Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chỉ mới có 550 khách hàng được vay từ gói hỗ trợ lãi suất 2%

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Doanh số cho vay của gói hỗ trợ với lãi suất 2% mới đạt gần 4.100 tỉ đồng, với gần 550 khách hàng được vay sau gần 3 tháng triển khai, theo báo cáo từ các ngân hàng thương mại.

Thông tin này được nêu tại cuộc họp về triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022 chiều 17-8.

Các ngân hàng quốc doanh đi đầu triển khai Nghị định 31 và đăng ký quy mô hỗ trợ lãi suất lớn nhất.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), cho biết các ngân hàng thương mại đã đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước cho cả chương trình và chi tiết từng năm 2022, 2023.

Ngân hàng Nhà nước đã tổng hợp và có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền cho phép bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ lãi suất trong năm 2022 (khoảng 16.035 tỉ đồng) và năm 2023 (khoảng 23.965 tỉ đồng). Đồng thời, thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 cho từng ngân hàng thương mại để nhanh chóng triển khai chương trình.

Về kết quả triển khai, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.100 tỉ đồng với gần 550 khách hàng sau gần 3 tháng triển khai, theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại. Số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỉ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỉ đồng. Kết quả này, theo NHNN, vẫn còn hạn chế.

Về nguyên nhân, NHNN cho biết một số khó khăn dẫn tới chính sách chậm triển khai, gồm: khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất; khó khăn xuất phát từ phía khách hàng vay do nhiều hộ sản xuất – kinh doanh không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc diện được hỗ trợ; nguyên nhân từ phía các ngân hàng thương mại.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng với tiến độ hiện tại thì việc giải ngân gói hỗ trợ là rất khó khăn.

Ông đề nghị các bộ ngành tiến hành rà soát lại các quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, các điều kiện vay vốn để “xem có vênh gì không?” và “có khắt khe hơn các quy định chung không?” để kịp thời điều chỉnh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Nhấn mạnh tinh thần là phải nhìn thẳng vào thực tiễn để linh hoạt giải quyết bài toán đặt ra từ thực tiễn, triển khai giải ngân càng sớm càng tốt để hỗ trợ doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, Phó thủ tướng đề nghị NHNN chủ động nắm bắt tình hình từ cơ sở, nếu phát hiện các khó khăn, vướng mắc thì kịp thời có các giải pháp khắc phục theo thẩm quyền, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ông giao NHNN ngay tuần sau phải tổ chức Hội nghị để tiếp thu ý kiến phản ánh của các ngân hàng thương mại, các bộ ngành liên quan (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp) phối hợp cử cán bộ tham dự để hướng dẫn, giải thích cho các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, sớm thành lập một số Đoàn công tác (có sự tham gia của các bộ ngành liên quan) để tiến hành khảo sát tình hình triển khai thực hiện của các ngân hàng thương mại, nắm bắt các vấn đề đặt ra trong thực tiễn để kịp thời có các biện pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc của cơ sở.

1 BÌNH LUẬN

  1. Theo quy định hiện tại, khi có phát sinh doanh số cho vay mới, thì mới có được cơ hội hưởng gói hỗ trợ lãi suất. Mấy tháng nay các ngân hàng hầu như không còn room. Chỉ loay hoay tự cân đối tại chỗ. Một khi giải ngân bị phong tỏa, dòng tiền xã hội ngay lập tức phản ứng bằng cách trốn chạy, né tránh quay về trở lại hệ thống ngân hàng. Như vậy thiếu vốn lại càng thêm vốn thiếu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới