(KTSG) - Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), số lượng doanh nghiệp công nghệ số (ICT) đang tăng nhanh, tính đến quí 3 năm nay Việt Nam đã có khoảng 68.800 doanh nghiệp ICT. Tuy nhiên, những con số tăng trưởng ấn tượng này vẫn chưa đủ để lạc quan về nội lực của ngành công nghiệp ICT nước nhà(*).
- 35 doanh nghiệp nhận giải thưởng Top ICT 2019
- Đưa vào sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu công nghiệp ICT Make in Vietnam
Hai vấn đề trong cơ cấu tỷ lệ doanh thu
Trong hai năm gần đây, mỗi năm có thêm khoảng 4.000 doanh nghiệp ICT xuất hiện, theo thống kê của Bộ TTTT. Nếu tính từ năm 2017-2021 thì số lượng doanh nghiệp ICT tăng khá nhanh với tỷ lệ bình quân gần 7%/năm. Doanh thu trong giai đoạn này cũng tăng từ 2,14 triệu tỉ đồng lên 2,65 triệu tỉ đồng trong năm 2021 và trong nữa đầu năm 2022 ước đạt 2,55 triệu tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Khi nhìn vào cơ cấu doanh thu của gần 70.000 doanh nghiệp ICT hoạt động tại Việt Nam trong thời gian 5 năm gần đây thì ngoài số lượng ấn tượng, còn lại có hai vấn đề trong cơ cấu tỷ lệ khiến chúng ta chưa thể lạc quan. Đó là cơ cấu sản phẩm vẫn chủ yếu dựa vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và tỷ lệ chiếm tới 90% tổng doanh thu của ngành ICT là từ phần cứng, điện tử mang lại.
Theo số liệu từ cổng thông tin Công nghiệp ICT Make in Vietnam của Bộ TTTT, trong năm nhóm ngành sản phẩm ICT là sản xuất phần cứng/điện tử, buôn bán phân phối công nghệ thông tin (CNTT), sản xuất phần mềm, dịch vụ CNTT và nội dung số thì chỉ có nhóm doanh nghiệp sản xuất phần cứng/điện tử là có doanh thu tăng vọt. Trong khi đó doanh số của bốn nhóm ngành quan trọng còn lại chỉ tăng nhẹ, gần như “đi ngang” trong suốt giai đoạn 2017-2021 khi nhìn trên biểu đồ(**).
Tính đến hết tháng 6-2022, tỷ lệ giá trị Make in Viet Nam trong cơ cấu doanh thu của ngành công nghiệp ICT đang ở mức 26,72% với giá trị ước đạt khoảng 19,4 tỉ đô la trên tổng số hơn 72,5 tỉ đô la của toàn ngành. Con số này đang khá thấp so với hơn 53 tỉ đô la mà các giá trị từ các doanh nghiệp FDI mang lại thông qua các hoạt động gia công và lắp ráp.
Hai vấn đề trong cơ cấu doanh thu này có liên quan chặt chẽ với nhau. Trong cơ cấu doanh thu ngành ICT tính đến quí 3-2022, giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử là 2,27 triệu tỉ đồng (tương đương 97 tỉ đô la Mỹ), chiếm tới 90% tổng doanh thu của ngành này. Đi sâu vào chi tiết thì trị giá xuất khẩu máy tính và linh kiện khoảng 43,1 tỉ đô la và xuất khẩu điện thoại và linh kiện ước đạt 43,3 tỉ đô la. Trong cơ cấu doanh thu này lại xuất hiện một con số 90% khác, đó là doanh thu xuất khẩu phần cứng, điện tử đến từ khu vực FDI với khoảng 90%.
Ngành ICT Việt Nam có được doanh thu lớn chủ yếu nhờ khu vực FDI. Việt Nam trở thành nước sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) đứng thứ nhì thế giới, chiếm 13% trong tổng số điện thoại bán ra trên toàn cầu, chỉ xếp sau Trung Quốc với 50%. Việt Nam còn là quốc gia đứng số 1 khu vực Đông Nam Á về sản xuất máy tính xách tay.
Đây là kết quả từ làn sóng đầu tư và dịch chuyển cơ sở sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử vào Việt Nam từ những nhà đầu tư quen thuộc như Samsung đến các nhà cung ứng liên quan đến Apple như Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đặt chân vào Việt Nam. Trong hai thập kỷ qua, tập đoàn Samsung đã rót vào Việt Nam tới khoảng 18 tỉ đô la Mỹ. Với sáu nhà máy và một trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D), Việt Nam đang cung ứng một nửa sản lượng điện thoại của Samsung. Nhờ vậy, thị phần smartphone của Việt Nam trên toàn cầu mới có mức tăng trưởng như hiện tại.
Gia tăng ứng dụng chuyển đổi số
Nhìn thẳng vào thực tế thì rõ ràng, phần lớn giá trị mang lại của ngành ICT đều đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Với mô hình này, Việt Nam chỉ góp nguồn nhân công và đất đai xây nhà xưởng trong chuỗi giá trị mà thôi.
Vì vậy, về lâu dài, đặc biệt là nhằm đáp ứng được các mục tiêu về phát triển kinh tế số của Việt Nam đến năm 2025 là chiếm 20% GDP thì việc gia tăng mạnh hơn nữa giá trị Make in Vietnam phải được xem là mục tiêu bắt buộc. Hướng cần theo đuổi của doanh nghiệp ICT Việt Nam là xây dựng nền công nghiệp tự chủ, làm chủ các khâu sáng chế và thiết kế vì đây đều là những công đoạn mang lại giá trị cao.
Để đạt được mục tiêu này thì cần đạt được hai mục tiêu: ứng dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cho kinh tế số.
Việc cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất sẽ kéo theo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sản xuất phần mềm, dịch vụ CNTT – hai mảng doanh thu “đi ngang” trong nhiều năm qua – tăng tốc. Thị trường dịch vụ sẽ sôi động hơn khi các doanh nghiệp sản xuất đẩy mạnh chuyển đổi số, từ đó giúp tạo ra những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lớn mạnh hơn. Thị trường công nghệ số, chuyển đổi số trong nước phát triển thì mới có doanh nghiệp ICT lớn mạnh.
Vai trò cơ chế, chính sách Nhà nước
Song song đó, cần tập trung vào điểm cốt lõi của mục tiêu phát triển là nhà nước phải có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp ICT tập trung nghiên cứu phát triển công nghệ. Khi doanh nghiệp sở hữu được những công nghệ quan trọng thì việc gia tăng giá trị Việt Nam trong chuỗi xuất khẩu công nghệ mới có được bước tiến đáng kể. Với sự phát triển công nghệ thì tỷ trọng phần đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam trong ngành sản xuất phần cứng/điện tử mới tăng lên được, không ở mức 10%, quá thấp như hiện nay.
Kèm theo đó cũng cần có những chính sách ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp ICT, thông qua các lĩnh vực như chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Nhà nước cần tập trung vào vai trò “bà đỡ” cho doanh nghiệp ICT phát triển lớn mạnh thông qua các chính sách ưu đãi. Nên theo phương châm “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, dồn sức giúp cho một số doanh nghiệp có đủ khả năng để tạo cú hích giúp họ thật sự lớn mạnh, vươn lên tầm khu vực và toàn cầu. Không nên dàn trải nguồn ngân sách eo hẹp để tạo ra số lượng doanh nghiệp ICT ngày càng đông nhưng làng nhàng như nhau.
(*) https://ictnews.vietnamnet.vn/viet-nam-sap-dat-muc-tieu-70-000-doanh-nghiep-cong-nghe-so-trong-nam-2022-5003807.html
(**) http://makeinvietnam.mic.gov.vn/ThongKeBaoCao/DoanhThu
phần lớn ICT Việt Nam vẫn là gia công phần mềm cho nước ngoài, rất ít doanh nghiệp có thể phát triển Saas (software as a service) hoặc sản xuất sản phẩm phần cứng công nghệ hiện đại.