(KTSG Online) - Doanh nghiệp ở châu Á-Thái Bình Dương đang gia tăng giám sát tài sản kém hiệu quả, cân nhắc thanh lý tài các mảng kinh doanh không cốt lõi đồng thời chú trọng đầu tư xanh, theo khảo sát của hãng kiểm toán Deloitte.
- Lộ trình hướng đến Net Zero: Con đường bắt buộc phải đi
- Cổ phiếu ESG ở châu Á vào tầm ngắm của các quỹ đầu tư
Báo cáo khảo sát của Deloitte, công bố hôm 15-7, cho biết các nhà quản lý doanh nghiệp ở châu Á-Thái Bình Dương (APAC) đang đánh giá danh mục đầu tư thường xuyên hớn để thoái vốn khỏi các mảng kinh doanh kém hiệu quả hoặc không cốt lõi. Một phương án khác cũng được cân nhắc là phối hợp với các đối tác để cải thiện những mảng kinh doanh này.
Cuộc khảo sát của Deloitte được hiện với 250 nhà quản lý doanh nghiệp ở các công ty tư nhân và đại chúng trên toàn khu vực. Các công ty này quản lý danh mục đầu tư có giá trị ít nhất 1 tỉ đô la Mỹ mỗi công ty.
Theo báo cáo, gần 60% công ty đang đánh giá lại hiệu quả danh mục đầu tư ít nhất hai lần một năm, tăng từ mức 46% trong cuộc khảo sát vào năm 2022. Trong khi đó, 79% nhà quản lý doanh nghiệp cho biết, họ dự kiến thực hiện từ hai đợt thoái vốn trở lên trong 18 tháng tới. 99% nói rằng đang xem xét ít nhất một chiến lược rút lui thay thế cho phương án thoái vốn toàn bộ.
Deloitte ghi nhận, có nhiều động lực khiến doanh nghiệp rà soát lại danh mục đầu tư và xem xét thoái vốn.
Đầu tiên, doanh nghiệp phải tìm cách thích ứng với căng thẳng địa chính trị, đang gây xáo trộn thị trường, chuỗi cung ứng và đối tác thương mại. Tiếp đó, doanh nghiệp chịu áp lực vì quy định về hiệu quả sử dụng vốn gần đây ở Nhật Bản, Hàn Quốc và có thể là các nước khác ở châu Á trong thời gian tới. Quy định này yêu cầu các công ty niêm yết cải thiện chỉ số giá cổ phiếu so với giá trị sổ sách của cổ phiếu.
Ngoài ra, các nhà đầu tư hoạt động (activist investors) ở châu Á đang gây áp lực lên các công ty trong việc giải quyết các tài sản kém hiệu quả và thoái vốn khỏi các mảng kinh doanh không cốt lõi. Nhà đầu tư hoạt động là một nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức tìm cách giành được quyền kiểm soát một công ty để thúc đẩy các thay đổi chính sách và mục tiêu của công ty đó.
Một động lực nữa là nhu cầu nâng cao yếu tố ESG và lộ trình đưa lượng phát thải ròng khí nhà kính về zero (Net-Zero) thúc đẩy hội đồng quản trị và ban lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực thực hiện các giao dịch và thoái vốn để chuyển sang danh mục đầu tư xanh.
“Nhiều động lực đang định hình lại nền kinh tế toàn cầu và tác động sâu sắc đến doanh nghiệp trên khắp châu Á-Thái Bình Dương. Cho dù đó là căng thẳng địa chính trị, yêu cầu bền vững hay áp lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp phải chủ động tái cân bằng danh mục đầu tư để duy trì tính cạnh tranh và sẵn sàng thoái vốn”, Jiak See Ng, lãnh đạo bộ phận chiến lược và rủi ro phụ trách khu vực APAC của Deloitte nói.
Hơn một nửa số nhà quản lý doanh nghiệp cho biết, các mối quan ngại về vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG) là chủ đề thảo luận thường xuyên trong quá trình thực hiện đợt thoái vốn gần đây nhất. Các yếu tố ESG hiện đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động ra quyết định chiến lược và tái cân bằng danh mục đầu tư của doanh nghiệp ở khu vực APAC.
Cuộc khảo sát của Deloitte cũng cho thấy, những tài sản được đánh giá cao về các yếu tố ESG cũng có khả năng nhận được giá trị bán lại cao hơn mong đợi gấp sáu lần.
“Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng và tập trung cao độ vào ESG, việc chủ động quản lý danh mục đầu tư sẽ là một trong những chìa khóa dẫn đến thành công của doanh nghiệp”, David Hill, CEO phụ trách khu vực APAC của Deloitte bình luận.
David Hill dự báo, hoạt động thâu tóm và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trong khu vực có khả năng tăng lên trong thời gian tới. Điều này một phần là nhờ lượng tiền sẵn sàng cho hoạt động M&A đang ở mức cao kỷ lục. Theo dữ liệu từ S&P Global và Preqin, nguồn vốn cổ phần tư nhân trên toàn cầu tăng vọt lên mức cao chưa từng có 2,59 nghìn tỉ đô la Mỹ, tính đến tháng 12 năm ngoái. Con số này cao hơn 8% so với một năm trước đó.
David Hill cho rằng, hoạt động M&A sẽ cho phép các công ty tiếp cận công nghệ tiên tiến và đẩy nhanh tiến độ khử carbon.
Theo Deloitte.com, SCMP