Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Bỉ quan tâm dự án Soài Rạp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp Bỉ quan tâm dự án Soài Rạp

T.Thu

Doanh nghiệp Bỉ quan tâm dự án Soài Rạp
Đại dện của công ty Jan De Nul (Bỉ) gặp gỡ lãnh đạo TPHCM hôm 15-3. Ảnh: Thu Nguyệt

(TBKTSG Online) – Đại diện Công ty Jan De Nul n.v. (Bỉ) ngày 15-3 đã có buổi gặp gỡ lãnh đạo TPHCM và thể hiện mong muốn tham gia dự án nạo vét luồng sông Soài Rạp.

Trong cuộc gặp với lãnh đạo TPHCM, ông Jan Van Impe, Giám đốc khu vực của công ty Jan De Nul n.v. cho biết, công ty muốn tham gia các dự án cảng biển và nạo vét của TPHCM và cam kết sẽ có những hỗ trợ nhất định.

Vị đại diện này đã thể hiện sự quan tâm đến dự án nạo vét sông Soài Rạp khi được lãnh đạo TPHCM giới thiệu. Hiện Jan De Nul đang thực hiện nạo vét cho công trình nhà máy thép của Tập đoàn Fomosa (Đài Loan) tại Hà Tĩnh.

Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TPCHM, hiện dự án nạo vét sông Soài Rạp đã được thực hiện một phần và dự kiến hoàn tất trong khoảng 3 năm tới. Chính phủ Bỉ và Việt Nam đã đồng ý hợp tác trong dự án này.

Tuy nhiên, theo ông Tín, để dự án này được thực hiện, chính phủ hai nước phải ký hiệp định khung và hợp đồng ODA. Theo quy định đối với các dự án ODA, dự án sẽ được đấu thầu quốc tế và cũng sẽ có sự tham gia của các công ty Bỉ.

Trước đó, vào ngày 8-3-2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý việc sử dụng vốn vay của Chính phủ Bỉ trị giá 70 triệu euro cho dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2). Vốn đối ứng của dự án tương đương 624 tỉ đồng do UBND TPHCM tự bố trí trong ngân sách hàng năm của thành phố.

Theo trang web của Thủ tướng Chính phủ, dự án nạo vét sông Soài Rạp được triển khai tại 4 tỉnh là Tiền Giang, Long An, TPHCM và Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm di dời các cảng biển trên sông Sài Gòn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua các cảng trên địa bàn TPHCM.

Dự kiến, dự án được thực hiện trong 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2009-2010) là nạo vét đến độ sâu âm 9,5 m để tàu có trọng tải 30.000 – 50.000 tấn cập cảng. Giai đoạn 2 (2012- 2013) là nạo vét đến độ sâu âm 11 m cho tàu có trọng tải 50.000 – 70.000 tấn cập cảng. Giai đoạn cuối cùng là sau năm 2015, nạo vét đến độ sâu âm 12 m để đáp ứng tàu có trọng tải 70.000 tấn cập cảng.

Đại diện của Jan De Nul là thành viên trong phái đoàn gồm 300 doanh nhân Bỉ đang có chuyến thăm Việt Nam nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác giữa hai nước về mặt kinh tế, giao thương, hợp tác công nghệ. Đoàn doanh nghiệp này tháp tùng Thái Tử Philippe của Bỉ, cùng Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Didier Reynders và các bộ trưởng khu vực của nước này.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới