(KTSG Online) - Trước thông tin TPHCM sẽ vẫn thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1-4 tới, nhiều doanh nghiệp tỏ ra thất vọng vì những kiến nghị về lùi thời gian đóng loại phí này không được ghi nhận, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh đang chồng chất khó khăn.
Dù chưa nhận được phản hồi chính thức từ chính quyền TPHCM về kiến nghị xin lùi thời gian thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển đến hết năm nay, nhưng theo các doanh nghiệp thông tin trả lời với báo chí liên quan đến vấn đề này của Sở Giao thông Vận tải TPHCM mới đây cho thấy TPHCM sẽ vẫn thu loại phí này từ ngày 1-4 tới.
Cụ thể trả lời câu hỏi báo chí về đề xuất lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển của doanh nghiệp, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, với tư cách cơ quan thường trực của tổ công tác thu phí, cho rằng đến nay TPHCM vẫn chưa có chủ trương tạm hoãn. Đại diện Sở Giao thông Vận tải còn nêu quan điểm, thời gian này nếu có một nguồn thu nhất định, tập trung thì từ nay đến năm 2025, thành phố có thể sớm hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng xung quanh các cảng...
Nhận được những thông tin này, các doanh nghiệp tỏ ra lo lắng và thất vọng. Nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi vì sao TPHCM vẫn quyết thu phí hạ tầng cảng biển lúc này để họ gánh thêm chi phí phí giữa tình hình sản xuất kinh doanh rất nhiều biến động và khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký, kiêm Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tại TPHCM, thể hiện sự thất vọng nói việc TPHCM lùi 2 lần thu loại phí này là do thời gian đó hầu hết doanh nghiệp đều rơi vào tình hình khó khăn để ứng phó với dịch Covid-19 bùng phát.
"Diễn biến thực tế hiện nay doanh nghiệp vẫn chưa hồi phục hoàn toàn do tác động của Covid-19, trong khi giá nguyên vật liệu, chi phí vận tải, logistics, xăng dầu tăng rất cao,... đang đè trên vai doanh nghiệp khiến hầu hết doanh nghiệp đang rất khó khăn và phải xoay xở để tồn tại", bà Mai nói, và bà cho rằng giờ đây thành phố sắp bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển chẳng khác nào tạo thêm áp lực chi phí cho doanh nghiệp trong lúc lâm nguy.
Chi phí tăng phi mã nhưng giá bán đầu ra chưa thể tăng do hợp đồng đã ký với khách hàng, đặc biệt với những doanh nghiệp đã ký hợp đồng tới tháng 7, tháng 8 tình hình càng khó khăn hơn.
Các doanh nghiệp cho rằng trong khi họ đang trong vòng xoáy khó khăn, chính sách hỗ trợ như lãi vay chưa tiếp cận được, nếu từ ngày 1-4 tới TPHCM vẫn áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển, chi phí sẽ đội lên 10-15%, tiếp tục đẩy họ vào khó khăn.
Đại diện cho tiếng nói doanh nghiệp ngành may mặc, bà Mai cho rằng thời điểm này các doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ, trong đó cần xem xét lại mức thu phí và lùi thời hạn áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển tại TPHCM. "Không riêng doanh nghiệp ngành may mặc mà hầu hết doanh nghiệp ở các ngành nghề khác cũng có mong muốn này", bà Mai nói.
Dù số lượng container vận chuyển của Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu không lớn nhưng Giám đốc công ty, ông Nguyễn Ngọc Luận, cho rằng việc TPHCM thu phí hạ tầng cảng biển vào thời điểm này là hết sức phi lý. Bởi lẽ hầu hết doanh nghiệp đang rất khó khăn và chi phí bị đẩy lên cao. Riêng công ty ông, từ tháng 10-2021 đến nay, giá nguyên liệu đầu vào đã tăng thêm 70% nhưng rất khó tăng giá bán vì đơn vị nhập khẩu đã ký hợp đồng 6 tháng. Các ý kiến cho rằng đừng ép phí lúc doanh nghiệp đang nguy nan.
Mới đây, VITAS cùng với 6 hiệp hội khác đã gửi kiến nghị TPHCM có thể lùi thời gian triển khai thực hiện việc thu phí hạ tầng cảng biển, nhưng hiện vẫn chưa có hồi đáp chính thức về vấn đề này.
Các hiệp hội kiến nghị TPHCM lùi thời hạn thực hiện thu các loại phí nói trên đến hết 31-12-2022. Đồng thời, điều chỉnh thu chung mức phí 250.000 đồng/container 20 ft, 500.000 đồng/container 40 ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container cho tất cả lô hàng xuất nhập khẩu, lô hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu cũng như địa điểm đăng ký mở tờ khai cho lô hàng.