(KTSG Online) - Nhiều doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn về nguồn vốn cho việc phục hồi và phát triển sau đại dịch. Tuy nhiên, việc tiếp cận gói vay được hỗ trợ lãi suất 2% đang là vấn đề nan giải đối với họ.
- Chỉ mới có 550 khách hàng được vay từ gói hỗ trợ lãi suất 2%
- Thúc đẩy phát triển du lịch hai chiều Việt Nam và Ấn Độ
Các hoạt động du lịch trong nước và ngoài nước đang dần trở nên nhộn nhịp, theo thống kê từ đầu năm 2022 đến nay ngành du lịch đã phục vụ gần 72 triệu lượt du khách trong nước, 733.000 lượt du khách quốc tế với tổng doanh thu đạt 316.000 tỉ đồng.
Tại hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, do Sở Du lịch TPHCM và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM tổ chức ngày 18-8, các doanh nghiệp đã nêu ra những khó khăn, trong đó phổ biến nhất là tiếp cận nguồn vốn.
Ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt chia sẻ, doanh nghiệp này liên hệ ngân hàng để vay vốn mua xe mới nhưng nhiều ngân hàng cho biết họ đã hết room tín dụng hoặc đưa ra mức lãi suất cao. Việc áp dụng Nghị định 31, doanh nghiệp để được hưởng ưu đãi 2% lãi suất cũng phải chịu rất nhiều ràng buộc mà họ khó đáp ứng được.
Theo bà Phạm Phương Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Du Lịch Việt, vay thế chấp khó, vay tín chấp cũng gần như bất khả thi bởi ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh năng lực tài chính thông qua kết quả hoạt động 3 năm gần nhất. Các doanh nghiệp du lịch gần như đóng băng hoạt động vì dịch Covid-19 trong hai năm 2020 và 2021 nên đa phần đều không thể đáp ứng được yêu cầu này.
Trong khi đó, đại diện công ty TNHH Du lịch Lửa Việt cho biết, dù doanh nghiệp này đã đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng, nhưng lại gặp phải vấn đề giải ngân chậm. Điều này, khiến doanh nghiệp phải tìm cách thích ứng mới như tăng dự trữ tiền mặt khiến chi phí vốn tăng lên.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM cho biết, với gói hỗ trợ lãi suất 2%, yếu tố tiên quyết là doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn, được ngân hàng thương mại phê duyệt cho vay. Nếu thuộc nhóm đối tượng cho vay, nhưng không đủ điều kiện tín dụng, không được phê duyệt cho vay thì sẽ không được nhận gói hỗ trợ.
Ông Lệnh cũng đề nghị các doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn vướng mắc liên quan lĩnh vực ngân hàng phản ánh về Sở Du lịch TPHCM để Ngân hàng Nhà nước cùng phối hợp tháo gỡ.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM cũng đề nghị các ngân hàng thương mại tham dự hội nghị cùng xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng với từng doanh nghiệp du lịch, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả của các doanh nghiệp du lịch.