Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp vẫn chờ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp vẫn chờ

Bình Nguyên

(TBKTSG Online) – Các chuyên gia đã phân tích, chỉ ra những nguyên nhân vì sao tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng trong gần 4 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 1,4% so với cuối năm 2012 trong khi huy động vốn tăng đến 5,34% dù lãi suất cho vay ở thời điểm hiện tại đã giảm nhiều so với các năm trước. Song, một lý do nữa khiến tín dụng tăng trưởng thấp là doanh nghiệp vẫn đang chờ lãi suất cho vay giảm thêm.

Dựa vào thông điệp mà các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan nhà nước phát đi thời gian gần đây, các doanh nghiệp có cơ sở, có lý do để chờ thêm một thời gian nữa với hy vọng có thể được vay với lãi suất thấp hơn trong khi nền kinh tế có thêm những dấu hiệu phục hồi rõ nét.

Tại Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn TPHCM ngày 5-4, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nói rằng, định hướng điều hành là tiếp tục giảm lãi suất, và đến cuối năm 2013, lãi suất cho vay ngắn hạn sẽ còn khoảng 7% cho các lĩnh vực ưu tiên còn vốn trung, dài hạn sẽ trên 10%. Các báo cũng trích báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 4-2013 được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố đầu tháng 5-2013 cho rằng trong thời gian tới, do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức thấp và tín dụng tăng thấp nên lãi suất ngân hàng có thể sẽ giảm thêm khoảng 2-3%.

Thực tế cho thấy các thông điệp trên đã và đang dần trở thành hiện thực. Trong tuần này, một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank… đã đồng loạt giảm lãi suất huy động, chủ yếu cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng để có thể giảm lãi suất cho vay với hy vọng thu hút thêm khách hàng vay, trong đó có doanh nghiệp nhằm giảm lượng vốn huy động đang dư thừa.

Tại cuộc họp báo ngày hôm qua (10-5) tại Hà Nội, NHNN cũng công bố giảm một điểm phầm trăm cho trần lãi suất cho vay ngắn hạn áp dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, xuống 10%/năm và các lãi suất cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu và cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng giảm lần lượt về 7%, 5% và 8%, giảm thêm một điểm phần trăm. Tại cuộc họp báo này, NHNN cũng gửi đi thông điệp kêu gọi các ngân hàng hạ lãi suất các khoản vay cũ về dưới 13%.

Việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động và các thông điệp trên đã gửi những tín hiệu tích cực đến nền kinh tế. Tuy nhiên, xu hướng này cùng với việc các ngân hàng buộc phải kéo lãi suất cả huy động lẫn cho vay xuống để “tự cứu mình” cũng đang tạo ra tâm lý chờ đợi cho những doanh nghiệp có khả năng vay vốn nhưng chưa thật cần vốn cho đầu tư trong lúc khó khăn này.  

Trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang lao đao, không còn tài sản để thế chấp để vay tiền ngân hàng thì các ngân hàng không dễ tìm được doanh nghiệp tốt để cho vay. Đối với doanh nghiệp có khả vay thì họ cũng chưa vội dù lãi suất vay đã giảm chỉ còn 8-10%/năm tại nhiều ngân hàng, theo lời Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM Nguyễn Hoàng Minh. Cũng lưu ý rằng đây là mức lãi suất vay được áp dụng cho khách hàng tốt, khách hàng ưu tiên còn lãi suất thông thường tại các ngân hàng vẫn dao động ở 11-12%/năm, hoặc cao hơn.

Thời điểm địa ốc, chứng khoán mang lại cho nhà đầu tư mức siêu lãi chỉ trong khoảng thời gian ngắn đã qua. Ngay trong thời điểm hàng tồn kho cao, nhu cầu trên thị trường suy giảm, chứng khoán vẫn tăng giảm thất thường, bất động sản còn trầm lắng, để tìm được những dự án, lĩnh vực kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận cao hơn lãi suất vay được các công ty, nhà đầu tư ví như “mò kim đáy biển”. Điều này được phản ánh qua việc nhiều công ty có sẵn tiền mặt, từ hàng tỉ đồng đến hàng ngàn tỉ đồng, vẫn không dám mạo hiểm đầu tư mà đem gửi vào ngân hàng để bảo toàn vốn và lấy lãi, đã phản ánh một phần của tình hình hiện nay.

Khó khăn kinh tế ảnh hưởng đến quyết định vay vốn của doanh nghiệp đã được ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cao su nhựa TPHCM cho biết tại cuộc họp của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp về tình hình sản xuất, kinh doanh và việc vay vốn tín dụng ngân hàng, diễn ra ngày 7-5 qua tại TPHCM. Ông Anh nói các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong hội đang vay ngân hàng với lãi suất 10-12%/năm và mức lãi suất này không cao với năm 2008 khi kinh tế, sức mua thị trường còn tốt. Nhưng nay, doanh nghiệp không dám vay bởi tín hiệu kinh tế chưa khởi sắc.

Có thể thấy, tình hình cung cầu tín dụng hiện đang diễn ra gần giống như trong lĩnh vực bất động sản: nguồn cung thì dư thừa, cầu cũng nhiều và cũng có người có khả năng mua nhà nhưng họ vẫn chờ giá giảm thêm (dù giá đã giảm sâu so với các năm trước) để mua được sản phẩm đúng “đồng tiền, bát gạo”. Tương tự, vẫn có doanh nghiệp cần vốn vay để đầu tư, mở rộng sản xuất nhưng hiện họ vẫn chưa vội sau một thời gian phải chịu những khoản vay với mức lãi suất trên 20%/năm, khó khăn trong việc xin các ngân hàng hạ lãi suất các khoản vay cũ phù hợp với mức lãi suất huy động đã giảm sâu.

Cũng tại cuộc họp của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM trên, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, cho rằng lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng với lãi suất huy động trong thời gian qua. Ông đặt câu hỏi các ngân hàng nói cần độ trễ, nhưng hơn 1 năm qua rồi mà vẫn cần độ trễ thì đến bao giờ? Và nhiều doanh nghiệp có mặt tại cuộc họp này cho rằng lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 10-12%/năm là chấp nhận được nhưng lãi suất cho vay trung dài hạn vẫn từ 15-16%/năm là quá cao.

Trong các năm trước khi doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn thì nhiều ngân hàng vẫn công bố lãi hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng. Khi đó đã có nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng cần phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nhưng ngân hàng dường như không màng đến điều này. Và nay trong bối cảnh các cơ hội kinh doanh mang lại lợi nhuận cao chưa rõ ràng, các ngân hàng không thể mong các doanh nghiệp có khả năng tăng vay để giúp họ giảm lượng tiền đã huy động dư thừa.

Tại cuộc họp báo ngày 10-5, NHNN đã công bố giảm các loại lãi suất cơ bản nhưng vẫn giữ nguyên mức 7,5% cho các khoản tiền gửi dưới 12 tháng. Tuy vậy, có thể một lý do khác nữa khiến các doanh nghiệp chờ là NHNN áp trần lãi suất cho vay thay vì chỉ kêu gọi các ngân hàng làm điều này, và chỉ áp trần lãi suất huy động trong thời gian qua để buộc các nhà băng đưa ra các khoản vay có mức lãi suất hợp lý hơn dựa trên các đợt giảm lãi suất trong thời gian qua.

Ngoài chính sách tiền tệ, chắc hẳn giới doanh nghiệp cũng mong chờ thêm các biện pháp tài khóa nhằm giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vượt khó, phục hồi và phát triển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới