Thứ Tư, 7/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp ‘chậm lớn’ vì khó tiếp cận môi trường sản xuất ổn định

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ đối diện tứ bề khó khăn trong bối cảnh sức ép cạnh tranh đến từ khối ngoại ngày càng gay gắt. Khi có cơ hội để “lớn lên” thì cũng không dễ dàng tiếp nhận bởi những cản trở đến từ thủ tục tiếp cận đất đai, tín dụng…

Những khó khăn về mặt bằng sản xuất, mặt bằng kinh doanh ngày càng đè nặng trên vai các doanh nghiệp nhỏ, khi giá đất càng ngày càng tăng cao trong khi nguồn lực tài chính lại có hạn.

Người lao động của Công ty TNHH cơ khí Nhật Long đang làm việc tại nhà xưởng nằm trong khu vực dân cư thành phố Thủ Đức. Ảnh. Lê Hoàng

Những khó khăn khi nhà xưởng nằm trong khu dân cư

Hai năm dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng, tình hình vật tư linh kiện và phụ tùng gặp nhiều khó khăn đã “giúp” cho Công ty TNHH cơ khí Nhật Long có đơn hàng sản xuất nhiều hơn.

“Do dịch bệnh và đứt gãy chuỗi cung ứng nên việc nhập khẩu khá lâu trong khi chúng tôi có khả năng sản xuất phụ tùng thay thế theo yêu cầu về chất lượng và giá cả nên từng bước được khách hàng tin tưởng đặt hàng”, ông Nguyễn Ngô Long, Chủ tịch HĐQT công ty chia sẻ, và cho biết nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng thay thế của Nhật Long ở TPHCM đang chạy hết công suất để kịp đơn hàng của 20 đối tác, trong đó có công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc,…

Lượng khách hàng gia tăng và đặc biệt là tham gia vào chuỗi cung ứng doanh nghiệp nước ngoài (FDI) thì bên cạnh cần mở rộng nhà xưởng còn đòi hỏi các điều kiện sản xuất phải thật tốt và đảm bảo an toàn với người lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp này hiện đang gặp khó khi nhà xưởng sản xuất nằm trong khu dân cư ở thành phố Thủ Đức.

Bởi lẽ hiện nay vẫn chưa có quy định về xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu dân cư. Nếu xin giấy phép xây dựng thì chỉ được cấp theo dạng nhà ở riêng lẻ.

Chính vì vậy, doanh nghiệp này phải xin giấy phép xây dựng theo dạng nhà ở, và khi doanh nghiệp muốn nâng cấp để đạt chuẩn để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động,… thì không thực hiện được.

“Chúng tôi mong muốn thành phố hướng dẫn cụ thể việc xây dựng nhà xưởng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cấp nhà xưởng để đảm bảo điều kiện an toàn trong sản xuất”, ông Long đề xuất.

Trên thực tế tình hình các doanh nghiệp sản xuất nhỏ có nhà xưởng xen cài trong khu dân cư trên địa bàn của TPHCM là không ít. Đó thường là những xưởng sản xuất quy mô nhỏ tồn tại dạng mô hình “cha truyền con nối” hoặc những nhà xưởng này trước đây không nằm trong khu dân cư nhưng trải qua nhiều năm hoạt động hoặc quá trình đô thị hóa nhanh,… khiến những cơ sở sản xuất này lọt thỏm vào các khu dân cư.

Những năm qua, TPHCM cũng đã tạo điều kiện để doanh nghiệp di dời những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn ra khỏi khu dân cư nhưng thực tế tình hình cũng không dễ dàng. Các doanh nghiệp nhỏ và chủ các cơ sở sản xuất vẫn cứ loay hoay với vấn đề về môi trường, làng nghề, thu nhập, việc làm, đồng vốn… nên từ đó vẫn tồn tại ở trong khu dân cư.

Đã trải qua hơn 24 năm hoạt động với khoảng 30 lao động đang làm việc, ông Nguyễn Ngô Long cũng tâm tư nhiều khi nhà xưởng sản xuất các sản phẩm cơ khí của mình nằm trong khu dân cư. Tuy nhiên theo ông Long tìm hiểu, trên địa bàn TPHCM có hơn 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong khi các khu công nghiệp chỉ đáp ứng nơi sản xuất cho vài chục ngàn doanh nghiệp, phần lớn còn lại đang hoạt động xen cài trong khu dân cư.

Do đó, tại hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” diễn ra tại TPHCM gần đây, ông Long kiến nghị TPHCM cần xây dựng các cụm công nghiệp dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để doanh nghiệp có thể chuyển vào sản xuất cho quy củ hơn.

Chuyển vào khu công nghiệp cũng không dễ dàng

Chuyện doanh nghiệp nhỏ nằm trong khu dân cư khó di dời ra các khu công nghiệp vì thiếu vốn không còn xa lạ, nhưng với những doanh nghiệp quy mô vừa cũng chưa chắc thuê được đất trong các khu công nghiệp tại TPHCM.

Bởi lẽ quỹ đất “sạch” sẵn sàng cho thuê trong các khu công nghiệp tại TPHCM không còn nhiều trong khi đất cho thuê quá cao khiến cơ hội tiếp cận mặt bằng sản xuất của nhiều doanh nghiệp khó khăn.

Hoạt động của một doanh nghiệp trong Khu chế xuất Linh Trung 1, TPHCM. Ảnh: TTXVN

Theo dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) được công bố hồi đầu năm nay, cho thấy giá thuê đất khu công nghiệp ở TPHCM gấp 2 lần giá trung bình cả nước. Báo cáo của VARS ghi nhận tại khu vực miền Bắc giá thuê đất khu công nghiệp năm 2022 trung bình từ 90 – 120 đô la Mỹ/m2/chu kỳ thuê. Trong khi tại TPHCM ghi nhận mức giá thuê đất khu công nghiệp cao nhất cả nước, dao động từ 180 – 300 đô la/m2/chu kỳ thuê.

Cũng vì đất sản xuất công nghiệp cho thuê tại TPHCM quá cao khiến nhiều doanh nghiệp thành phố trong những năm qua đã phải di chuyển đi các tỉnh khác mở nhà máy khi có nhu cầu di dời ra khỏi khu dân cư hoặc mở rộng quy mô sản xuất.

Đáng chú ý dù giá cao nhưng doanh nghiệp cũng không dễ dàng tìm mặt bằng sản xuất trong các khu công nghiệp. Trong các cuộc họp với báo chí nói về tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza), cũng nhiều lần nêu trăn trở về việc thiếu quỹ đất sạch để đón các nhà đầu tư vào sản xuất, nhất là với các dự án cần diện tích lớn.

Không riêng ở TPHCM, tại các tỉnh phía Nam, nhất là các tỉnh lân cận TPHCM, tình hình giá đất cho thuê cao khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận. Dữ liệu của VARS cũng cho thấy, đất công nghiệp ở Long An trong năm 2022 có giá thuê từ 125 – 175 đô la/m2/chu kỳ thuê, Bình Dương từ 100 – 250 đô la/m2/chu kỳ thuê, Đồng Nai từ 100 – 200 đô la/m2/chu kỳ thuê,…

Giá đất càng ngày càng tăng cao trong khi nguồn lực tài chính có hạn, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng sản xuất. Thiếu mặt bằng sản xuất khiến doanh nghiệp mất đi những cơ hội để mở rộng quy mô nhà xưởng, xây dựng chiến lược phát triển,… để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu vốn bị đứt gãy từ khi dịch Covid đến nay.

Vấn đề doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận đất đai, nhất là ở các khu công nghiệp lớn cũng được đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ra tại Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam vào tháng 9 năm ngoái.

Khi đó, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, cho biết thực tế trong nhiều năm qua việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó. Các tỉnh, thành phố hầu như không có chương trình riêng cho đối tượng này, chủ yếu dành nguồn lực và nỗ lực cho các dự án lớn, các doanh nghiệp FDI.

Việc vào được các khu công nghiệp lớn, hiện đại với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa hiện nay không dễ dàng. Ảnh minh họa: TL

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho biết thực tế các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa hầu như không có cơ hội tiếp cận các khu công nghiệp lớn bởi rào cản về quy định diện tích tối thiểu, điều kiện thanh toán, phí sử dụng hạ tầng cao,... 

Ngoài ra, việc thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thực tế rất ít. Có tình trạng lãnh đạo địa phương không biết luật này, thậm chí chưa có chương trình triển khai.

Theo người đại diện VCCI, hệ quả tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận đất đai ít và họ cũng ít có cơ hội mở rộng kinh doanh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường phải kinh doanh tại nơi họ đang sống, gây ra hệ luỵ về vấn đề môi trường, khó mở rộng sản xuất, khó tiếp cận vốn… Đó cũng là nguyên nhân khiến bức tranh khu vực kinh tế tư nhân còn khiêm tốn.

Gian nan tìm giải pháp

Trên thực tế, đối với TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An,… đất khu công nghiệp ngày càng khan hiếm hơn ngay cả đối với những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Do vậy, các địa phương này cũng đã lên kế hoạch bổ sung hàng ngàn ha diện tích đất với các khu công nghiệp được xây dựng mới nhằm góp phần làm hạ nhiệt tình trạng tăng giá thuê đất.

Riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các địa phương cũng nỗ lực xây dựng các cụm công nghiệp phục vụ sắp xếp cơ sở sản xuất, làng nghề và xây dựng cụm công nghiệp chuyên ngành song trên thực tế, tới nay hiệu quả vẫn chưa cao.

Nhà xưởng xây sẵn, nhà xưởng cao tầng với diện tích nhỏ được cho là thích hợp với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Trong anh là nhà xưởng xây sẵn cho thuê ở khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An. Ảnh: Quốc Hùng

Đáng chú ý, đặc điểm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là quy mô, nhu cầu thuê đất có diện tích nhỏ, phù hợp với năng lực sản xuất, kinh doanh và tiềm lực của doanh nghiệp. Do đó, trong điều kiện quỹ đất cho sản xuất công nghiệp ngày càng hạn hẹp nên TPHCM, Long An,… trong những năm qua đã nỗ lực phát triển nhà xưởng xây sẵn, nhà xưởng cao tầng cho thuê để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào sản xuất.

Theo đó, mỗi nhà xưởng sẽ có diện tích từ 100 đến 3.000 m2 được cho là khá phù hợp

Một điểm thuận lợi của nhà xưởng cao tầng này là có thể tập trung các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cùng một số ngành nghề, nhằm hình thành nên các cụm công nghiệp hỗ trợ, tạo được sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong cùng chuỗi cung ứng.

Mặt khác chính quyền các địa phương cũng hỗ trợ nhà phát triển hạ tầng về vốn vay kích cầu nhằm giúp giảm giá thành nhà xưởng cho thuê.

Đại diện các nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp cũng cho rằng khi thuê nhà xưởng cao tầng, doanh nghiệp giảm được áp lực lớn về vốn đầu tư ban đầu (nếu thuê đất xây dựng thì phải thuê tối thiểu cả ngàn mét vuông, cộng thêm chi phí xây dựng, đầu tư hệ thống xử lý nước thải…); tiết kiệm được chi phí thông qua các tiện ích sử dụng chung của tòa nhà; nâng cao tác phong công nghiệp cho người lao động.

Bên cạnh nỗ lực tự thân của từng đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn các chính sách ban hành phù hợp hơn với nhu cầu của chính họ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới