Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

DNNN Trung Quốc, lực cản trong đàm phán Mỹ – Trung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

DNNN Trung Quốc, lực cản trong đàm phán Mỹ - Trung

Lê Linh

(TBKTSG Online) - Trong vòng đàm phán tiếp theo của  Mỹ và Trung Quốc tuần này tại Washington, một vấn đề được Mỹ dành nhiều chú ý: vai trò của các công ty nhà nước trong nền kinh tế Trung Quốc.

Chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung: Đằng sau một cái chết

Đường đi đến thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung vẫn còn xa

DNNN Trung Quốc, lực cản trong đàm phán Mỹ - Trung
Các công ty nhà nước đang nắm giữ vai trò rất lớn trong nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Global Trade Magazine

Tờ The Wall Street Journal cho biết cách đây 40 năm, dưới thời lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc bắt đầu cải tổ mô hình nền kinh tế lấy nhà nước làm trọng tâm.

Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hồi năm 2001, Bắc Kinh dấn mạnh thêm nỗ lực này bằng cách lược bớt dần vai trò của các công ty nhà nước trong nền kinh tế. Song dưới thời kỳ cầm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình, các công ty nhà nước tái trỗi dậy như một trung tâm trong chính sách kinh tế của ông và giờ đây, chúng là yếu tố ngáng trở các nhà đàm phán Mỹ.

100.000 công ty nhà nước sử dụng 46 triệu lao động

Các nhà kinh tế ước tính hiện nay, Trung Quốc có hơn 100.000 công ty nhà nước sử dụng khoảng 46 triệu lao động, tương đương 11% lực lượng lao động ở khu vực đô thị nước này.

Các công ty nhà nước Trung Quốc kiểm soát nhiều lĩnh vực kinh doanh ở trong nước mà các công ty Mỹ muốn nhảy vào bao gồm viễn thông, năng lượng, ngân hàng, bảo hiểm. Các công ty này cũng đang thâm nhập mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp mà ông Tập xem là ưu tiên hàng đầu trong tương lai.

Chẳng hạn, Bắc Kinh và các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã thông báo cấp vốn 100 tỉ đô la chủ yếu cho các công ty nhà nước để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.

Khắp châu Á và châu Phi, các công ty xây dựng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc cũng đang thực hiện các dự án hạ tầng đầy tham vọng trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của ông Tập.

Trong những tháng gần đây, chính quyền trung ương Bắc Kinh kêu gọi các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước đẩy mạnh cho vay để hãm đà suy giảm tăng trưởng.

Vào thập niên 1990, các nhà cải cách kinh tế Trung Quốc có quyền lực khá lớn. Vào thời điểm đó, hàng triệu công nhân ở bị mất việc khi chính phủ Trung Quốc bán các công ty nhà nước có quy mô nhỏ để giúp nền kinh tế vận hành theo xu hướng thị trường.

Dần dần, sự hiện diện của nhà nước trong nền kinh tế Trung Quốc suy giảm và một số nhà kinh tế hàng đầu của nước này đã tìm cách thúc đẩy các cải cách hạn chế quyền lực của các công ty nhà nước hơn nữa.

Song các thay đổi chỉ dừng lại ở mức đó. Trung Quốc không hoàn toàn tư nhân hóa các công ty nhà nước lớn mà chỉ bán những số lượng cổ phần nhỏ để có nguồn tài chính hỗ trợ cho các tập đoàn nhà nước khổng lồ trong lĩnh vực viễn thông, năng lượng và ngân hàng.

Ông Tập Cận Bình, trên nhiều phương diện, đã đảo ngược các thay đổi bóp nghẹt khu vực kinh tế nhà nước. Nick Lardy, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc ở Viện Kinh tế quốc tế Peterson, có trụ sở ở Washington, cho biết từ năm 2014 tỉ trọng cho vay của các ngân hàng dành cho các công ty nhà nước lớn vượt trội so với tỉ trọng cho vay đối với cho các công ty tư nhân.

Lardy ước tính trong năm 2016, các công ty nhà nước nhận được hơn 80% tổng các khoản cho vay của các ngân hàng Trung Quốc.

Ông cho biết nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã gây sức ép buộc các ngân hàng nằm trong khu vực quản lý của họ phải cung cấp các khoản vay, giúp duy trì hoạt động của các công ty nhà nước đang nợ đầm đìa. Chính điều này dẫn đến tình trạng dư thừa sản lượng trong một số ngành công nghiệp như sắt thép và các hàng hóa khác, vì vậy, Trung Quốc có thể xuất khẩu những mặt hàng này với giá cực thấp, khiến các công ty Mỹ không tài nào cạnh tranh nổi. Hậu quả là nhiều công ty nhà nước kinh doanh kém hiệu quả, trong khi đó, các công ty tư nhân đói vốn.

Các công ty nhà nước lớn nhất của Trung Quốc đang được quản lý bởi Ủy ban Giám sát và quản lý tài sản nhà nước (SASAC) thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc. Năm 2012, Ủy ban này đã đẩy lùi đề xuất giao quyền kiểm soát các công ty nhà nước lớn cho các nhà quản lý tài sản độc lập.

Mỹ yêu cầu chấm dứt ưu ái các công ty nhà nước

Các quan chức Mỹ tiết lộ các nhà đàm phán Mỹ - Trung đã thảo luận về các công ty nhà nước Trung Quốc trong cuộc đàm phán hồi đầu tháng này ở Bắc Kinh. Theo lập trường của Mỹ, các công ty này được hưởng lợi nhờ các gói trợ cấp và các chính sách công nghiệp ưu ái các công ty trong nước, giúp chống lại sự cạnh tranh gia tăng từ bên ngoài và đôi lúc ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ để được làm ăn ở Trung Quốc.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhất quyết yêu cầu Bắc Kinh phải hủy bỏ những quy định có lợi cho các công ty nhà nước Trung Quốc nhưng ngăn cản sự cạnh tranh của các công ty Mỹ. Nhà Trắng cũng yêu cầu Trung Quốc giảm các gói trợ cấp, các khoản vay ưu đãi và các hình thức hỗ trợ khác làm gia tăng lợi thế của các công ty nhà nước.

Song Trung Quốc khó chấp nhận các yêu cầu như vậy.

Chủ tịch Tập Cận Bình xem các công ty nhà nước là nguồn cung ứng việc làm, từ đó giúp ổn định xã hội. Ông cũng dựa vào sức mạnh các tập đoàn nhà nước lớn nhất để giúp đất nước cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong các lĩnh vực như xây dựng, sản xuất sắt thép, nhôm...

Trung Quốc dễ dàng quản lý nền kinh tế hơn nhờ kiểm soát các tập đoàn này vì Đảng Cộng sản Trung Quốc đóng vai trò lớn trong các quyết định lựa chọn các lãnh đạo của các tập đoàn này.

Để ứng phó cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008, Trung Quốc kích cầu bằng cách rót ồ ạt khoản vay từ các ngân hàng nhà nước cho các doanh nghiệp nhà nước để xây dựng đường xá, cảng biển và các chung cư.

Vai trò của các công ty nhà nước Trung Quốc làm nảy sinh thêm một bế tắc nữa trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung hiện nay. Mỹ muốn Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa Mỹ nhiều hơn. Ông Tập có thể chỉ đạo các công ty nhà nước đẩy mạnh mua hàng hóa Mỹ nhưng điều này sẽ càng làm gia tăng vai trò của công ty này trong nền kinh tế Trung Quốc.

Bắc Kinh đã đề xuất ý tưởng trung lập cạnh tranh (competitive neutrality) nhằm xây dựng một sân chơi công bằng giữa khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế nhà nước. Song các quan chức Mỹ hoài nghi về khả năng thực thi chính sách này.

Các quan chức Mỹ đang thảo luận phương án tốt nhất để thực thi bất cứ thỏa thuận thương mại nào đạt được với Trung Quốc. Một số quan chức ủng hộ cách tiếp cận giống như đang sử dụng với Triều Tiên. Mỹ đã tuyên bố không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên cho đến khi nước này chứng minh được đã giải giáp hạt nhân. Và Mỹ có thể không dỡ bỏ các đòn thuế phạt nhằm vào hơn 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc trừ phi nước này thực sự thay đổi các chính sách ưu ái các công ty nhà nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới