(KTSG Online) - Đây là một trong những chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đảm bảo nguồn cung, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao.
Trước biến động phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới và diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước, mới đây, Thủ tướng đã có yêu cầu triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo thẩm quyền nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, không để xảy ra thiếu hụt, Thống đốc NHNN đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện một số giải pháp trong năm 2022.
Trong đó, cơ quan quản lý tiền tệ yêu cầu các ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn, xem xét tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo danh sách công bố trên website của Bộ Công Thương).
Đặc biệt, NHNN yêu cầu các ngân hàng tập trung xem xét với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được Bộ Công Thương phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng được yêu cầu đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cấp tín dụng; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp với nhóm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu này.
NHNN cũng nêu rõ, việc xem xét, thẩm định và quyết định cấp tín dụng, tăng thêm hạn mức tín dụng đối với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nêu trên phải thực hiện theo cơ chế tín dụng hiện hành. Trong trường hợp phát sinh vướng mắc, các ngân hàng phải báo cáo lại ngay với Thống đốc NHNN để xem xét xử lý.
Thống đốc yêu cầu chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại chỉ đạo sát toàn hệ thống, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có đủ điều kiện theo quy định. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác tín dụng với nhóm doanh nghiệp này.
Đối với các ngân hàng phát sinh dư nợ, định kỳ hàng tháng yêu cầu báo cáo NHNN thông qua Vụ Tín dụng các ngành kinh tế về tình hình cấp tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu.
Trả lời tại phiên chất vấn phiên họp thứ 9 của Quôc hộ hôm 16-3 hôm qua, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, bên cạnh đứt gãy nguồn cung ở một số nước có sản lượng dầu lớn cùng với xung đột giữa Nga - Ukraine, thị trường trong nước gặp khó khăn do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống doanh nghiệp đầu mối tăng lượng nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung cho thị thị trường nội địa.
Cụ thể, các doanh nghiệp nhập khẩu tháng 3 gấp 2 lần bình thường từ 1 triệu m3 trở lên. Nhờ vậy, nguồn cung mặt hàng thiết yếu này sẽ không bị thiếu hụt.
Về giá xăng, người đứng đầu ngành công thương cho hay, biên độ tăng giá xăng dầu của thế giới từ 40-60%, trong khi ở nước ta thấp hơn, ở mức 29-40%. Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng phi mã, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính đã tham mưu, kiến nghị Chính phủ xây dựng Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nhằm góp phần giảm hơn nữa giá xăng dầu trong nước
Quỹ bình ổn đã trích ra 500-1.500 đồng/lít và sắp tới sẽ giảm thuế bảo vệ môi trường giảm giá xăng dầu. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng nếu không sử dụng linh hoạt, hiệu quả quỹ bình ổn thì thời gian qua giá xăng dầu trong nước không thể tăng thấp hơn thế giới như vậy được.
"Việc duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, quỹ có hạn, hiện còn trên dưới 600 tỉ đồng, những doanh nghiệp lớn đang âm quỹ”, ông Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.
Trong bối cảnh giá thế giới nếu tiếp tục tăng cao, Bộ trưởng cho biết sẽ tham mưu Chính phủ nghiên cứu giảm các loại thuế phí khác. Khi công cụ thuế phí đã hết, để giảm thiểu sự tác động của giá xăng dầu đến những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần tính đến các loại quỹ như an sinh, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nhóm đối tượng này.
Hạn mức tín dụng xăng dầu không phải là vấn đề vướng mắc. Rắc rối nằm ở chỗ cơ chế điều hành nguồn cung cầu và giá cả đến tay người tiêu dùng. Cần có sự cải tổ về cơ chế điều hành sau vụ việc lùm xùm này, định hướng thị trường cạnh tranh mạnh mẽ hơn, nếu không mọi thứ sẽ lại tiếp diễn như cũ.