(KTSG Online) - Chiều 22-3, phái đoàn doanh nghiệp Mỹ gồm các nhà quản lý cấp cao từ 52 tập đoàn, công ty hàng đầu của Mỹ trong nhiều lĩnh vực năng lượng, công nghệ, sáng tạo, dịch vụ tài chính ngân hàng, chuỗi thực phẩm và đồ uống, y tế, hàng không, quốc phòng, du lịch, hậu cần… sẽ gặp, cùng thảo luận với lãnh đạo nhà nước và các bộ, ngành về các vấn đề liên quan đến chính sách, các cơ hội bán hàng, cung ứng và đầu tư tại Việt Nam.
- Các doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam
- Mỹ chuẩn bị cấm đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng ở nước ngoài
Hôm nay 22-3, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) đưa phái đoàn doanh nghiệp gặp Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và gặp gỡ, thảo luận với nhiều bộ, ngành để tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
TTXVN dẫn lời ông Ted Osius, nguyên đại sứ Mỹ tại Việt Nam, với số lượng doanh nghiệp tham gia lớn nhất từ trước tới nay, trong đó có những tập đoàn hàng đầu Boeing, Lockheed Martin, Apple, SpaceX, Netflix…, Mỹ thể hiện niềm tin của cộng đồng kinh doanh với tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam cũng như những ấn tượng về sự ổn định, định hướng phát triển KT-XH trong 10 năm qua.
Theo Hiệp hội Các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham), các công ty Mỹ đang quan tâm xu hướng tiếp tục mở rộng trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam trong các ngành bán dẫn, hàng tiêu dùng nhanh FMCG, đồ chơi, đồ nội thất, lương thực thực phẩm, kinh tế số, kinh tế sáng tạo, dịch vụ tài chính ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh.
Các nhà đầu tư Mỹ cũng đang rót vốn vào thị trường tài chính Việt Nam qua các quỹ đầu tư gián tiếp và thị trường chứng khoán, bất động sản còn rất tiềm năng để thu hút vốn Mỹ trong tầm nhìn trung hạn và lâu dài.
Theo TTXVN, để chuẩn bị cho xu hướng đầu tư lớn của các doanh nghiệp Mỹ, Việt Nam đã định hướng chiến lược thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và trong đó thị trường Mỹ phù hợp ở nhiều lĩnh vực như kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, tài chính, xe điện…
Amcham đề nghị nhà nước Việt Nam cần tập trung vào yếu tố thể chế, nhất là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh. Chú trọng khâu chất lượng của thể chế và thực thi, thực hiện tốt những cam kết với nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần cải thiện về cơ sở hạ tầng nhất là liên quan đến sân bay, cầu cảng, đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế; đầu tư về nguồn nhân lực cả số lượng và chất lượng.