Độ mở của nền kinh tế cao hay thấp?
![]() |
Tỷ lệ xuất khẩu và xuất, nhập khẩu. |
(TBKTSG) - Lâu nay, nhiều nhà quản lý kinh tế, thậm chí cả các chuyên gia, thường xem xét và bình luận về độ mở cửa của nền kinh tế nước ta thông qua chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu hoặc tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu so với GDP, từ đó đưa ra nhận định: độ mở cửa của Việt Nam khá cao và tăng nhanh qua các năm.
Nếu lấy theo tiêu chí này, độ mở cửa của Việt Nam thuộc loại khá cao: đứng thứ tư trong khu vực (sau Singapore, Malaysia, Brunei, cao hơn cả Thái Lan, Philippines, Indonesia), đứng thứ năm ở châu Á (cao hơn cả Nhật Bản, Hàn Quốc...), đứng thứ bảy trên thế giới (cao hơn cả những nước có kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người đứng hàng đầu thế giới), vượt xa so với tỷ lệ bình quân tương ứng 22% và 44% của toàn thế giới! Đáng lưu ý, từ nhận định trên đã có nhiều người “thổi” quá mức thành tích xuất khẩu, rồi gần đây, khi lạm phát ở trong nước tăng cao lại cho rằng lạm phát ở nước ta là do độ mở cửa nền kinh tế rộng hơn của các nước...
Có hai vấn đề cần lưu ý. Trước hết, GDP và kim ngạch xuất khẩu (hay kim ngạch xuất, nhập khẩu) là hai chỉ tiêu khác nhau về phạm vi, về cách tính toán nên đem so sánh với nhau là không đồng chất.
GDP chỉ là một phần giá trị của sản phẩm, là giá trị tăng thêm, tức là bằng giá trị sản xuất (giá trị toàn bộ sản phẩm) trừ đi phần chi phí trung gian. Kim ngạch xuất khẩu là giá trị toàn bộ sản phẩm (tức là giá trị sản xuất, bao gồm cả chi phí trung gian và giá trị tăng thêm).
Cũng chính vì thế, nếu tính tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu so với GDP, thì tỷ lệ này của nhiều nước đã xấp xỉ hoặc lớn hơn 100% (như Hồng Kông, Malaysia, Brunei, Singapore, Bỉ) và đối với Việt Nam cũng đạt trên hai phần ba (có nghĩa là xuất khẩu đã bằng hai phần ba sản xuất là không đúng).
Như vậy, không nên tính tỷ lệ giữa kim ngạch xuất khẩu (hay kim ngạch xuất, nhập khẩu) so với GDP. Nếu có so thì so với tổng giá trị sản xuất; theo đó, tỷ lệ của Việt Nam hiện mới đạt khoảng 30% (tức là xuất khẩu đã đạt gần một phần ba sản xuất) và cũng không tăng nhanh như cách tính ở trên vì tỷ lệ chi phí trung gian trong tổng giá trị sản xuất của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm qua).
Vấn đề thứ hai là cơ cấu xuất, nhập khẩu của Việt Nam có một số đặc điểm đáng lưu ý. Tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của những mặt hàng là nguyên liệu thô còn khá lớn, có giá trị gia tăng thấp (chỉ riêng dầu thô và than đá xuất khẩu năm 2007 đã chiếm 19,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, quí 1-2008 chiếm 21,8%).
Tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của những mặt hàng chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế cũng còn cao, trong khi giá trị tăng thêm của những mặt hàng này còn thấp cũng cao (chỉ tính các mặt hàng gạo, cà phê, rau quả, cao su, hạt tiêu, hạt điều, chè, thủy sản năm 2007 đã chiếm 20,4%, quí 1-2008 đã chiếm 19,6%).
Tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng gia công, lắp ráp, phần lớn nguyên phụ liệu phải nhập khẩu, có giá trị tăng thêm và thực thu ngoại tệ thấp cũng cao (chỉ tính các mặt hàng dệt may, giầy dép, điện tử máy tính, sản phẩm nhựa, sản phẩm gỗ năm 2007 đã chiếm 35,2%, quí 1-2008 đã chiếm 33,6%).
Chỉ tính những mặt hàng trên đã chiếm 75,2% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2007, quí 1-2008 đã chiếm 75%, tức chiếm ba phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nếu tính tỷ lệ kim ngạch xuất, nhập khẩu so với GDP, thì phần nguyên phụ liệu nhập khẩu đã tính trùng hai lần: một lần vào kim ngạch nhập khẩu, một lần vào kim ngạch xuất khẩu. Vài năm tới, nếu các nhà máy hóa dầu ở trong nước bắt đầu hoạt động, cơ bản sẽ không còn xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu xăng dầu, thì chẳng lẽ độ mở cửa lại giảm?
Tóm lại, độ mở cửa của nền kinh tế Việt Nam không cao như lâu nay một số người vẫn lầm tưởng và sẽ còn tai hại hơn nếu cơ cấu xuất, nhập khẩu vẫn chuyển biến chậm. Nếu mở cửa theo hướng như lâu nay thì “độ mở cửa” theo nghĩa tích cực sẽ bị giảm mà “độ phụ thuộc” sẽ gia tăng!
PHƯƠNG NAM