Chủ Nhật, 29/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đô la Mỹ liệu có mất vị thế vào tay nhân dân tệ?

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sự nổi lên mạnh mẽ của đồng nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế đang khiến nhiều người nhắc đến sự sụp đổ của kỷ nguyên đô la Mỹ. Tuy nhiên, đồng đô la Mỹ liệu có dễ dàng mất đi vị thế số 1?

Vị thế của đô la Mỹ bị nghi ngờ

Kể từ sau Hiệp định Bretton Woods năm 1944, đô la Mỹ đã trở thành đồng tiền dự trữ thực tế của thế giới, và là thước đo của tất cả hàng hóa và dịch vụ được giao dịch xuyên biên giới. Trong suốt nhiều thập kỷ sau đó, đô la Mỹ đã liên tục duy trì vị thế số một của mình, khi tham gia vào khoảng 90% giao dịch tiền tệ trên toàn cầu mỗi năm.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, vị thế của đồng đô la Mỹ đang được xem xét kỹ lưỡng hơn, và một số dự đoán bi quan về sự sụp đổ của triều đại đô la Mỹ đã được đưa ra. Các ý kiến này đều dựa trên một thực tế không thể phủ nhận về sự khó chịu đang gia tăng trên toàn cầu đối với vai trò của đồng đô la Mỹ. Sự khó chịu này không chỉ từ các quốc gia không thân thiện với Mỹ như Nga hay Trung Quốc, mà còn cả những đồng minh châu Âu luôn bận tâm về việc khiến đồng euro trở nên phổ biến hơn. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với trang Politico, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thẳng thắn cho biết “Châu Âu cần giảm sự phụ thuộc vào đặc quyền ngoại giao của đồng đô la”.

Trước đó, hôm 29-3, trong một bài đăng trên trang cá nhân, tỉ phú Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla và Twitter cũng bày tỏ sự hoài nghi về khả năng đồng đô la Mỹ có thể duy trì được vị trí đồng tiền dự trữ số 1 thế giới. “Đây là vấn đề nghiêm trọng. Chính sách của Mỹ đã quá nặng tay, khiến các nước muốn từ bỏ đồng đô la”, ông viết.

Theo các chuyên gia, quá trình phi đô la hóa được tiếp thêm lực sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Hệ quả là hầu hết các quốc gia đang có các khoản nợ bằng đồng đô la phải đối mặt với chi phí đi vay tăng vọt. Nhiều thị trường mới nổi và cận biên đã rơi vào cuộc khủng hoảng thanh khoản. Một số nền kinh tế như Ghana, Kenya, Pakistan hay Sri Lanka thậm chí đã đứng bên bờ vực sụp đổ.

Những nỗ lực cạnh tranh của đồng nhân dân tệ

Những lo lắng về sự thống trị của đô la Mỹ đã giải thích cho lý do vì sao các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vào một lượng vàng kỷ lục trong năm 2022. Tuy nhiên, đề xuất thay thế đáng chú ý hơn cả lại là nhân dân tệ của Trung Quốc. Theo SCMP, tận dụng lợi thế thương mại, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang đẩy mạnh việc đưa đồng nhân dân tệ vào các thanh toán với các đối tác thương mại lớn, xây dựng sức mạnh của đồng tiền này nhằm thách thức vị thế thống trị của đồng đô la Mỹ. Các thỏa thuận đã được thiết lập với một số quốc gia như Nga, Kazakhstan, Pakistan và Brazil để sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch xuyên biên giới thay cho đồng đô la Mỹ.

Các lãnh đạo Trung Quốc hiện cũng đang tích cực “vận động hành lang” để đưa nhân dân tệ thành đơn vị tiền tệ trong giao dịch dầu thô với các nước Trung Đông, trực tiếp thách thức khái niệm petrodollar - hệ thống thanh toán trao đổi dầu lấy đô la Mỹ giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước nhập khẩu loại hàng hóa này. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy việc sử dụng nhân dân tệ trong trao đổi ngoại tệ và giao dịch tài chính giữa các nước thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - khu vực là đối tác thương mại lớn nhất hiện nay của Trung Quốc.

Nhưng đô la Mỹ vẫn sẽ là số 1

Tuy nhiên, theo phần lớn các chuyên gia, mặc dù các đồng tiền như nhân dân tệ đang được các quốc gia sử dụng nhiều hơn để đa dạng hóa hoạt động thanh toán và dự trữ ngoại hối, viễn cảnh đồng đô la Mỹ bị soán ngôi vẫn là điều rất khó xảy ra.

Các số liệu thống kê từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, tỷ lệ dự trữ ngoại hối bằng đô la Mỹ trên toàn cầu dù đã có xu hướng giảm nhẹ trong thập kỷ qua, xuống dưới 60%, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các đồng tiền chủ chốt khác. Cụ thể, trong quí 4-2022, đô la Mỹ chiếm khoảng 58,4% dự trữ ngoại hối, tiếp theo là đồng euro ở mức 20,5%, yen Nhật ở mức 5,5%, bảng Anh ở mức 5% và nhân dân tệ của Trung Quốc mới chỉ vỏn vẹn 2,7%.

Theo giám đốc đầu tư Brad McMillan của Commonwealth Financial Network, dù đang ghi nhận một số diễn biến bất lợi so với các đồng tiền khác, đô la Mỹ vẫn sở hữu ba yếu tố chính có lợi: quy mô tuyệt đối của nền kinh tế Mỹ, bản chất tự do chuyển đổi của đồng đô la, cùng với sự ổn định tương đối về mặt kinh tế và chính trị của Mỹ so với cả châu Âu và Trung Quốc.

“Khi tất cả các yếu tố được đưa ra xem xét, đô la Mỹ không chỉ là sự lựa chọn thông minh, mà trong hầu hết các trường hợp còn là lựa chọn duy nhất. Thực sự không có sự lựa chọn nào khác”, ông McMillan khẳng định, đồng thời lưu ý thêm rằng, bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc trong việc củng cố đồng nhân dân tệ để cạnh tranh với đồng đô la, chính phủ của họ vẫn nắm giữ lượng tài sản hơn 1.000 tỉ đô la bằng đô la Mỹ.

Ngoài ra, còn phải kể đến những rào cản lớn và chi phí cao đối với việc chuyển đổi đồng tiền dự trữ từ đô la Mỹ sang một loại tiền tệ khác. Theo Fox Business, những sự thay đổi như vậy thường là một quá trình tiêu tốn nhiều thời gian. Các kinh nghiệm lịch sử cho thấy, đô la Mỹ đã phải mất vài thập kỷ trong thế kỷ 20 để thay thế đồng bảng Anh trở thành đồng tiền quốc tế hàng đầu. Trong khoảng thời gian này, thế giới cũng chứng kiến nhiều sự kiện lớn như hai cuộc Chiến tranh Thế giới, Đại suy thoái và việc Mỹ vượt qua Anh trở thành nền kinh tế và nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới.

“Ngoại trừ một sự kiện hoặc một chuỗi các diễn biến thực sự bất thường, kịch bản đô la Mỹ không còn được sử dụng trong thương mại quốc tế là điều rất khó xảy ra”, chuyên gia Earle của Viện Nghiên cứu Kinh tế Mỹ cho biết và nói thêm “một sự thay đổi lớn như vậy sẽ tiêu tốn nhiều thập kỷ, nếu không muốn nói là nhiều thế hệ”.

Wells Fargo đánh giá, vị thế của đô la Mỹ vẫn là khá an toàn, bởi các sự lựa chọn thay thế hiện vẫn rất hạn chế. Trong các nền kinh tế lớn, Trung Quốc đang nổi lên là siêu cường thứ hai chỉ sau Mỹ, nhưng khả năng nhân dân tệ của nước này có thể cạnh tranh được với đô la Mỹ lại đang vấp phải sự nghi ngờ lớn. Bởi theo các nhà phân tích, đồng tiền này thiếu đi một số đặc điểm cần thiết của một đồng tiền dự trữ hàng đầu.

Nguồn: SCMP, Fox Business, Invezz, Business Insider, China Daily

1 BÌNH LUẬN

  1. Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất. Khác với nơi an toàn nhất là nơi quen thuộc. Phương châm này không còn giá trị với tình hình tài chính toàn cầu như hiện nay. Mọi thứ dường như đang đảo lộn. Nếu trước đây các đại gia, tài phiệt có thể nghĩ rằng sẽ luôn an toàn khi cất giấu tiền bạc tài sản ở Ngân hàng Thụy sĩ, nay điều này đã không còn hiện thực. Tất nhiên còn lâu lắm để USD thực sự suy yếu. Nhưng nguy cơ đã phát sinh và luôn tồn tại. Đó chính là mối bận tâm nhất của nước Mỹ ngày nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới