Doanh nghiệp bền vững và yêu cầu kinh doanh liêm chính
T.H
(TBKTSG Online) - Các nhà lãnh đạo, giới chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến về xây dựng cộng đồng doanh nghiệp pháp triển bền vững tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2019 diễn ra ngày 23-12 tại Hà Nội, trong đó tập trung vào mục tiêu kinh doanh liêm chính, có trách nhiệm, từ bỏ tư duy kinh doanh chộp giật.
Thủ tướng muốn doanh nghiệp nêu rõ những cơ quan gây sách nhiễu
Doanh nghiệp kỳ vọng vào các chính sách tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh. Ảnh minh họa: TTXVN |
Phát biểu tại hội nghị, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh về sự cần thiết của những giải pháp xây dựng cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, góp phần phát triển triển kinh tế bền vững trong bối cảnh hội nhập. Theo ông, phát triển bền vững, kinh doanh liêm chính và có trách nhiệm là lẽ sống của doanh nghiệp trong thời hiện đại.
Cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển doanh nghiệp bền vững
Người đứng đầu VCCI kiến nghị ba vấn đề để cải thiện môi trường kinh doanh. Thứ nhất, VCCI đã chỉ ra 20 điểm chồng chéo lớn của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu.
“Các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cũng thừa nhận những điểm chồng chéo này. Nhưng chúng ta giải quyết rất chậm trễ”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Do đó, Chủ tịch VCCI đề nghị Chính phủ chủ trì cùng Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cùng các bộ ngành liên quan xem xét cụ thể từng điểm chồng chéo. "Nếu tháo gỡ được những điều này thì chúng ta có thể huy động được nguồn lực từ toàn dân, đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Hiện thủ tục cấp phép đầu tư kéo dài 2-3 năm, nếu có thể hoàn thành trong 6 tháng hay sớm hơn 1 năm thì toàn bộ quá trình đầu tư sẽ nhanh hơn rất nhiều”, ông Lộc nhấn mạnh.
Ông dự báo, nếu tháo gỡ được những điểm chồng chéo “mở đường” cho đầu tư, tăng trưởng nền kinh tế sẽ có thể đạt tốc độ cao hơn, có thể lên tới 9-10%, do đó, đây là điều cần ưu tiên xử lý sớm so với các công việc khác.
Đề xuất thứ hai của ông Lộc là chính thức hoá hộ kinh doanh, đưa hộ kinh doanh thành đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp với tư cách là loại hình doanh nghiệp một chủ theo thông lệ quốc tế, bởi đây cũng là mục tiêu thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Thực tế, nhiều hộ kinh doanh hiện tại đang có quy mô và số lao động được sử dụng thậm chí còn lớn hơn các công ty. Đó là một trong những khiếm khuyết lớn nhất trong hệ thống pháp luật về doanh nghiệp hiện hành.
Thứ ba, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị sớm hoàn thành khung pháp lý về hợp tác công tư (PPP). “Hoàn thành khung pháp lý về PPP đảm bảo minh bạch, an toàn, huy động được nguồn lực xã hội không chỉ với các dự án hạ tầng, mà còn các đề án sản xuất kinh doanh”, ông Lộc nói.
Theo người đứng đầu VCCI, hiện các doanh nghiệp tư nhân lớn đang đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn như sản xuẩt ô tô, công nghệ thông tin… Đây là những lĩnh vực không chỉ kinh tế mà là an ninh quốc phòng, do đó, cần khung khổ pháp lý hoàn thiện thúc đẩy hình thức đối tác công tư phát triển.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp đã có những thay đổi lớn, tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, số doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng cao trong 5 năm qua…
Một số tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân có quy mô, tiềm lực lớn như Vingroup, Trường Hải, SunGroup, FLC, Vietjet... đã xuất hiện và tham gia mạnh mẽ vào các lĩnh vực vốn trước đây chủ yếu do khu vực nhà nước và FDI đảm nhận.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, doanh nghiệp vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là các điểm nghẽn trong phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hệ thống thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp còn nhiều tồn tại và bất cập. Chất lượng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực chất, chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số chính sách quan trọng đã được ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành.
Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gợi mở 5 định hướng và giải pháp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước hết, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp để có lực lượng doanh nghiệp quy mô lớn, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.
Hơn nữa, các doanh nghiệp lớn này cần có một sợi dây, một cơ chế liên kết với nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp, trở thành cơ chế đóng góp và xây dựng chính sách; đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia và các mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, đưa doanh nghiệp Việt Nam lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ hai, cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạnh lần thứ 4 để tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Cùng với đó là chính sách thu hút và phát triển các công nghệ hiện đại nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường.
Thứ tư, cần tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là việc đảm bảo quyền đối với nhà đầu tư cần tiếp tục được tăng cường để ngày càng khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh, không hình sự hóa các hoạt động kinh tế nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chính cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; đoàn kết sức mạnh để cùng tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng, với xã hội, hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững.
Từ bỏ tư duy "làm ăn chộp giật", cản trở sự phát triển
"Vẫn còn tư duy kinh doanh chộp giật, mong muốn làm giàu nhanh chóng mà không chịu đầu tư thời gian và công sức để học hỏi và nghiên cứu, nhất là các công nghệ mới, công nghệ lõi của sản phẩm", báo cáo gửi gửi tới Thủ tướng tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng nhưng tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao. Mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 gặp nhiều thách thức.
Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm trong giai đoạn 2017- 2019 trung bình khoảng 58,1%. Trong đó: năm 2017 là 57,3%; năm 2018 là 67,7% và 11 tháng đầu năm 2019 là 49,4%.
Việt Nam đặc biệt thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp cỡ vừa. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp lớn, mặc dù được xếp hạng là doanh nghiệp lớn, nhưng quy mô trung bình của các doanh nghiệp lớn trong khu vực tư nhân của Việt Nam cũng nhỏ bé hơn rất nhiều so với mức trung bình tại các quốc gia trong khu vực.
Ví dụ, trên thị trường chứng khoán, quy mô vốn hóa trung bình của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán của Việt Nam chỉ là 186 triệu đô la Mỹ/ công ty vào năm 2018. Quy mô vốn này thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 1,2 tỉ đô la/công ty tại Philippines, 1,07 tỉ đô la/công ty tại Singapore, 835 triệu đô la/công ty tại Thái Lan, 809 triệu đô la/công ty tại Indonesia và 553 triệu đô la/công ty tại Malaysia tính đến thời điểm cuối tháng 4 năm 2018.
Trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp, chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, thiếu tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn. Có tới 55,63% số chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, trong đó 43,3% chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ sơ cấp và phổ thông các cấp.
Đặc biệt, mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất yếu. Theo một cuộc khảo sát của JETRO, các công ty Nhật Bản mua sắm khoảng 32,4% các dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ các nhà cung cấp địa phương trong năm 2016. Con số này thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI của Nhật tại các nước láng giềng ví dụ như Trung Quốc (67,8%), Thái Lan (57,1%) và Indonesia (40,5%).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, nguyên nhân của những hạn chế tồn tại trên là do cả chủ quan và khách quan.
Nguyên nhân chủ quan do hạn chế yếu kém xuất phát từ quy mô nhỏ bé của doanh nghiệp. Đa số là siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chiếm 97-98% tổng số doanh nghiệp.
"Vẫn còn tư duy kinh doanh chộp giật, mong muốn làm giàu nhanh chóng mà không chịu đầu tư thời gian và công sức để học hỏi và nghiên cứu, nhất là các công nghệ mới, công nghệ lõi của sản phẩm. Tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại, gây ô nhiễm môi trường…", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Nguyên nhân khách quan như cạnh tranh trong nước và quốc tế ngày càng gia tăng. Chất lượng cải cách môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn những hạn chế, bất cập. Sự phân biệt đối xử giữa khu vực tư nhân và khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn khá phổ biến, đặc biệt là trong thực thi…
(Tổng hợp từ TTXVN, Chinhphu.vn, vneconomy.vn)