Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp gặp khó trong thực thi quy định mới về thủy sản xuất khẩu

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tại hội nghị phổ biến các quy định về kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu diễn ra hôm 23-4 vừa qua, nhiều doanh nghiệp có ý kiến, những quy định liên quan đến quản lý hải sản khai thác xuất khẩu được ban hành gần đây đã bộc lộ các bất cập, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực thi.

Nhân công chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Theo TTXVN, đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) thông tin, nghị định số 37 của Chính phủ vừa ban hành hồi đầu tháng 4-2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 26 về hướng dẫn Luật Thủy sản 2017 và nghị định 38 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đang có một số nội dung chưa thống nhất, rõ ràng. Điều này gây khó cho các doanh nghiệp trong việc thực thi.

Cụ thể, nghị định 37 yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu. Trong khi đó, nghị định 38 chỉ đề cập đến việc xử phạt hành vi trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước, không đề cập đến cụm từ “cùng một lô hàng xuất khẩu”.

Điểm đáng lưu ý nữa là ở cả 2 văn bản trên và trong Luật Thủy sản hiện hành đều chưa có định nghĩa cụ thể về “trộn lẫn nguyên liệu”. Việc này có thể dẫn đến mỗi đơn vị, doanh nghiệp có thể có cách hiểu khác nhau.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đề nghị cơ quan ban hành làm rõ những vướng mắc trên. Các doanh nghiệp cho biết thêm, trên thực tế của ngành hàng, nhiều lô hàng xuất khẩu sẽ được ghép bởi nhiều sản phẩm khác nhau hoặc cùng một sản phẩm nhưng được chế biến từ các nguyên liệu có nguồn gốc khác nhau do nguyên liệu khai thác trong nước không đủ. Tuy nhiên, doanh nghiệp có phân chia và chứng minh được sản phẩm nào có nguyên liệu là hải sản khai thác trong nước, sản phẩm nào có nguyên liệu nhập khẩu và tất cả nguyên liệu đều được đánh bắt hợp pháp. Đây cũng là mấu chốt của vấn đề sản phẩm có vi phạm hay không.

Cũng trong nghị định 37, “điều 70 kiểm soát tàu khai thác, vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam” yêu cầu tổ chức, cá nhân có tàu nước ngoài phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi tàu cập cảng 72 giờ. Còn điều 70a kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác được vận chuyển bằng tàu container nhập khẩu vào Việt Nam yêu cầu tổ chức, cá nhân nhập khẩu thủy sản phải thực hiện khai báo và gửi hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để thẩm định, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản nhập khẩu trước 48 giờ khi tàu cập cảng.

Tuy nhiên, thực tế có nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản đang nhập khẩu nguyên liệu từ các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia… Thời gian tàu vận chuyển hàng đến cảng Việt Nam chỉ chưa đầy 2 ngày, tức chưa đầy 48 giờ. Hơn nữa, với hàng hóa nhập khẩu bằng container, khi hàng lên tàu ở cảng xuất thì doanh nghiệp mới có thông tin để làm hồ sơ. Do đó, doanh nghiệp nhập khẩu không thể khai báo trước 48 giờ hay 72 giờ như quy định.

Theo TTXVN, tính đến hết quí 1-2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt gần 2 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 3, xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 770 triệu đô la, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo đó, luỹ kế xuất khẩu tôm quí 1-2024 đạt hơn 690 triệu đô la, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu cá tra đạt gần 424 triệu đô la, tăng 0,4% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ quí 1 đạt hơn 220 triệu đô la, tăng 22,2% so với cùng kỳ 2023. Xuất khẩu cua, ghẹ và giáp xác khác đạt tăng trưởng cao gần 60% trong quí 1.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới