Thứ Ba, 16/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp khẩu trang: nơi ngừng sản xuất, nơi thanh lý thiết bị

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dệt may đã biến thách thức thành cơ hội để phát triển ở giai đoạn khó khăn này, trong số đó là chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang phòng dịch. Đây được xem là một giải pháp hiệu quả để các doanh nghiệp dệt may có thể duy trì sản xuất, giữ chân người lao động.

Tuy nhiên, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát và bãi bỏ các quy định phòng dịch nghiêm ngặt, nhu cầu tiêu thụ khẩu trang ngay lập tức sụt giảm, buộc nhiều nhà sản xuất phải ngừng sản xuất khẩu trang, chuyển đổi mô hình hoặc bán tháo, thanh lý máy móc để thu hồi vốn, thậm chí là đóng cửa nhà xưởng.

Ngừng sản xuất khẩu trang, quay về sản phẩm truyền thống

Trao đổi với KTSG Online, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn may mặc Dony, cho biết đơn vị này là một công ty chuyên may gia công các sản phẩm đồng phục, lượng khách hàng chủ yếu đến từ trong nước. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 ập đến, công ty này đã chớp cơ hội bằng cách sản xuất các sản phẩm khẩu trang kháng khuẩn, chinh phục thị trường nước ngoài.

Tháng 4-2020, Công ty may mặc Dony hợp tác sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn cao cấp đạt tiêu chuẩn theo Thông tư 870 của Bộ Y tế cả trong nước và quốc tế. Ông Quang Anh cho biết, sau khi sản phẩm ra đời, công ty này đã nhanh chóng bán được lô hàng đầu tiên với số lượng tới 70.000 chiếc cho hai công ty dược trong nước, sau đó là xuất khẩu cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác ở Pháp, Trung Đông, Mỹ…

Chỉ trong năm 2020, công ty này bán được gần 20 triệu chiếc khẩu trang. Nếu tạm tính giá trung bình 1 đô la Mỹ/chiếc, đơn vị sản xuất này đã mang về doanh thu gần 20 triệu đô la Mỹ từ một sản phẩm thời vụ là khẩu trang. Tuy nhiên, đến đầu năm 2021, số lượng đơn hàng giảm một cách thần tốc. “Thời điểm đó, công ty sản xuất 100% công suất nhưng sau một năm đã giảm xuống còn 10%. Hiện tại, doanh nghiệp không còn sản xuất khẩu trang và quay về sản xuất mặt hàng đồng phục truyền thống”, ông Anh cho biết.

Trong đợt dịch Covid-19, Công ty may mặc Dony đã chớp cơ hội bằng cách sản xuất các sản phẩm khẩu trang kháng khuẩn. Ảnh: DNCC

Sau khi ngưng sản xuất, đơn vị này chịu cảnh tồn kho rất nhiều. “Cho đến đầu năm 2023, sau khi có cơn sốt khẩu trang do số ca Covid-19 tăng trở lại, Công ty Dony mới bán hết số hàng tồn bằng cách giảm giá xuống còn 2/3 cho các đối tác trong nước”, đại diện công ty này cho biết.

Theo ông Quang Anh, nguyên nhân sụt giảm đơn hàng là do một phần giá sản phẩm của đơn vị này cao hơn khẩu trang khác bởi sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng giống như các đơn vị sản xuất khác, nguồn cung khẩu trang trong nước dư thừa, trong khi đó khẩu trang kém chất lượng lại được bán tràn lan cũng khiến đơn vị sản xuất gặp khó khăn để cạnh tranh.

Rơi vào tình cảnh tương tự, đại diện một công ty may mặc tại TPHCM từng tham gia sản xuất khẩu trang trong đại dịch Covid-19, cho biết từ giữa năm 2021, lượng khẩu trang tồn khoảng 1,5 triệu khẩu trang y tế. Dù có nhiều phương án đưa ra để giải quyết khẩu trang tồn như giảm giá bán xuống chỉ còn 25.000-40.000 đồng/hộp nhưng đơn vị sản xuất này vẫn liên tục chịu thua lỗ trong nhiều tháng. Vì vậy, đơn vị đã ngưng sản xuất khẩu trang y tế từ cuối năm 2022 và trở về sản xuất may mặc truyền thống như trước thời điểm dịch.

Nhà sản xuất thời vụ thanh lý thiết bị để thu hồi vốn

Thay vì dễ dàng chuyển sang sản xuất may mặc truyền thống như các doanh nghiệp lớn, nhiều hộ kinh doanh nhỏ sản xuất khẩu trang thời vụ đang phải đắp chiếu nhà xưởng do không tìm được đầu ra, thậm chí đành thanh lý cả máy móc, nguyên liệu làm khẩu trang để thu hồi vốn.

Theo chị Huyền Nga, chủ một xưởng sản xuất khẩu trang tại Bình Chánh (TPHCM), hiện nhà xưởng của chị đang rao bán hai dàn máy sản xuất khẩu trang tự động, bo viền trong với giá 650 triệu đồng/máy, công suất từ 80-90 chiếc/phút. Ít ai biết rằng vào thời điểm đầu dịch năm 2020, dòng máy này trị giá khoảng 1,5 tỉ đồng. Dàn máy cho ra năng suất cao nên đây được xem là “cổ máy đẻ trứng vàng” của nhiều nhà xưởng thời điểm đó.

Nói về nguyên nhân rao bán máy móc sản xuất, chị Nga cho biết việc đầu tư cho dây chuyền làm khẩu trang rất tốn kém. Nếu hoàn thiện đầy đủ, đơn vị sản xuất cũng phải mất 1-2 tỉ đồng. Còn những nhà xưởng có công suất cho ra 200-300 thùng khẩu trang/ngày, chi phí đầu tư phải lên đến 5-7 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện giá bán giảm sâu do nguồn cung vượt quá cầu; cùng với đó lúc đầu tư, vật giá đắt đỏ nhưng khi bán sản phẩm, giá lại rẻ như cho nên đơn vị sản xuất nhỏ như chị Nga ngừng hoạt động và đành bán tháo máy móc trong xưởng để hòa vốn.

Trong các hội nhóm trên mạng xã hội, hiện có rất nhiều xưởng liên tục rao bán các thiết bị, nguyên liệu sản xuất khẩu trang để hòa vốn, bù lỗ. Ảnh: Chụp màn hình

Bên cạnh đầu ra của sản phẩm dần bị hạn chế, chị Nga cho rằng việc buôn bán tràn lan khẩu trang kém chất lượng và khẩu trang Trung Quốc được nhập về số lượng lớn cũng khiến nhiều đơn vị không còn mặn mà với việc sản xuất khẩu trang.

Vì vậy, dù không còn tham gia vào việc sản xuất khẩu trang nhưng đại diện Công ty may mặc Dony cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng hoạt động kiểm tra đối với những doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này bởi hiện nay, có rất nhiều loại khẩu trang kém chất lượng trên thị trường. Đặc biệt, để khẩu trang sản xuất trong nước đạt chất lượng, cơ quan chức năng cần tăng thanh tra kiểm tra phần gốc – nguồn nguyên vật liệu dùng sản xuất sản phẩm.

Ngoài ra, các đơn vị cũng cần siết chặt việc kiểm định chất lượng đối với mặt hàng khẩu trang, phải xem đây là ngành sản xuất có điều kiện như sản xuất dược, không để việc sản xuất diễn ra tràn lan, không quản lý được chất lượng, vị đại diện này chia sẻ thêm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới