Thứ tư, 5/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp cần ‘đỡ đầu’ công cuộc chuyển đổi số

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp cần 'đỡ đầu' công cuộc chuyển đổi số

Lê Anh

(TBKTSG Online) - Hiện nay, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của doanh nghiệp nhỏ vẫn rất yếu, cần có “bà đỡ” để doanh nghiệp có thể chuyển đổi số trong sản xuất để tăng sức cạnh tranh. Doanh nghiệp rất cần các chính chính sách hỗ trợ về thuế, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư dây chuyền tự động hóa để có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài.

Doanh nghiệp cần 'đỡ đầu' công cuộc chuyển đổi số
Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của chính quyền trong việc chuyển đổi số để nâng cao sức cạnh tranh - Ảnh: Anh Quân

Sáng 22-7, chính quyền TPHCM đã công bố chương trình chuyển đổi số và nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của thành phố. Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, TPHCM là địa phương đầu tiên công bố chương trình chuyển đổi số sau khi Chính phủ có quyết định phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 (Quyết định 749 ngày 3-6-2020).

Về chương trình chuyển đổi số của TPHCM, ông Đức cho biết, mục tiêu của TPHCM đến năm 2025 trở thành thành phố thông minh cùng việc ứng dụng công nghệ số.

Trong đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Thông tin của người dân và doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại trung tâm dữ liệu thành phố.

Khi chuyển đổi số, kinh tế số chiếm 25% GRDP năng suất lao động hàng năm tăng tối thiếu 7%; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%; hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.

Mục tiêu đến năm 2030, TPHCM sẽ đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều thiết bị khác nhau bao gồm cả thiết bị di động; kinh tế số chiếm 40% GRDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán là 85%.

Để đạt được các mục tiêu nói trên TPHCM sẽ thực hiện các giải pháp, phát triển hạ tầng số, viễn thông- công nghệ thông tin; internet vạn vật; hạ tầng dữ liệu.

Thành phố cũng sẽ phát triển nền tảng số nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu; nền tảng internet vạn vật, nền tảng trí tuệ nhân tạo; nền tảng kết nối dịch vụ số hóa. Cùng với việc phát triển công nghệ thông tin, TPHCM sẽ đầu tư hệ thống bảo mật để đảm bảo an toàn thông tin.

Sau khi công bố chương trình chuyển đổi số, TPHCM tổ chức hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo TPHCM cùng nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tại hội nghị ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho biết, việc chuyển đổi số cần phải đồng bộ từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân. Hiện nay, thực tế cho thấy việc chuyển đổi số ở doanh nghiệp tại TPHCM còn khá mơ hồ.

Ông Khoa đề xuất TPHCM khi chuyển đổi số nên cho doanh nghiệp kết nối vào  hệ thống của chính quyền thì các chính sách đến được doanh nghiệp sẽ nhanh và chính xác hơn. Đồng thời, TPHCM cần chuyển đổi số mạnh hơn ở lĩnh vực y tế Giao thông Vận tải, giáo dục vì các lĩnh vực này khi dùng công nghệ số thì người dân là người hưởng lợi nhiều nhất.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp quận Tân Phú đề xuất, chính quyền thành phố cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu không doanh nghiệp nhỏ sẽ bị bỏ lại trong công cuộc chuyển đổi số.

Theo ông Toàn, hiện nay, khả năng tiếp cận của doanh nghiệp nhỏ vẫn rất yếu, cần có “bà đỡ” để doanh nghiệp có thể chuyển đổi số trong sản xuất để tăng sức cạnh tranh. Doanh nghiệp rất cần các chính chính sách hỗ trợ về thuế, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư  dây chuyền tự động hóa để có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài.

Sau khi nghe các ý kiến góp ý đề xuất của doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, cho biết TPHCM đang xây dựng mô hình đô thị thông minh nên thành phố xác định rất rõ mục tiêu cho việc chuyển đổi số để tăng năng suất lao động, giải quyết công việc cho người dân nhanh hơn.

Đối với cơ quan nhà nước khi số hóa tài liệu việc tìm kiếm nhanh hơn rất nhiều so với thủ tài liệu giấy, giải quyết công việc nhanh hơn, năng suất hơn. Đối với doanh nghiệp khi chuyển đổi số năng suất tăng, chi phí giảm.
Liên quan đến việc doanh nghiệp chuyển đổi số còn yếu, ông Nhân gợi ý các doanh nghiệp công nghệ phải làm sao để doanh nghiệp sản xuất phải thấy hiệu quả thì họ mới làm. Ví dụ có thể cho doanh nghiệp dùng thử phần mềm 3 tháng, khi thấy được hiệu quả thì doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng.

Liên quan đến việc kết nối dữ liệu của doanh nghiệp với chính quyền, Bí thư thành ủy TPHCM cho biết việc kết nối giữa chính quyền và doanh nghiệp nằm trong chương trình chuyển đổi số của thành phố. TPHCM sẽ nghiên cứu để thành lập trung tâm giới thiệu sản phẩm công nghệ. Khi có trung tâm này, doanh nghiệp có thể mang sản phẩm đến giới thiệu, các doanh nghiệp có nhu cầu có thể đến tìm hiểu đặt hàng.

Mời xem thêm:

Quy hoạch cho đô thị thông minh

TPHCM bước đầu triển khai đô thị thông minh tại 3 quận

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới