(KTSG Online) - Doanh nghiệp ngành chế biến gỗ đang tìm các giải pháp để phát triển thương hiệu đối với thị trường nước ngoài như hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực quản lý hệ thống bán hàng nước ngoài…
- Đề nghị gỡ khó về hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp ngành gỗ
- Doanh nghiệp gỗ gặp khó khi đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu sụt giảm
TTXVN dẫn số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, cả nước có khoảng 300 làng nghề, 5.580 doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ. Trong đó, doanh nghiệp quy mô lớn (trên 100 tỉ đồng) chỉ khoảng 2,2%.
Gỗ và sản phẩm chế biến gỗ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nội địa, tuy nhiên với thị trường xuất khẩu, sản phẩm gỗ Việt Nam chưa đạt tỷ lệ hài lòng cao với khách hàng.
Các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đều xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thông qua thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp còn hạn chế nguồn lực về vốn, con người, trình độ quản lý trong việc phát triển thương hiệu, hệ thống bán hàng ở nước ngoài.
Hội thảo thúc đẩy thương hiệu gỗ Việt do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức vừa qua đã bàn một số giải pháp để phát triển thương hiệu gỗ Việt Nam đối với nước ngoài. Trong đó, chuyên gia đề cập đến việc hợp tác giữa các doanh nghiệp gỗ; tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi; nâng cao trình độ quản lý hệ thống bán hàng nước ngoài.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đang lên phương án về xây dựng thương hiệu các mặt hàng chủ đạo của nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ngành gỗ. Mục tiêu các giải pháp này là để tăng khả năng cạnh tranh, tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ Việt Nam.
Theo đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ giai đoạn 2021-2030, mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; phát triển thương hiệu gỗ Việt Nam ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng thời, trên 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp.