Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, quỹ hỗ trợ “đứng máy”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, quỹ hỗ trợ “đứng máy”

Đinh Hiệp

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, quỹ hỗ trợ “đứng máy”
DNNVV Việt Nam chiếm hơn 98% doanh nghiệp cả nước, trong đó doanh nghiệp vừa chỉ chiếm 2,2%, doanh nghiệp nhỏ chiếm 29,6%, còn lại hơn 60% là doanh nghiệp siêu nhỏ. Khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể là rất thấp. Ảnh: Chính Phong.

(TBKTSG Online) – Tiếp cận các nguồn tín dụng từ nhà nước và ngân hàng thương mại để mở rộng phát triển sản xuất luôn là việc khó khăn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) dù đối tượng này chiếm tới 98% doanh nghiệp trên cả nước, sử dụng 51% lao động xã hội, thu hút 38% vốn đầu tư xã hội, đóng góp 31% tổng kim ngạch xuất khẩu, 40% GDP và hàng năm tạo ra hơn 1 triệu việc làm mới.

Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, 55% DNNVV gặp trở ngại do thủ tục vay khi tiếp cận các chương trình hỗ trợ tín dụng; 50% gặp trở ngại do yêu cầu thế chấp, thiếu tài sản có giá trị cao để thế chấp, ngân hàng không đa dạng hóa tài sản thế chấp như các khoản thu, hàng trong kho…; 80% DNNVV cho biết tỷ lệ lãi suất chưa phù hợp. 

Giám đốc một doanh nghiệp ngành cấp nước sạch cho biết, công ty ông không làm sao tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ vì các yêu cầu thế chấp quá khắt khe. Lý do các ngân hàng đưa ra là các tài sản chính của công ty này là đường ống thì nằm trên đường, còn nhà máy thì nằm trên đất được nhà nước cấp ưu đãi sử dụng trong 50 năm.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, có nhiều nguyên nhân khiến các tổ chức tín dụng ngại cho DNNVV vay vốn.

Một là năng lực công nghệ thấp, số nhà khoa học, chuyên gia làm việc chỉ chiếm 0,025% trong tổng số lao động trong các doanh nghiệp loại này, 76% máy móc và trang thiết bị sử dụng từ thập niên 1980-1990, 75% đã hết khấu hao.

Hai là hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, hàng tồn kho lớn, nguyên liệu đầu vào của các ngành đều tăng trong khi giá bán sản phẩm không tăng. Chi phí sản xuất các ngành chế biến rau củ quả năm nay tăng 123,2% so với năm trước, ngành nhựa tăng 89,1%, ngành kim loại đúc sẵn tăng 62,8%…

Ba là trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động không cao, có 55,63% số chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống. Cụ thể, tiến sĩ chiếm 0,66%, thạc sĩ 2,33%, đại học 37,82%, cao đẳng 3,56%, trung học chuyên nghiệp 12,33% và 43,3% trình độ sơ cấp và phổ thông. Ngay cả những người có trình độ đại học trở lên cũng ít được đào tạo về kiến thức kinh tế và quản trị doanh nghiệp.

Và nguyên nhân thứ tư là năng lực tiếp cận với các văn bản và hệ thống chính sách pháp luật, thông lệ quốc tế trong kinh doanh còn hạn chế.

Ông Trần Bửu Long, Phó giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV TPHCM, thừa nhận rằng các yêu cầu về thế chấp tài sản mà các quỹ hỗ trợ cho DNNVV đưa ra khiến cho các doanh nghiệp loại này nản lòng và củng khiến cho các quỹ hỗ trợ “đứng máy”, khó hoạt động.

Ông Long cho biết, Quỹ phát triển DNNVV Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập năm 2013 với nguồn vốn 2.000 tỉ đồng, triển khai cho vay thông qua ba ngân hàng Vietcombank, BIDV, HD Bank, chỉ cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư vào các dự án, trong đó yêu cầu doanh nghiệp góp 20% vốn vào dự án, nhưng từ đó đến nay, chưa thấy quỹ giải ngân.

Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV TPHCM thành lập năm 2007 cũng như 26 quỹ tương tự ở các địa phương khác cũng đang ở trong tình trạng “đứng máy” từ năm 2014 đến nay, theo ông Long, do điều 23 trong Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa rất ngặt nghèo về điều kiện thế chấp tài sản khi vay vốn.

Ở chiều ngược lại, cũng chính các DNNVV được vay vốn chưa thực hiện tốt các nghĩa vụ sử dụng vốn, trả nợ. Ông Long cho biết, hiện số tiền các DNNVV chưa trả Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV TPHCM dù đã quá hạn lên đến 90 tỉ đồng.

Ngoài những điểm yếu kể trên, nhiều DNNVV chưa xây dựng được sự tin tưởng với các ngân hàng, chưa biết cách xây dựng các dự án kinh doanh để vay vốn.

Bà Lê Thị Kim Xuân, Trưởng văn phòng đại diện của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TPHCM cho biết, gần đây do làm ăn khó khăn nên nhiều DNNVV cũng không muốn vay vốn nữa. Khảo sát của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trên 2.600 DNNVV hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2015 cho thấy chỉ có 25,1% doanh nghiệp nộp đơn xin vay, 55% doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn do không muốn mở rộng sản xuất.

Nhưng bà Xuân cũng thừa nhận điều kiện để các DNNVV tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ quá khó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải phối hợp kiến nghị để Chính phủ sửa đổi cơ chế, điều kiện cho vay phù hợp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới