(KTSG Online) – Thay vì gia tăng ký hợp đồng để tận dụng cơ hội khi nhu cầu thị trường tăng cao vì Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, thì doanh nghiệp Việt Nam lại khá thận trọng trong việc ký kết các hợp đồng mới. Bên cạnh đó, thị trường trong nước đón nhận thông tin lạc quan khi khu vực ĐBSCL đang thu hoạch lúa hè thu với giá tăng cao, giúp đem lại lợi nhuận 40-50 triệu đồng/héc ta cho người nông dân.
Ngày 20-7, Tổng cục ngoại thương Ấn Độ đã ra thông báo số 20/2023 về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường và quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ra thông báo.
Theo đó, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới hiện nay chỉ cho phép một số trường hợp được tiếp tục xuất khẩu, bao gồm các lô hàng đã được đưa lên tàu trước ngày có thông báo, tức trước ngày 20-7; các lô hàng đã có hoá đơn vận tải; các tàu đã cập cảng và được cấp số thứ tự “ăn hàng”; lô hàng xuất khẩu theo giấy phép của Chính phủ Ấn Độ…
Tạm ngưng chào giá vì "cạn" hàng tồn kho
Không phải đến khi Ấn Độ có thông báo chính thức về việc cấm xuất khẩu gạo, mà ngay khi có thông tin quốc gia này rà soát và xem xét, thì đã có không ít doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này của Việt Nam đã quyết định tạm ngưng chào giá ký hợp đồng mới nhằm tập trung lo cho các hợp đồng đã ký trước đó.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV xác nhận, thông tin nêu trên là hoàn toàn chính xác. “Gần đây, nguồn cung gạo khan hiếm cộng với thông tin gạo Ấn Độ dừng xuất khẩu, cho nên, nhiều khách hàng đặt vấn đề đàm phán mua gạo nhiều hơn từ Việt Nam”, ông cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Thành, lượng đơn hàng doanh nghiệp ngành gạo đã ký trước đó còn nhiều, trong khi giá thị trường nội địa tăng cao (có ngày tăng 100-200 đồng/kg) và doanh nghiệp chưa sẵn sàng lượng hàng tồn kho nên ngại đàm phán ký mới trong thời điểm này. “Bây giờ chào giá cũng không ai dám vì không có hàng tồn kho để bán, mà đa phần chỉ trả các đơn hàng cũ thôi”, ông nói.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng thừa nhận, đơn vị này gần như phải “vét kho” để trả đơn hàng đã ký trước đó. “Bây giờ nếu mình ký tiếp, trong khi tồn kho không có, còn giá thị trường nội địa biến động như hiện nay, thì rủi ro rất lớn”, vị này giải thích và thừa nhận, đã tạm ngưng chào giá ký hợp đồng mới.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, việc khách hàng nhập khẩu tập trung sang nguồn cung từ Việt Nam cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, Ấn Độ dừng bán, trong khi diện tích trồng cây lương thực sụt giảm rất nhiều nên các nước muốn “thủ sẵn”, tức tăng mua để đề phòng rủi ro.
Theo ông Bình, chính lý do nêu trên đã khiến giá lúa gạo của Việt Nam tăng rất cao. “Hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang đau đầu vì giá xuất khẩu không theo kịp giá lúa của nông dân. Do đó, doanh nghiệp hiện nay hạn chế, thậm chí dừng (ký mới) lại để lo hợp đồng cũ”, ông cho biết.
Đứng trước bối cảnh nêu trên, Cục xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương hôm 21-7 cũng đã có văn bản hoả tốc gửi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và yêu cầu phải duy trì lượng dự trữ lưu thông theo đúng quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo (duy trì lượng gạo lưu thông tối thiếu 5% số lượng gạo thương nhân đã xuất trong 6 tháng trước đó - PV). Đồng thời, yêu cầu nghiêm túc thực hiện báo cáo định kỳ về lượng lúa gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo.
Nông dân trồng lúa đạt lợi nhuận… “lịch sử”!
Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo được xem là tín hiệu tích cực cho các quốc gia xuất khẩu khác, bao gồm cả Việt Nam. Điều này, cũng giúp kéo giá lúa gạo ở ĐBSCL tiếp tục tăng 300-400 đồng/kg so với mức giá hồi đầu tháng 7-2023.
Cụ thể, lúa OM 380 hiện được thương lái mua tại ruộng (lúa tươi) có giá dao động từ 6.400-6.700 đồng/kg; IR 50404 từ 6.500-6.850 đồng/kg; Đài Thơm 8 có giá 7.000-7.100 đồng/kg; OM 5451 từ 6.600-6.800 đồng/kg; lúa DS1 có giá 8.400-8.800 đồng/kg; lúa ST24 và 25 có giá dao động từ 7.300-7.400 đồng/kg.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu cũng tăng mạnh thời gian qua, từ 508 đô la Mỹ/tấn hồi đầu tháng 7-2023, thì hiện đã vọt lên mức 533 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 5% tấm; gạo 25% tấm từ mức giá 488 đô la Mỹ/tấn cũng tăng lên mức 513 đô la Mỹ/tấn.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, điểm đáng mừng hiện nay là khu vực ĐBSCL đang thu hoạch lúa hè thu với giá tăng cao, đã giúp đem lại lợi nhuận 40-50 triệu đồng/héc ta cho bà con nông dân ở ĐBSCL. “Đây là niềm phấn khởi của rất nhiều người nông dân”, ông nhấn mạnh và giải thích, đối với ĐBSCL, thường vụ đông xuân lúa mới có giá, nhưng năm nay vụ hè thu nông dân vẫn đạt mức lợi nhuận “lịch sử” là điều đáng mừng, đem lại giá trị cao cho bà con nông dân.
Tuy nhiên, trao đổi với KTSG Online, ông Lê Văn Cần, ngụ ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang, người có khoảng 10 héc ta diện tích canh tác lúa, cho biết lợi nhuận vụ hè thu này chỉ đạt khoảng 25 triệu đồng/héc ta. “Nhưng đây cũng là mức lợi nhuận khá cao mà nông dân trồng lúa có được trong nhiều năm qua”, ông Cần nói
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 4,27 triệu tấn với trị giá đạt 2,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 22,2% về lượng và 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, ông Thành của Phước Thành IV dự báo, xuất khẩu gạo 2023 của Việt Nam có khả năng đạt 6,3-6,5 triệu tấn, thậm chí nhiều hơn nếu lượng lúa từ Campuchia về thuận lợi hơn.