(KTSG Online) - Trong bối cảnh "bão giá" về chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, doanh nghiệp than "khát vốn" lưu động để đầu tư kinh doanh khi nhu cầu thị trường quốc tế tăng trở lại.
Đây là thông tin của một số doanh nghiệp chia sẻ tại chương trình Cà phê doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) tổ chức ngày 18-6.
- Doanh nghiệp nhỏ khó vay vốn lãi suất thấp vì xếp hạng tín nhiệm thấp
- Tăng trưởng tín dụng cao trước thời điểm hỗ trợ lãi suất
Đại diện doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho biết các doanh nghiệp trong ngành đang phải ứng phó với "bão giá" khi đầu vào nguyên liệu tăng mạnh.
Theo bà Chi, tất cả chi phí nguyên phụ liệu ngoại nhập tăng từ 20-30%; trong nước giá xăng dầu cao kỷ lục. "Chi phí đầu vào tăng nếu các doanh nghiệp áp vào giá thành sản phẩm chắc chắn sẽ đẩy giá bán sản phẩm lên cao", bà Chi nói.
Lương thực, thực phẩm là mặt hàng thiết yếu, nếu giá tăng sẽ ảnh hưởng sức mua và tác động tới lạm phát... Do đó, suốt thời gian qua, ngành lương thực thực phẩm đã cùng thành phố duy trì mặt bằng giá không để lạm phát tăng cao.
Dù ngành lương thực, thực phẩm được ưu đãi về lãi suất nhưng theo các doanh nghiệp là không bù đắp hết được và họ đang nỗ lực để duy trì mặt bằng giá bán.
Về sản xuất, theo bà Chi, hiện nay, các doanh nghiệp đang trong tình trạng khát vốn chứ không phải thiếu vốn. Chẳng hạn, trước đây doanh nghiệp chỉ cần 100 tỉ đồng dự trữ nguyên vật liệu nhưng hiện nay tiền dự trữ đó phải là 150 tỉ đồng. "Vậy ở đâu ra 50 tỉ đồng chênh lệch này?", bà đặt câu hỏi.
Đáng chú ý, hiện nay các doanh nghiệp ở Mỹ, châu Âu, các thị trường khó tính đặt đơn hàng thực phẩm ăn liền, đồ uống, bún, miến, mì ăn liền… nhiều đến mức doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng. Vì giá thay đổi quá nhanh, nếu doanh nghiệp ký hợp đồng lớn sẽ không điều chỉnh được. Tiền không có, không đủ vốn dự trữ.
“Gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách 40.000 tỉ đồng lớn lắm nhưng độ trễ của chính sách khiến doanh nghiệp chưa thụ hưởng được", bà Chi nói, và chia sẻ: "Hiện nay doanh nghiệp lương thực thực phẩm khó khăn muôn bề, phải dùng kênh huy động vốn khác mới được duy trì sản xuất đến thời điểm này”.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho rằng thời điểm này kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi tích cực, doanh nghiệp cần vốn để khôi phục lại các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tuyển dụng lao động mới, đổi mới máy móc thiết bị … Trong khi đó, chi phí nguyên nhiên vật liệu, mặt bằng đều tăng nên nhu cầu về vốn của doanh nghiệp là rất lớn.
Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng mạnh trong thời gian qua nhưng để tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn. Do đó, để doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tiếp cận được gói tín dụng tốt nhất giúp tái đầu tư sản xuất phục hồi phát triển, đại diện HUBA kiến nghị các ngân hàng thương mại có chính sách giúp doanh nghiệp vay vốn.
Ngoài ra, Chính phủ đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2% áp dụng cho những khoản vay mới mà ngân hàng không còn room tín dụng thì không thể giải ngân. Ông Hưng cho rằng việc tiếp cận vốn vay hiện nay rất khó.
Do đó, để doanh nghiệp nhỏ được tiếp cận gói tín dụng tốt, người đại diện của HUBA mong muốn thúc đẩy triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp thành viên.
Tại sự kiện, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng bên cạnh ngân hàng, doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn vốn. Theo ông Lực, doanh nghiệp cần tận dụng các nguồn vốn như nguồn tài trợ từ chương trình phục hồi 2022-2023, các doanh nghiệp trong những lĩnh vực khó đáp ứng điều kiện tín dụng ngân hàng cần tính đến đến thuê tài chính, nguồn tài trợ chuỗi cung ứng…
Bên cạnh đó, một số tổ chức tín dụng cũng có các gói tín dụng hay tham gia các chương trình "tài chính xanh", huy động vốn từ nước ngoài như phát hành trái phiếu, vay vốn…
Ông Lực cho rằng doanh nghiệp cần minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính; thể hiện thiện chí hợp tác, phối hợp với tổ chức tín dụng trong cung cấp thông tin, cơ cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp, đa dạng hóa nguồn vốn, chủ động tiếp cận chương trình phục hồi.