(KTSG) - Giao thương bắt đầu khởi sắc. Câu chuyện TPHCM cho mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ ở một số khu vực kiểm soát được dịch và Hà Nội đưa ra kế hoạch hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2022 trên địa bàn thành phố với tổng giá trị khoảng 39.000 tỉ đồng, được xem là những tín hiệu tích cực từ các địa phương và doanh nghiệp trong bối cảnh khôi phục và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với phòng chống dịch bệnh.
Gần một tháng từ khi nới lỏng giãn cách, nền kinh tế cả nước khôi phục lại những đứt gãy của chuỗi cung ứng, các tổ chức, doanh nghiệp cũng bắt đầu làm quen dần với việc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Được “cởi trói”
Trao đổi thông tin tại một sự kiện, ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), cho rằng việc phân loại cấp độ dịch (4 cấp) là một trong những điểm tích cực nhất của Nghị quyết 128/NQ-CP. Theo ông, các nhà mua hàng quốc tế nhìn vào đó có thể dự báo được các kịch bản ứng phó của Việt Nam với diễn biến dịch bệnh có thể xảy ra, riêng doanh nghiệp thấy an tâm hơn vì không phải dừng sản xuất toàn bộ ngay cả trong tình huống nguy cơ cao.
Theo một số doanh nghiệp, họ đã có kinh nghiệm trong việc thực hiện đồng thời các mục tiêu về duy trì sản xuất và phòng chống dịch bệnh, từ việc chuẩn bị các điều kiện về y tế tại chỗ đến các kịch bản xử lý khi có F0. Tâm thế của doanh nghiệp hiện nay đã khác, khác ở đây không phải là sự chủ quan mà là chủ động.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM, dẫn chứng trường hợp của Công ty Freetrend (Khu chế xuất Linh Trung 1-2) cho thấy sự sẵn sàng của các doanh nghiệp khi chuyển trạng thái thích ứng với dịch bệnh.
Nếu vào tháng 7, khi phát hiện vài chục công nhân bị nhiễm Covid-19, hơn 30.000 công nhân của công ty phải nghỉ việc và nhà máy đóng cửa. Nay khi Freetrend hoạt động trở lại vào đầu tháng 10, việc khám sàng lọc đợt đầu 4.800 công nhân đã được thực hiện và 20 trường hợp F0 được phát hiện và đưa đi điều trị, nhà máy vẫn hoạt động và tiếp tục sàng lọc để tăng dần quy mô lao động. Như vậy, có thể thấy doanh nghiệp không còn lúng túng ngay cả trong tình huống có F0 trong nhà máy.
Về công tác phòng, chống dịch để sản xuất an toàn, theo ông Nguyễn Chánh Phương, đây là nhu cầu của các doanh nghiệp, nên các doanh nghiệp phải chủ động phòng ngừa. “Hơn ai hết chúng tôi hiểu rằng chính mình phải giữ gìn môi trường sản xuất an toàn thì mới có thể duy trì hoạt động”. Rất nhiều doanh nghiệp thành viên của Hawa đã trang bị xe cứu thương, kết nối chặt chẽ hơn với y tế địa phương để phối hợp xử lý khi có tình huống phát sinh.
Tại Khu chế xuất Linh Trung 2, ông Nguyễn Văn Bé cho biết một cơ sở thu dung bệnh nhân Covid-19 đang trong giai đoạn hoàn thiện, có khả năng điều trị tầng 1 với quy mô 250 giường. Khi cơ sở này đi vào vận hành sẽ có sự phối hợp của Bệnh viện thành phố Thủ Đức về chuyên môn.
Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Khu Công nghệ cao TPHCM cũng liên kết đầu tư xây dựng một cơ sở thu dung chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Đây là một mô hình mà ban quản lý thực hiện nhằm chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp khi có phát sinh dịch bệnh.
Doanh nghiệp cho rằng sự ra đời của Nghị quyết 128 rất kịp thời, tạo cơ chế chung cho các địa phương, tuy là chậm và ở đâu đó vẫn còn ách tắc nhưng đã từng bước giúp giải quyết “hàng rào kỹ thuật” kiểm soát lưu thông giữa các tỉnh, thành phố. Nhờ đó mà việc giao thương buôn bán dịp cuối năm 2021 bắt đầu khởi sắc, việc lưu thông hàng hóa cơ bản đã thông suốt.
Tuy nhiên chuỗi liên kết, cung ứng không chỉ có hàng hóa. Lực lượng lao động của TPHCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh liên kết chặt chẽ với nhau, số lao động cư trú và làm việc ở hai địa bàn rất đông. Theo các doanh nghiệp, nếu không khéo léo thì việc xác định mức độ dịch ở mỗi địa phương cũng sẽ dẫn đến cản trở lưu thông, di chuyển lực lượng lao động, làm chậm quá trình khôi phục sản xuất của doanh nghiệp.
Nghịch lý thiếu - thừa lao động
Tình trạng người lao động ồ ạt trở về quê khiến mối quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ, nhất là ở những tỉnh thành phố vùng Đông Nam bộ, nơi đã và đang bị chịu tác động rất lớn bởi đại dịch. Cùng với đó là sự thiếu hụt lao động theo ngành, như điện tử (55,6%), da giày (51,7%), may (49,2%), sản xuất thiết bị điện (44,5%), dệt (39,5%).
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT), cho biết đơn vị liên tục rao tuyển lao động từ đầu tháng 10 đến nay nhưng có rất ít người đến công ty nộp hồ sơ, trong khi áp lực hoàn tất lượng đơn hàng cả trong nước lẫn xuất khẩu gia tăng từng giờ. APT đã phục hồi sản xuất với 75% số lao động so với trước đây, hiện còn khoảng 100 lao động vì nhiều lý do chưa quay lại nhà máy.
APT cho hay còn cần đến 200 lao động để chuẩn bị cho sản xuất hàng hóa dịp cuối năm. Tuy nhiên, kế hoạch tuyển dụng đang gặp khó vì không có ứng viên và APT giờ phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho cả năm 2022.
Tình huống cần tuyển dụng mà không có người để tuyển của APT cũng là nỗi khó khăn chung mà nhiều doanh nghiệp tại TPHCM đang gặp phải. Tuy nhiên, bức tranh về lao động sau dịch Covid-19 cũng có mảng màu khác chứ không thuần là thiếu lao động.
Ngày 24-10, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, qua khảo sát 11.502 doanh nghiệp trong quí 3 năm nay, có đến 9.858 doanh nghiệp trả lời bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm tỷ lệ 85,71% tổng số doanh nghiệp khảo sát.
Phần đông các doanh nghiệp hiện đều gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ sản phẩm chiếm tỷ lệ 42,7%; doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn chiếm 27,15%; chính sách hỗ trợ chưa kịp thời chiếm tỷ lệ 18,23%; doanh nghiệp thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất chiếm 11,92%. Trong 251.027 người lao động đang làm việc thì có đến 129.582 người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiếm tỷ lệ 51,62%.
Lao động giãn việc, nghỉ luân phiên chiếm 48,18%; lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc cho thôi việc chiếm 32,21%; lao động tạm hoãn hợp đồng lao động chiếm 8,2%; lao động tạm nghỉ việc có hưởng một phần lương chiếm 7,45%; lao động tạm nghỉ việc không hưởng lương chiếm 3,96%.
Số doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động trong những tháng cuối năm 2021 là 4.493 doanh nghiệp, chiếm 39,06% tổng số doanh nghiệp khảo sát. Trong đó, số doanh nghiệp dự kiến giảm giờ làm việc hoặc nghỉ luân phiên chiếm 59,02%; tạm thời cho người lao động nghỉ việc có hỗ trợ một phần tiền lương chiếm 20,74%; cho lao động thôi việc chiếm 11,49%; tạm thời cho người lao động nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương chiếm 8,75%.
Theo ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, doanh nghiệp đã chịu áp lực không nhỏ khi phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô hoạt động khiến tỷ lệ lao động ngừng việc, mất việc có xu hướng tăng; người lao động thiếu việc làm, bị cắt giảm giờ làm, buộc thôi việc dẫn đến giảm, mất thu nhập.
Nỗ lực phục hồi thị trường lao động
Tại buổi livestream của TPHCM “Dân hỏi - Thành phố trả lời” vào tối 22-10 với chủ đề “Lao động - việc làm trong phục hồi sản xuất, kinh doanh”, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM Nguyễn Quang Cường cho biết, nhiều doanh nghiệp hiện rất chủ động trong việc liên hệ, hỗ trợ người lao động quay về thành phố làm việc.
Khi quay lại thành phố, người lao động có thể liên hệ với đơn vị cũ để nắm bắt nhu cầu hoặc tiếp cận tìm việc qua trang web của các doanh nghiệp, các trung tâm giới thiệu việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM (trung tâm).
Trước khi đến thành phố làm việc, người dân cũng có thể liên hệ trước với trung tâm để được hỗ trợ thủ tục, quy trình hoặc hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp để trao đổi trước, nhằm giúp người dân đỡ tốn công tốn sức, thời gian đi lại, hạn chế lây nhiễm dịch bệnh… Hiện nay, trung tâm đang triển khai chương trình hỗ trợ “Combo 3 trong 1” (nhà trọ 0 đồng, xét nghiệm nhanh miễn phí và giới thiệu việc làm ngay lập tức), triển khai từ ngày 1-10 đến 30-11.
Còn theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, nhiều doanh nghiệp đã và đang xây dựng lại kế hoạch hoạt động, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ nhân sự, trong đó có cả kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới để thay thế những lao động đã nghỉ việc do dịch bệnh hoặc về quê. Nhiều doanh nghiệp cũng dần thay đổi mô hình kinh doanh cũng như cách thức tuyển dụng để có đủ nhân sự và làm việc phù hợp trong tình hình hiện nay.
Năng lực thích ứng của xã hội nói chung, của doanh nghiệp nói riêng là rất tiềm tàng. Lý do là vì bị nén lại vì thời gian bùng phát đại dịch, mặt khác, nếu được tháo gỡ nhanh các điểm nghẽn, tạo điều kiện tiếp cận nhanh, thông thoáng thị trường trong và ngoài nước, sức bật kinh tế sẽ rất mạnh mẽ từ nay đến cuối năm. Mục tiêu thích ứng, an toàn đã đề ra cần phải kiên trì và kiên quyết thực hiện, nếu do dự và chùn bước thì không những chúng ta đánh mất cơ hội vượt qua khó khăn, mà có thể làm lụi tàn ý chí quyết tiến quyết chiến của cả cộng đồng.