợ lớn để cho vay bù lãi suất như ACB là 35.000 tỉ; Viettinbank là 25.000 tỉ; Techcombank là 20.000 tỉ… tạo được nguồn vốn cho vay rất lớn, nhưng kể từ khi triển khai đến ngày hôm qua, ngân hàng ACB cũng chỉ nhận được giấy đề nghị hỗ trợ của 10 doanh nghiệp.

Đa phần các doanh nghiệp đều đang đắn đo trước nguồn vốn vay này. Vì nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với chuyện thiếu đơn hàng, đang lo cầm cự sản xuất và trả lương công nhân, nếu vay vốn mà không có đơn hàng thì cũng không thể sản xuất được. Vì vậy, vấn đề vốn đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa phải là nỗi lo duy nhất, nhiều đại diện của các doanh nghiệp tâm sự.

THANH THƯƠNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới