Chủ Nhật, 4/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp FDI đối phó với rủi ro tại Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp FDI đối phó với rủi ro tại Việt Nam

Khánh Thư

(TBKTSG) - Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm nay lần đầu tiên đã dành một chương riêng phân tích về cảm nhận và giải pháp của các nhà đầu tư khi đối phó về rủi ro tại Việt Nam.

Những nghiên cứu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ lâu đã nhìn nhận rằng quản lý rủi ro đóng vai trò thiết yếu khi hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Đã có rất nhiều nghiên cứu tìm hiểu về những loại rủi ro thường gặp ở nước sở tại đối với doanh nghiệp FDI và chiến lược giảm thiểu rủi ro cụ thể mà các doanh nghiệp này thường áp dụng. Chỉ khi hiểu được độ nhạy cảm của nhà đầu tư đối với rủi ro thì chính phủ sở tại mới có thể nâng cao sức cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư FDI.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp FDI và chính phủ nước sở tại là sự chuyển dịch ưu thế trong thương lượng. Trước khi thực hiện một dự án, nhà đầu tư chiếm ưu thế lớn khi đàm phán với chính phủ nước sở tại nhờ công nghệ và lượng vốn mà họ hứa hẹn sẽ mang đến. Tuy nhiên, sau khi vốn đã được đổ vào dự án thì lợi thế này cũng nhanh chóng mất đi, nhà đầu tư phải đối mặt với những rủi ro như sự thay đổi chính sách, tăng thuế, bị thu hồi đất, và nạn quan liêu của thủ tục hành chính, tình trạng tham nhũng. Để giải quyết những vấn đề này, doanh nghiệp FDI đã phải sử dụng nhiều chiến lược khác nhau như liên doanh với đối tác trong nước, sử dụng công nghệ không thể sao chép hoặc đa dạng hóa mạng lưới sản xuất của mình trên nhiều quốc gia khác nhau, theo đó, một sản phẩm hoàn chỉnh không thể sản xuất tại một nhà máy duy nhất. Cả hai chiến lược này đều giúp cho cơ sở sản xuất trở nên ít có giá trị hơn khi bị thu hồi.

Nhóm nghiên cứu PCI đã liệt kê ra bảy nhóm rủi ro chính mà nhà đầu tư có thể gặp phải tại Việt Nam và đề nghị các nhà đầu tư đánh giá.

48% nhà đầu tư nước ngoài coi yếu tố bất ổn kinh tế vĩ mô là một trong ba rủi ro chính mà họ gặp phải tại Việt Nam. 36% nhà đầu tư nước ngoài coi đây là rủi ro số một. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp coi rủi ro hợp đồng, rủi ro chính sách và rủi ro lao động là những rủi ro chính lần lượt là 27%, 26%, và 22%.

Không có gì ngạc nhiên, các câu trả lời của các doanh nghiệp FDI tại các địa phương khá đồng nhất đối với hai nhân tố rủi ro: rủi ro kinh tế vĩ mô và bất ổn chính trị. Tại tất cả các tỉnh, đa số các doanh nghiệp FDI đều cho rằng rủi ro kinh tế vĩ mô là một trong ba rủi ro lớn và hầu như rất ít doanh nghiệp lựa chọn rủi ro lớn nhất là bất ổn chính trị. Tuy nhiên, đối với các rủi ro chính sách và rủi ro lao động, thì đánh giá giữa các tỉnh bắt đầu có sự khác biệt. 78% doanh nghiệp tham gia điều tra tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng rủi ro chính sách là một trong ba rủi ro chính. Tuy nhiên, ở Long An, chỉ 11% doanh nghiệp quan ngại về loại rủi ro này. Ngược lại, 89% doanh nghiệp tại Long An lại cho rằng rủi ro lao động là một trong ba loại rủi ro hàng đầu mà họ gặp phải trong khi chỉ 29% doanh nghiệp ở Hà Nội có cùng cảm nhận.

Sau khi đã xác định được những rủi ro hàng đầu, doanh nghiệp FDI sẽ làm gì để bảo vệ doanh nghiệp của họ? Như đã lưu ý ở trên, nhà đầu tư có thể sử dụng một số chiến lược khác nhau. Vậy thì tại Việt Nam các nhà đầu tư hiện ưa thích áp dụng chiến lược nào hơn cả?

Kết quả điều tra cho thấy gần 50% số nhà đầu tư cho rằng liên doanh với doanh nghiệp địa phương được coi là một trong những chiến lược giảm thiểu rủi ro phổ biến nhất. Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể sử dụng các chiến lược khác như chỉ giải ngân một phần vốn đầu tư cho đến khi cảm thấy thật sự tin tưởng vào quy định, chính sách trong nước và của địa phương đầu tư (hơn 25% doanh nghiệp chọn phương án này). Doanh nghiệp nào vận hành chuỗi cung ứng quốc tế đều có thể tự bảo vệ mình bằng việc sản xuất những bộ phận chính của sản phẩm ở nước ngoài và vận chuyển tới Việt Nam khi cần (25%). Áp dụng cách tiếp cận này sẽ giảm thiểu rủi ro trực tiếp, bởi vì hoạt động của nhà máy hoặc doanh nghiệp tại nước sở tại sẽ trở thành vô giá trị nếu như thiếu những cấu phần chính này.

Như vậy, chiến lược đa dạng hóa rủi ro trong một chuỗi cung ứng này cũng là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng không đầu tư sản xuất công nghệ cao tại Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu cũng cố gắng đi sâu phân tích vì sao các doanh nghiệp FDI có những chiến lược giảm thiểu rủi ro khác nhau. Một kết quả thú vị là các doanh nghiệp FDI do người Việt quản lý (có giám đốc điều hành là người Việt) có chiến lược ứng phó rủi ro rất khác so với các doanh nghiệp nước ngoài thuần túy. Họ thường có xu hướng xây dựng quan hệ và vận động quan chức, chính quyền hơn là cố gắng đơn phương bảo vệ mình. Họ coi những mối quan hệ này có ý nghĩa quan trọng đối với mô hình kinh doanh của mình. Và đặc biệt trong việc sử dụng chi phí không chính thức, những doanh nghiệp này tỏ ra thành công hơn những doanh nghiệp nước ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới