Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp dầu khí Mỹ thu lợi nhuận 200 tỉ đô la kể từ chiến tranh Nga-Ukraine

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nhà sản xuất dầu khí của Mỹ thu được lợi nhuận tổng cộng 200 tỉ đô la Mỹ nhờ giá năng lượng tăng cao sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2. Khoản lợi nhuận kỷ lục này khiến các tập đoàn dầu khí lớn nhất Mỹ bị đặt vào tầm ngắm của Nhà Trắng trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực kìm hãm lạm phát tăng vọt.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo sẽ đề xuất quốc hội áp thuế lợi nhuận đột biến với các “ông lớn” dầu khí của Mỹ nếu họ không sử dụng lợi nhuận để tăng thêm sản lượng khai thác. Ảnh: DNA India

Tổng lợi nhuận ròng của các công ty dầu khí có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ đạt 200,24 tỉ đô la Mỹ trong quí 2 và quí 3 của năm nay, theo phân tích của các báo cáo thu nhập và ước tính do S&P Global Commodity Insights thực hiện.

Con số này, bao gồm lợi nhuận của các tập đoàn lớn và các công ty có quy mô trung bình cũng như các nhà khai thác dầu đá phiến độc lập nhỏ hơn, đánh dấu mức lợi nhuận kỷ lục của ngành trong vòng 6 tháng đồng thời đưa họ hướng đến một năm kinh doanh rực rỡ chưa có tiền lệ.

“Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất dầu của Mỹ có thể sẽ đạt mức cao kỷ lục, hoặc ít nhất là gần mức kỷ lục vào cuối năm”, Hassan Eltorie, Giám đốc bộ phận nghiên cứu vốn cổ phiếu ngành khai thác dầu khí tại S&P Global Commodity Insights, nói.

Lợi nhuận kỷ lục của các nhà sản xuất dầu khí đã khiến Nhà Trắng tức giận trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao có thể làm suy giảm số phiếu bầu dành cho đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ quan trọng vào tuần tới.

Hôm 31-10, Tổng thống Joe Biden nói rằng những khoản lợi nhuận vượt trội của các tập đoàn dầu khí là nhờ chiến tranh, chứ không phải nhờ vào bất kỳ điều gì mới mẻ hay sáng tạo trong hoạt động kinh doanh của họ.

Ông nói: “Lợi nhuận đột biến của họ là nhờ cuộc xung đột thảm khốc đang tàn phá Ukraine và làm tổn thương hàng chục triệu người trên toàn cầu... Đã đến lúc các công ty này phải dừng trục lợi từ chiến tranh và đáp ứng các nghĩa vụ ở đất nước này”.

Ông cảnh báo nếu họ không đầu tư tiền mặt để tăng sản lượng khai thác và giúp giảm giá dầu, ông sẽ yêu cầu quốc hội đánh thuế cao hơn đối với họ.

Luật về thuế lợi nhuận đột biến đối với các công ty dầu khí vẫn chưa được thông qua ở Washington. Nhưng nó đã trở thành hiện thực bên kia bờ Đại Tây Dương. Hồi đầu tháng 10, Hội đồng Liên minh châu Âu đã thông qua đề xuất áp thuế lợi nhuận đột biến đối với các công ty dầu khí ở các nước thành viên. Khoản thuế này được gọi là “khoản đóng góp đoàn kết”, với tỷ lệ đóng góp ít nhất 33% đối với phần lợi nhuận chịu thuế vượt quá 20% mức lợi nhuận chịu thuế trung bình của họ trong bốn năm tài chính bắt đầu từ hoặc sau tháng 1-2018.

Trong khi đó, hồi tháng 7, quốc hội Anh đã thông qua luật tăng thêm 25% “thuế lợi nhuận năng lượng” đối với các công ty dầu khí, đưa mức thuế lợi nhuận doanh nghiệp mà họ phải nộp lên 65%. Mức tăng thuế mới này sẽ kéo dài đến năm 2025. Thủ tướng Rishi Sunak đang xem xét tăng mức thuế này lên 30% và duy trì đến năm 2028.

Lợi nhuận bội thu của các công ty dầu khí được củng cố bởi dòng tiền tự do tăng vọt. Dòng tiền tự do, một thước đo quan trọng trong ngành, là số tiền còn lại sau khi lấy doanh thu trừ đi chi phí hoạt động và đầu tư.

Giá dầu chuẩn quốc tế Brent đạt trung bình hơn 105 đô la Mỹ/thùng trong quí 2 và quí 3, cao hơn mức trung bình khoảng 70 đô la Mỹ/thùng trong 5 năm qua. Giá dầu Brent từng leo lên mức gần 140 đô la Mỹ/thùng vào đầu tháng 3 sau khi các xe tăng Nga tiến vào lãnh thổ của Ukraine.

Các công ty dầu khí ở Mỹ đang bước vào một kỷ nguyên mới về kỷ luật vốn, trong đó, ưu tiên tạo ra lợi nhuận cho cổ đông, thay vì các dự án khoan thăm dò dầu khí tốn kém để thúc đẩy sản lượng.

Ngân hàng đầu tư Raymond James ước tính chi tiêu đầu tư của 50 nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới chỉ đạt khoảng 300 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, gần bằng một nửa so với năm 2013, thời điểm mà giá dầu ở mức cao tương đương như hiện nay.

Theo Pavel Molchanov, nhà phân tích của Raymond James, trong 5 năm qua, ngành công nghiệp dầu khí đã chuyển từ nỗ lực khoan thăm dò sang các ưu tiên mà các cổ đông muốn, đó là thu hồi vốn. Ông nói: “Các chương trình chia cổ tức và mua lại cổ phiếu của các công ty dầu khí chưa bao giờ hào phóng như lúc này”.

Phản ứng trước viễn cảnh bị áp thuế lợi nhuận đột biến, Darren Woods, Giám đốc điều hành của ExxonMobil, tập đoàn dầu khí lớn nhất Mỹ vừa ghi nhuận lợi nhuận quí 3 cao kỷ lục ( 19,7 tỉ đô la Mỹ), cho biết việc chia cổ tức lớn hơn của ExxonMobil nên được xem là cách “trả lại một phần lợi nhuận của chúng tôi trực tiếp cho người dân Mỹ”.

Rick Muncrief, Giám đốc điều hành Công ty khai thác dầu đá phiến Devon Energy, có trụ ở ở bang Oklahoma, nói: “Chúng tôi ưu tiên tạo ra giá trị chia sẻ hơn là theo đuổi việc tăng khối lượng khai thác. Và chúng tôi đã thưởng cho các cổ đông bằng cách chi trả cổ tức tiền mặt dẫn đầu thị trường”.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới