Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp làm những gì khi tham gia đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp để thực hiện đề án phát triển 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Vậy, khi cam kết tham gia vào đề án doanh nghiệp sẽ phải thực hiện những nội dung gì?

Doanh nghiệp phải làm gì khi tham gia vào đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh: Trung Chánh

Theo tìm hiểu của KTSG Online, Cục trồng trọt đã có dự thảo biên bản ghi nhớ hợp tác giữa đơn vị này với các doanh nghiệp tham gia vào đề án.

Theo đó, biên bản ghi nhớ hợp tác thể hiện sự cam kết của (các) doanh nghiệp với Cục trồng trọt nhằm thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ trong thực hiện các nội dung của đề án “phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Khi tham gia đề án đồng nghĩa doanh nghiệp cam kết thực hiện các hoạt động, bao gồm (1) tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu đầu ra sản phẩm cho các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia trong đề án; (2) hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra, doanh nghiệp tham gia đề án cũng cam kết (3) phối hợp với Cục trồng trọt xây dựng và hoàn thiện cơ chế liên quan đến hoạt động thí điểm trao đổi tín chỉ carbon đối với lúa gạo phát thải thấp trên thị trường và cuối cùng (4) tham gia hỗ trợ quảng bá về chuyển đổi bền vững ngành lúa gạo Việt Nam.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký quyết định phê duyệt đề án nêu trên.

Theo đó, mục tiêu chung của đề án là hình thành 1 triệu héc ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đề án sẽ áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu héc ta; lượng lúa giống gieo sạ giảm xuống dưới 70 kg/héc ta; giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững.

Về tổ chức sản xuất, 100% diện tích vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích; trên 1 triệu hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững.

Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Ngoài ra, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó, tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%; lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới