Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp chật vật vượt “rào cản” gia nhập thị trường năng lượng tái tạo

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các doanh nghiệp phát triển dự án năng lượng tái tạo hiện gặp nhiều khó nhăn do cơ quan quản lý chưa có chính sách dài hạn nhằm tạo ra môi trường đầu tư ổn định, có thể dự đoán hoặc đảm bảo dự đoán được dòng doanh thu của các dự án.

Tại tọa đàm "Tháo gỡ ‘điểm nghẽn’ phát triển năng lượng tái tạo" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 22-12, ông Nguyễn Văn Vy - Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam – cho biết doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn, bất cập trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo do chưa có có chính sách dài hạn nhằm tạo ra môi trường đầu tư ổn định, có thể dự đoán hoặc đảm bảo dự đoán được dòng doanh thu của các dự án.

Ngoài ra, quy chuẩn, tiêu chuẩn về ứng dụng các công nghệ năng lượng tái tạo còn thiếu.

Năng lượng tái tạo dự kiến sẽ trở thành nguồn điện lớn nhất thế giới vào năm 2025, thay thế cho vị trí của năng lượng hóa thạch. Ảnh: TTXVN.

Về cơ chế giá FIT (Feed-in Tariff, là biểu giá điện hỗ trợ, được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo), ông Vy cho rằng việc áp dụng thống nhất giá FIT cho các dự án năng lượng tái tạo trên cả nước cũng làm hạn chế nguồn lực phát triển.

“Giá FIT cho các dự án năng lượng tái tạo được áp dụng chung, không phân biệt quy mô sẽ dẫn đến bất cập, các dự án có quy mô lớn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn dự án nhỏ”, ông Vy nói.

Còn ông Nguyễn Bá Sản - đại diện Ban quản lý năng lượng Tập đoàn T&T – đánh giá cơ chế chính sách giá FIT hiện bị đứt gãy và gián đoạn.

“Cần có một hành lang pháp lý thông suốt, thông thoáng, rõ ràng và liên tục vì các cơ chế chính sách áp dụng trong thời gian vừa qua chưa đưa ra được định hướng lâu dài”, ông Sản cho biết.

Về quy hoạch, ông Sản cho rằng Việt Nam đang thiếu một quy hoạch tổng thể và đầy đủ để hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn năng lượng điện gió ngoài khơi, dù đây là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý không có các hướng dẫn, chỉ dẫn cần thiết, rõ ràng cho các bước đi trong quá trình thực hiện dự án, từ xin giấy phép khảo sát, đo gió tới khu vực/địa điểm được ưu tiên phát triển dự án trong giai đoạn đến 2030 và sau 2030.

Thực trạng này, theo ông Sản, khiến một số địa phương thông qua khu vực khảo sát theo đề nghị của nhà đầu tư với công suất lớn hơn nhiều so với quy mô, công suất dự kiến của dự án.

“Điều này vừa gây lãng phí không gian biển, tài nguyên biển cũng như hạn chế các nhà đầu tư tiềm năng khác đến tìm kiếm ý định và nhu cầu đầu tư thực sự”, ông Sản nói.

Bên cạnh đó, tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam liên tục gia tăng, nhưng tập trung chủ yếu ở một số vùng có tổng công suất tiêu thụ điện thấp.

Về chính sách vĩ mô, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) – nhận định điểm nghẽn lớn nhất với thị trường năng lượng là tình trạng độc quyền, chậm chuyển sang thị trường điện cạnh tranh.

“Thị trường bán buôn điện cạnh tranh là mô hình khuyến khích cạnh tranh trong phát điện. Nhưng hiện chỉ có một người mua duy nhất là công ty mua bán điện của EVN mua tất cả điện năng từ các đơn vị phát điện và bán cho các công ty phân phối với giá bán buôn”, ông Mại cho biết.

Theo ông Mại, việc chỉ có một người mua là EVN khiến thị trường điện cạnh tranh đích thực chưa hình thành. Để tham gia vào thị trường, các nhà đầu tư đã tận dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước với điện gió, điện mặt trời, điện tái tạo để xây dựng và triển khai nhiều dự án. Nhưng do quy hoạch không được công khai, minh bạch, còn cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ nên đã xảy ra tình trạng “chạy quy hoạch” và gây lãng phí nguồn năng lượng mới.

“Khuyến khích đầu tư tư nhân vào dự án năng lượng sạch, nhưng chưa cho tư nhân đầu tư vào mạng lưới truyền tải điện nên nhiều dự án sau khi hoàn thành chỉ phát lên lưới 30-40% công suất do đường dây quá tải”, ông Mại cho biết.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Mại cho rằng cần giải quyết hai điểm nghẽn là quy hoạch và chính sách.

Với vấn đề quy hoạch, ông kiến nghị Chính Phủ để thị trường quyết định quy hoạch, thay vì làm quy hoạch cố định.

“Cái nguy hiểm nhất là việc chạy quy hoạch. Nhiều bên chạy quy hoạch từ tỉnh đến bộ và sau đó bán để kiếm chênh lệch khoảng 15-20%, hiện tượng này xảy ra rất nhiều”, ông Mại nhấn mạnh.

Theo ông, điều này khiến nhà đầu tư nước ngoài không vào được các dự án điện của Việt Nam mà phải mua lại từ các nhà đầu tư Việt Nam không đủ tiềm lực với chi phí đắt hơn. Đây là điểm nghẽn phải giải quyết để có thị trường điện cạnh tranh.

Với vấn đề chính sách, ông cho rằng các cơ quan quản lý cần hạn chế ban hành các chính sách ngắn hạn.

Lý giải đề xuất này, ông cho rằng ổn định, minh bạch chính sách sẽ giúp doanh nghiệp có thể dự đoán trước doanh thu, rủi ro trong khoảng thời gian dài hơn, nhất là khi Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn lớn và là cứ điểm sản xuất sản phẩm công nghệ cao

Ngoài ra, ông kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế đấu thầu với quy hoạch điện VIII.

“Chắc chắn đây là vấn đề phải được đưa ra ngay khi có Quy hoạch điện VIII. Từ đó, chúng ta mới có chính sách, cơ chế, quy hoạch theo thị trường để Quy hoạch điện VIII có thể thành công”, ông Mại nói.

Ông Nguyễn Hoàng Long - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hạ tầng Gelex – kiến nghị các cơ quan quản lý xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà đầu tư và Nhà nước theo hướng quân bình giữa rủi ro và lợi nhuận.

Theo ông Long, biên lợi nhuận thực tế của các dự án là khá lớn vào những thời điểm đầu. Nhưng ở các giai đoạn tiếp theo, biên lợi nhuận sẽ giảm xuống khi có thêm các quy định, ràng buộc và giảm giá.

“Với việc rủi ro vẫn giữ nguyên, trong khi biên lợi nhuận không thay đổi, thậm chí là giảm xuống thì khi đó nhà đầu tư sẽ không làm nữa”, ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới