Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Hàn Quốc ở Việt Nam dè chừng sự cạnh tranh của Trung Quốc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhiều công ty Hàn Quốc đứng đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang đối mặt sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đối thủ Trung Quốc, theo ông Kim Hyong-mo, Trưởng Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) tại Việt Nam.

Ông Kim Hyong-mo, Trưởng Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) tại Việt Nam. Ảnh: Nikkei Asia

“Xét về lượng đầu tư tích lũy vào Việt Nam từ năm 1988, Hàn Quốc đứng đầu với 85,8 tỉ đô la Mỹ, vượt lên trên Singapore và Nhật Bản. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Hàn Quốc đang cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc về vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ông Kim Hyong-mo nói nói Nikkei Asia trong một cuộc phỏng vấn hôm 4-4.

Năm 2023, Hàn Quốc đứng thứ 5 về FDI vào Việt Nam, xếp sau Singapore, Nhật Bản, đặc khu hành chính Hồng Kông của Trung Quốc và Trung Quốc. Nằm trong số các khoản đầu tư của Hàn Quốc được công bố năm ngoái là khoản đầu tư 1 tỉ đô la của LG Innotek, công ty liên kết của LG Group, vào Hải Phòng để mở rộng sản xuất mô-đun camera của điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, theo ông Kim Hyong-mo, các công ty Hàn Quốc vẫn đang thận trọng đầu tư thêm do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. “Nhiều công ty Hàn Quốc gặp khó khăn khi mở rộng đầu tư vào Việt Nam do chi phí lao động tăng cao đặc biệt là khi các công ty Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện tại Việt Nam”, ông nói.

Theo ông, môi trường đầu tư và thương mại cởi mở của Việt Nam, cùng với các lợi thế địa chính trị và sự ổn định chính trị trong nước, sẽ tiếp tục củng cố vị thế Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Tuy nhiên, có một số thách thức ảnh hưởng đến động lực đầu tư của các công ty Hàn Quốc. Trong đó, có mức lương tối thiểu vùng trong doanh nghiệp 6% kể từ tháng 7 và tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao ở Việt Nam. Thêm vào đó, Việt Nam vẫn còn thiếu đáng kể cơ sở hạ tầng, bao gồm cả điện.

Ông cho rằng, các quy định chặt chẽ hơn về vấn đề lao động, đánh giá môi trường và phòng cháy chữa cháy của Việt Nam cũng khiến các nước ngoài khó đưa ra quyết định đầu tư. Việc Việt Nam thực hiện mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ở mức 15% gần đây đối với các công ty đa quốc gia cũng có thể làm giảm sức hấp dẫn của nước này như một điểm đến đầu tư.

“Quyết định áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu của Việt Nam là điều có thể hiểu vì nước này đang tìm cách đảm bảo nguồn thu từ thuế từ các công ty đa quốc gia”, ông Kim Hyong-mo nói.

Tuy nhiên, động thái này có thể tước đi lợi thế của Việt Nam liên quan đến các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, có khả năng ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư của các công ty đa quốc gia trong tương lai.

Một số công ty có thể ngần ngại đầu tư trừ khi Việt Nam đưa ra các biện pháp giảm bớt gánh nặng thuế, thay thế cho các ưu đãi thuế doanh nghiệp bấy lâu nay. Theo ước tính của ông, trong số 14,6 nghìn tỉ đồng VN doanh thu thuế tăng thêm theo dự kiến trong năm 2024 nhờ áp thuế tối thiểu toàn cầu, các công ty Hàn Quốc “gánh” đến 10.000 tỉ đồng.

"Các công ty Hàn Quốc có thuế suất hiệu dụng dưới 15% tại Việt Nam sẽ không thể tránh khỏi những tác động nhất định. Tuy nhiên, mục tiêu áp dụng thuế tối thiểu không chỉ giới hạn ở các công ty Hàn Quốc như Samsung Electronics và LG”, ông nói và lưu ý, trong số 122 công ty toàn cầu đối mặt với mức thuế cao hơn ở Việt Nam có Intel, Panasonic, Foxconn, Pegatron và Bosch.

Khi được hỏi liệu các công ty Hàn Quốc có chuyển sản xuất từ Việt Nam sang các nước khác như Ấn Độ hay không, ông Kim Hyong-mo thừa nhận, việc tìm kiếm các địa điểm đầu tư thay thế cho Việt Nam là điều không dễ dàng. Các công ty thành viên của KCCI Việt Nam mà trong ông trao đổi trong thời gian gần đây không cân nhắc rút khỏi Việt Nam hoặc rút lui các khoản đầu tư bất chấp những thách thức hiện tại.

“Các công ty Hàn Quốc đã khẳng định vững chắc vị thế thông qua thương mại, đầu tư và tiếp tục hoạt động sản xuất tại Việt Nam”, ông nói.

Đối với tình hình chung của nền kinh tế Việt Nam, ông đánh giá đã có dấu hiệu cải thiện sau khi tăng trưởng GDP giảm xuống 5,05% vào năm 2023 từ mức 8,02% vào năm 2022. “Quan hệ ngoại giao được tăng cường giữa Hà Nội và Washington dự kiến mang lại những tác động tích cực. Hơn nữa, đầu tư trực tiếp vào Việt Nam từ các công ty đa quốc gia rút khỏi Trung Quốc dự kiến tăng lên”, ông nói.

Theo Nikkei Asia

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới