(KTSG Online) - Trước tình hình gia tăng số bệnh nhi nhập viện do Adenovirus gây ra trong thời gian gần đây, nhiều gia đình đã cho trẻ đi xét nghiệm. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng việc đưa con đi xét nghiệm Adenovirus là không cần thiết và lãng phí.
- Hết vaccine Covid-19 cho trẻ, TPHCM xin chuyển hơn 13.000 liều từ Đồng Nai
- Cúm trái mùa bùng phát, nguy cơ từ chủ quan và nhầm lẫn bệnh cúm với Covid-19
Theo số liệu của Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), chỉ trong ba tuần gần đây, bệnh viện này đã ghi nhận gần 2.900 trẻ mắc Adenovirus. Bệnh nhân chủ yếu trong độ tuổi 1-3. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã ghi nhận hơn 3.130 ca mắc Adenovirus, trong đó có 9 ca tử vong.
Trong bối cảnh số trẻ nhập viện do Adenovirus tăng cao khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Vì vậy, khi thấy trẻ nhỏ có biểu hiện đau ốm, phụ huynh ngay lập tức nghĩ đến việc đưa trẻ đi xét nghiệm Adenovirus.
Trước tình trạng người dân đổ xô đi xét nghiệm cho trẻ vì lo ngại mắc Adenovirus, một chuyên gia thuộc Hội Truyền nhiễm TPHCM cho rằng việc đưa con đi xét nghiệm Adenovirus là không cần thiết và gây lãng phí. Đối với trẻ nhiễm Adenovirus phải nhập viện, các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm để kiểm tra bệnh nhi nhiễm loại virus nào với mục đích phân khoa, phòng nằm phù hợp, cũng như tránh lây nhiễm chéo. Trường hợp trẻ mắc bệnh nặng, việc xét nghiệm giúp tìm ra loại virus cụ thể để có hướng điều trị đặc thù cho từng bệnh nhi.
Đối với việc xét nghiệm Adenovirus, bác sĩ Trần Quỳnh Hương, Trưởng khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), cho biết hiện ở bệnh viện không làm xét nghiệm để biết bệnh nhi có mắc virus này hay không, nhưng vẫn có thể theo dõi ở những trẻ mắc bệnh về đường hô hấp có bị viêm kết mạc, tiêu chảy hay không để chẩn đoán.
Việc điều trị trẻ mắc virus Adeno gây ra cũng giống như trẻ nhiễm siêu vi thông thường. Tâm lý của các bậc phụ huynh là sau khi trải qua đại dịch Covid-19, giờ đến Adenovirus nên mọi người lo lắng. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh do Adenovirus gây ra. Tuy nhiên cũng giống như các virus cảm cúm khác, khi điều trị bệnh đa số không dùng thuốc đặc hiệu để giết siêu vi, mà dùng thuốc kìm hãm sự phát triển của virus.
Theo bác sĩ Hương, Adenovirus giống như các loại virus hô hấp bình thường nhưng có nhiều chủng hơn. Từ loại chủng này có thể gây ra tổn thương nhiều cơ quan, trong đó hô hấp chịu tổn thương nhiều nhất. Ngoài ra vẫn có thể gây tổn thương viêm kết mạc, gây tiêu chảy, tổn thương gan, thận, não; thậm chí gây ra các di chứng lâu dài.
Đa số các bệnh nhi mắc Adenovirus có triệu chứng hô hấp như hắt hơi, sổ mũi, cảm… có thể điều trị ngoại trú, không nhất thiết phải nhập viện.
Đối với những ca tử vong ở Hà Nội có liên quan Adenovirus, Trưởng khoa Hô hấp 2 của Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, đa số là những ca có bệnh lý nền. Kết quả ghi nhận tại Hà Nội và TPHCM cho thấy, trẻ có bệnh nền rất dễ chuyển sang diễn tiến nặng và có nguy cơ tử vong cao hơn so với trẻ thông thường.
Bác sĩ Hương cho biết đối với nhóm trẻ có bệnh lý nền, sinh non, suy dinh dưỡng, trẻ suy yếu về hệ miễn dịch… khi nhiễm Adenovirus hoặc các loại virus khác đều có thể gây ra các bệnh cảnh nặng hơn, gây khó khăn trong điều trị. Việc tổn thương do siêu vi sẽ mở đường cho vi trùng đánh vào, tùy vào độc tính của vi trùng hoặc bệnh lý nền của trẻ, tình trạng bệnh có thể xảy ra nặng hơn.
Để phòng ngừa lây nhiễm ở trẻ nhỏ, bác sĩ khuyến cáo trong thời gian này phụ huynh nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với càng ít người càng tốt. Ngoài ra, người lớn cũng cần chủ động bảo vệ trẻ bằng cách sau khi về nhà, sau khi chạm vào các đồ vật cần rửa tay sạch với xà phòng và thay quần áo, sau đó mới ôm hôn trẻ để tránh virus bám trên người lây sang cho trẻ. Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên cho trẻ cách ly ở nhà nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm sang những người xung quanh.