(KTSG Online) - Còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2023, theo dự báo của Sở Công Thương, nhu cầu tiêu thụ nông sản dịp này sẽ tăng 20-30%. Thời điểm hiện tại, các nhà bán lẻ, doanh nghiệp đang cần giải pháp trợ giá và phải tính toán kỹ lưỡng khi áp dụng chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng cuối năm.
- Những tháng cuối năm, nhập khẩu thịt sẽ không tăng đột biến
- Trao thêm cơ hội cho doanh nghiệp là góp phần để đất nước tự cường
Cụ thể, về các phương pháp trợ giá kích cầu tiêu dùng cuối năm, TPHCM đã có chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm thành phố giai đoạn 2020-2030. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang giữ nguyên giá đầu ra của sản phẩm. Đồng thời, TPHCM cũng tổ chức nhiều hội chợ triển lãm quốc tế về lương thực thực phẩm với mong muốn tăng sức mua cho ngành này.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đang tiếp tục vận động các đơn vị bán lẻ tăng chiết khấu ưu đãi. Đồng thời chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán và hỗ trợ người tiêu dùng trong giai đoạn khó khăn.
Ngoài ra, cơ quan này cũng phối hợp với quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp bán lẻ, chợ truyền thống... không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá làm ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng dịp cao điểm mua sắm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2023.
Các hoạt động nêu trên giúp ngành chế biến lương thực, thực phẩm tiếp tục phát triển và giữ vững vai trò là một ngành sản xuất chủ lực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp giữ giá bán các mặt hàng cũng cần tính toán kỹ lưỡng khi áp dụng chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng cuối năm. Bởi hiện nay, hầu hết nhà cung cấp đều cho rằng, việc tăng giá là cần thiết và bất khả kháng.
Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp đã chịu hàng loạt khó khăn như biến động nguyên liệu tăng 15-30%, đứt gãy nguồn cung do dịch bệnh Covid-19. Thêm vào đó là lãi suất ngân hàng tăng, tỷ giá đồng đô la Mỹ/đồng Việt Nam cũng đang tăng mạnh...
Theo TTXVN