(KTSG Online) - Các công ty hóa dầu ở Đông Nam Á (ASEAN) đang chuẩn bị ứng phó cạnh tranh khốc liệt hơn khi thuế quan của Mỹ và Trung Quốc làm tràn ngập sản phẩm hóa dầu trong khu vực.
- Đông Nam Á ngày càng “khát” dầu nhập khẩu
- Lợi nhuận ngành lọc dầu châu Á giảm nhanh khi nhu cầu nhiên liệu hạ nhiệt

Theo nhiều nhà phân tích, việc hạn chế dòng chảy hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc do thuế quan sẽ dẫn đến sự thay đổi trong luồng thương mại khiến lượng nguyên liệu và hóa chất dư thừa được chuyển hướng sang các thị trường Đông Nam Á.
Hiện tại, các cuộc đàm phán Mỹ - Trung, vốn dao động thất thường đang gây ra sự bất ổn và biến động cho chuỗi cung ứng hóa dầu, cũng như giá cả trên thị trường.
“Ngành công nghiệp hóa dầu ở Đông Nam Á sẽ gặp một số thách thức khi cả Mỹ lẫn Trung Quốc tìm cách xuất khẩu các sản phẩm mà hai nước thường giao dịch với nhau sang khu vực này”, Brian Leonal, người đứng đầu bộ phận định giá hóa dầu châu Á của công ty dữ liệu dầu mỏ Argus nhận định.
Nhà phân tích Shawn Parks của S&P Global Ratings cảnh báo, tác động tức thì là giá các sản phẩm dầu mỏ trong khu vực có thể lao dốc. Điều này dự kiến sẽ gây căng thẳng cho các nhà sản xuất và nhà máy lọc dầu Đông Nam Á.
Ông lưu ý, ngay cả với mức thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đã được giảm xuống, nhiều lĩnh vực khác nhau vẫn sẽ bị ảnh hưởng khiến mức tiêu thụ hàng hóa toàn cầu và nhu cầu hóa dầu toàn cầu chậm lại.
Điều đó sẽ dẫn đến đến tình trạng cung vượt cầu đối với các sản phẩm hóa dầu quan trọng, chẳng hạn như polypropylen (PP), được sử dụng trong nhiều ứng dụng công nghiệp và thương mại gồm bao bì thực phẩm, dệt may, phụ tùng ô tô, thiết bị y tế và vật liệu xây dựng.
Hầu hết các nước ASEAN như Indonesia, Malaysia và Việt Nam đều là những nước nhập khẩu ròng các sản phẩm hóa dầu. Các chuyên gia thị trường cho biết, biên lợi nhuận của các nhà sản xuất hóa dầu trong khu vực có thể bị ảnh hưởng bởi giá nhập khẩu thấp hơn.
Do nhu cầu không chắc chắn, các nhà phân tích đang cắt giảm khuyến nghị và mục tiêu giá đối với cổ phiếu của các công ty hóa dầu trong khu vực.
Ví dụ, công ty nghiên cứu CGS International (CGSI) khuyến nghị giảm nắm giữ cổ phiếu của công ty hóa dầu Lotte Chemical Titan (LCT) ở Malaysia xuống.
Các nhà sản xuất Thái Lan cũng nằm trong số những bên có thể bị ảnh hưởng. Nhà phân tích Duladech Bik của ngân hàng DBS nhận thấy, triển vọng tiêu cực đối với công ty hóa dầu PTT Global Chemical (PTTGC) của Thái Lan do nhu cầu giảm và nguồn cung tăng cao.
Dù biên lợi nhuận mảng lọc dầu của PTTGC bắt đầu phục hồi vào tháng Năm nhưng DBS cho rằng, những tác động kéo dài từ căng thẳng thương mại có thể làm giảm tiềm năng tăng trưởng.
Nhà phân tích Amornrat Cheevavihawalkul của CGSI dự báo, thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao (Ebitda) của PTTGC sẽ vẫn yếu trong hai năm tới.
Cheevavihawalkul lưu ý, nguồn cung propylene (nguyên liệu chính của nhựa PP) ở Trung Quốc ước tính đạt từ 5,5 đến 6,8 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2025-2027. Con số vượt xa mức tăng trưởng nhu cầu ở nước này, ước tính là từ 4-5 triệu tấn/năm.
Bà nhận định, căng thẳng thương mại với Mỹ có thể dẫn đến “sự phá hủy nhu cầu” đối những mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc có sử dụng propylene như tủ lạnh, máy giặt và máy điều hòa không khí. Điều này có khả năng năng khiến giá các sản phẩm hóa dầu trong khu vực giảm mạnh.
Theo Cheevavihawalkul, ngay cả khi Mỹ nới lỏng thuế quan đối ứng đối với một số quốc gia nhất định, căng thẳng thương mại hiện nay sẽ khiến nhu cầu nhựa ở châu Á tăng trưởng ở mức thấp trong vài năm tới.
Duladech Bik của DBS dự báo, nhu cầu các sản phẩm hóa dầu trong khu vực vẫn yếu trong hai năm tới do công suất mới liên tục được bổ sung. Trước khi Mỹ và Trung Quốc tạm hoãn áp thuế gần đây, nguồn cung ethane (sử dụng để sản xuất nhựa PE) từ Trung Quốc đã được chuyển hướng sang các thị trường ASEAN.
Theo Business Times