(KTSG) - Bất chấp những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của ngành sản xuất đồ gỗ trong nước vẫn tăng trưởng mạnh. Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này đang tăng tốc sản xuất để kịp đơn hàng đã ký kết cho những tháng cuối năm và nửa đầu năm 2022.
Xuất khẩu tăng cao
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), trong chín tháng đầu năm nay xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn đạt 10,76 tỉ đô la Mỹ, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm hơn phân nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, tăng 40,5%, đạt 6,5 tỉ đô la. Các thị trường lớn khác cũng có mức tăng trưởng cao gồm Trung Quốc đạt 1,13 tỉ đô la (tăng 23,4%), Nhật Bản hơn 1 tỉ đô la (tăng 11,7%). Các thị trường EU, Hàn Quốc, Anh, Canada… tiếp tục tăng với mức tăng hai con số so với cùng kỳ năm ngoái.
Dịch Covid-19 đã làm thay đổi cách thức làm việc và sinh sống của người dân. Theo các doanh nghiệp, người tiêu dùng đã chủ động sắm sửa vật dụng, dụng cụ làm việc để duy trì công việc, cuộc sống tại nhà. Điều đó đã kéo theo ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, đặc biệt là đồ gỗ dùng cho nội thất văn phòng, phòng khách, phòng ăn tăng cao.
Đáng chú ý, thị trường nhà ở Mỹ đang có xu hướng phát triển mạnh nhờ mặt bằng lãi suất thấp, nhiều gia đình xây mới hoặc sửa chữa nhà cũng thúc đẩy hoạt động mua sắm đồ nội thất tăng nhanh.
Nhiều quốc gia cũng từng bước gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát, phong tỏa đưa hoạt động sản xuất và tiêu dùng hồi phục trở lại. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất của các doanh nghiệp cũng tăng cao.
Về mặt sản xuất, để có thể đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp gỗ trước đó cũng đã chuẩn bị nguồn nguyên liệu, nhanh chóng thích nghi, chuyển đổi phương thức sản xuất và giao dịch phù hợp.
Ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam, cho biết từ trước khi thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp ông đã chủ động lên phương án, kịch bản đề phòng rủi ro, đảm bảo duy trì sản xuất. Chẳng hạn, bộ phận vận chuyển vận tải thuê bên ngoài để tách biệt hoàn toàn với nhà máy. Nguyên liệu, vật tư để đảm bảo sản xuất được mua sắm trước ở mức nhu cầu hoạt động 3-5 tháng…
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), hiện hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu của hội có đơn hàng làm việc kéo dài đến tháng 3, thậm chí là đến tháng 6-2022. Và trong số hơn 600 hội viên của HAWA thì khoảng 95% đã sản xuất trở lại để kịp tiến độ giao hàng cho đối tác.
Tương tự, theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), hầu hết các doanh nghiệp ngành gỗ trong tỉnh đã quay lại sản xuất. Các doanh nghiệp cho biết, họ đã có các phương án để sớm phục hồi sản xuất trong bối cảnh đơn hàng rất dồi dào.
Nhiều khó khăn phía trước
Song hành cùng những tín hiệu tích cực từ thị trường là những thách thức không nhỏ. Giá nguyên vật liệu liên quan đến đồ nội thất và phụ liệu đã tăng từ nửa cuối năm 2020. Thêm vào đó, việc tăng giá và thiếu container rỗng dẫn đến công tác hậu cần trong khâu logictics của ngành không trơn tru.
Theo các doanh nghiệp, nguồn cung gỗ đầu vào khá khan hiếm, chi phí nguyên vật liệu rất cao trong khi nhu cầu tại thị trường Mỹ, Nhật Bản đang tăng là khó khăn lớn doanh nghiệp phải đối mặt.
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định, cho rằng từ nay đến hết năm, sản xuất gỗ của các doanh nghiệp cơ bản ổn định nhưng nguyên phụ liệu tiếp tục là thách thức khi giá vẫn đang tăng. Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng giao hàng đến tháng 3, 4 năm sau, nên dù chi phí tăng doanh nghiệp cũng phải chấp nhận.
Trước tình hình chi phí nguyên, phụ liệu tăng cao, mỗi doanh nghiệp cũng có những ứng phó riêng của mình. Công ty Square Roots đẩy nhanh xây dựng chiến lược về giá để khách hàng hiểu hơn về nguyên nhân giá sản phẩm tăng. Còn Công ty Nhật Nam đã xác định không thể tăng giá ngay với khách hàng. Công ty đang cố gắng chia sẻ khó khăn để khách hàng hiểu và thanh toán nhanh.
Khủng hoảng nhân lực
Một vấn đề lớn khác mà ngành đang phải đối mặt hiện nay là nhân lực, đặc biệt là kỹ thuật viên lành nghề và nhân viên có kinh nghiệm và số lao động đang biến động lớn. Qua khảo sát, số lao động của các doanh nghiệp ngành gỗ trước và sau giãn cách xã hội đã giảm 18% và có đến 43% doanh nghiệp được hỏi gặp khó trong vấn đề nguồn lao động.
Ông Nguyễn Minh Nhật, chia sẻ hiện công ty ông có 60% lao động làm việc và đang khan hiếm nhân công. Bên cạnh tuyển dụng gấp công nhân, công ty cũng có chính sách hỗ trợ người lao động trở lại làm việc 1 triệu đồng/người. Để sớm phục hồi sản xuất công ty đã mua thêm máy móc để tăng công suất, nâng chất lượng và giảm phụ thuộc nhân công lao động do thiếu hụt. Công ty cũng phân khu vực sản xuất theo từng nhóm để nếu có nhân công bị F0 sẽ dễ dập dịch.
Còn ông Justin Wheatcroft, Giám đốc Công ty Square Roots, cho biết công ty ông có 85% lao động quay trở lại làm việc, 5% sẽ quay trở lại sau khi có đầy đủ chứng nhận, điều kiện sức khỏe để trở lại làm việc thì với 10% nghỉ việc, doanh nghiệp sẽ phải tuyển dụng thêm.
Ông Điền Quang Hiệp của BIFA chỉ ra việc xử lý dịch bệnh ở các địa phương sẽ tác động tới việc người lao động quay trở lại làm việc.
Tương tự, ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai, cho rằng làn sóng người lao động hồi hương thời gian qua cho thấy có những bất cập trong chính sách an sinh cho người lao động ở những trung tâm kinh tế lớn. “Có những người làm việc 10 năm ở thành phố, các khu công nghiệp vẫn không có nhà, phải ở nhà thuê”, ông Quân nói.
Từ thực trạng đó, ông Quân cho rằng, trong quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, bên cạnh diện tích của các nhà máy, các địa phương, doanh nghiệp cần chú ý đến việc xây nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp để người lao động có thể an cư.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị ngành y tế từ trung ương tới địa phương cần thực hiện nhất quán quy trình hướng dẫn phù hợp, bao gồm cả việc xử lý nếu có F0. Chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn lao động như sàn giao dịch lao động; cùng doanh nghiệp hỗ trợ người lao động an sinh.