(KTSG Online) - Vấn đề loạn giá kit xét nghiệm khiến doanh nghiệp, người dân lao đao trong những tháng chống dịch cao điểm vừa qua đang “nóng” trên công luận khiến Thủ tướng yêu cầu kiểm tra làm rõ. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, ngoài kinh phí rất lớn phải chi ra để phục vụ việc test, họ đang phải đối diện với nguy cơ không biết quyết toán thuế khoản chi phí xét nghiệm đó như thế nào.
Trong cuộc họp giao ban của các hiệp hội doanh nghiệp với Ban Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Thủ tướng hôm 1-10, lãnh đạo một doanh nghiệp điện tử đã nêu ra một tình huống mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải: do chưa có hướng dẫn chi tiết của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế về hạch toán, quyết toán các khoản chi phát sinh của doanh nghiệp trong dịch, đặc biệt là chi phí xét nghiệm, nên sẽ xảy ra nhiều tình huống khó xử lý sau này.
Tình huống thứ nhất, nếu hợp đồng doanh nghiệp ký với bên thực hiện xét nghiệm là hợp đồng số lượng mà không nêu tên các nhân sự được xét nghiệm cụ thể thì có thể hạch toán vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hay không?
Tình huống thứ hai, nếu hợp đồng xét nghiệm ký với tên các nhân viên cụ thể thì số tiền chi theo tên từng nhân viên có thể bị hạch toán vào thuế thu nhập cá nhân của nhân viên. Tình huống này, theo Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử, đã xảy ra tại Cục Thuế Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng…
Cả hai tình huống đều gây khó cho doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp phải chi từ vài trăm triệu đồng đến cả chục tỉ đồng (tùy quy mô doanh nghiệp) để thực hiện chi phí xét nghiệm hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng cho nhân viên.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp vận tải, lái xe phải liên tục xét nghiệm (từ 12-15 lần/tháng) để đáp ứng điều kiện di chuyển của các địa phương. Nhưng các điểm xét nghiệm/trung tâm y tế/bệnh viện hầu hết chỉ cấp phiếu thu đóng dấu treo theo tên cá nhân lái xe mà không cấp hóa đơn cũng như không có hợp đồng. Vậy nên khi quyết toán, liệu các dạng phiếu thu này có được cơ quan thuế chấp nhận hay không và nếu được thì hạch toán vào đâu?
Vẫn theo các doanh nghiệp vận tải, hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp là rất khó bởi tổng số tiền rất lớn nhưng lại là hàng trăm phiếu thu gộp lại. Hạch toán vào tiền chi cho cá nhân thì có thể bị tính thuế thu nhập cá nhân.
Ngoài ra, các bệnh viện làm mẫu test gộp 10 người nhưng vẫn thu theo đơn giá lẻ của từng người và trả hóa đơn ghi thành 2 dịch vụ: khám sức khỏe và test Covid để hợp thức hóa giá tiền đó (như tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang-Hà Nội).
Vấn đề là tại một khu vực lớn mà chỉ có một điểm test được chỉ định nên doanh nghiệp không có lựa chọn nào khác.
Đó còn chưa kể đến giá kit xét nghiệm Nhà nước áp dụng cho tới thời điểm trước ngày 1-7-2021 được quy định không quá 238.000 đồng/mẫu test nhưng đến cuối tháng 7, nhiều doanh nghiệp phải chi trả gấp 1,3 lần/mẫu test.
Hôm 2-10, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, ông Đỗ Xuân Tuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế – cho biết cơ quan này đã lập đoàn thanh tra do Thanh tra Bộ Y tế chủ trì để kiểm tra, làm rõ và chấn chỉnh việc “loạn” giá kit xét nghiệm, chi phí xét nghiệm. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng có văn bản đề nghị các tỉnh thanh tra, kiểm tra việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, kit xét nghiệm.
Cũng theo ông Tuyên, Bộ Y tế đã yêu cầu đơn vị cung cấp trang thiết bị y tế, sinh phẩm y tế phải cập nhập giá trên trang thông tin điện tử của bộ hàng tuần để đảm bảo công khai, minh bạch và giá cả cạnh tranh. Hiện Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành với 97 loại kit xét nghiệm, gồm 35 loại bằng phương pháp PCR, 39 loại xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
Đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành quy định cho phép doanh nghiệp vận tải tự thực hiện việc xét nghiệm mà không phải đến các cơ sở y tế được chỉ định.