(KTSG Online) - Có 7 hiệp hội ngành hàng đã gửi công văn kêu cứu lên Chính phủ và các bộ ngành do nhân viên chưa được cấp giấy đi đường khiến việc xuất nhập hàng hóa không thực hiện được và doanh nghiệp đang phải chịu tổn thất lớn. Theo phản ánh, nhiều doanh nghiệp dịch vụ logistics phải đền bù hợp đồng cho khách hàng vì nhân viên không có giấy đi đường để đi làm hồ sơ, giấy tờ.
.Vì sao TPHCM phải đổi mẫu giấy đi đường mới từ ngày 25-8?
.TPHCM: người đi tiêm vaccine, nhân viên siêu thị không cần trình giấy đi đường
Bảy hiệp hội ngành hàng kêu cứu vì không có giấy đi đường
Ngày 25-8, 7 hiệp hội ngành hàng gồm Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiêp hội Rau quả, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã đồng loạt có văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành gỡ khó trong việc cấp giấy đi đường tại TPHCM.
Theo tổng hợp phản ánh và kiến nghị từ doanh nghiệp hội viên của các hiệp hội ngành hàng, hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu và đảm bảo tiến độ giao hàng do phải làm hồ sơ giấy nhưng gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy đi đường.
Do tình hình giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TPHCM, những người nằm trong nhóm được ra đường để làm việc đã được quy định trong đó có nhân viên xuất nhập khẩu (mã 3D). Ngày 22-8, Sở Công Thương TPHCM đã ban hành quy trình hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa đăng ký cấp giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội từ 23-8 đến 5-9. Sau đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics đã nhanh chóng nộp hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên cho đến thời điểm ngày 25-8, vẫn chưa có doanh nghiệp nào của các hiệp hội ngành hàng nhận được phản hồi từ Sở Công Thương TPHCM.
Ngày 24-8, Sở Công Thương ban hành công văn 3996 và chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên các doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp, các quận huyện cấp giấy cho các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa nội địa, điều này gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp khi bị tổn thất rất lớn như chi phí lưu kho bãi, hàng hóa để lâu bị giảm chất lượng, bồi thường do vi phạm hợp đồng do giao hàng trễ.
Hiện nay, doanh nghiệp không biết phải đăng ký giấy đi đường ở đâu vì không xác định thuộc diện đối tượng nào và ai phụ trách. Khi doanh nghiệp không được cấp giấy đi đường để làm thủ tục xuất khẩu doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại rất lớn do hàng không xuất khẩu được, tốn chi phí lưu trữ hàng hóa, nhà máy phải tạm ngưng sản xuất, công nhân mất việc, doanh nghiệp mất uy tín với các đối tác quốc tế.
Do đó, hiệp hội ngành hàng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành có hướng dẫn cụ thể và thống nhất về đầu mối liên hệ cấp phát giấy đi đường đối với các doanh nghệp sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường thêm số lượng cán bộ phụ trách xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng kiến nghị cấp giấy đi đường bản mềm và gửi thông qua email cho doanh nghiệp làm cơ sở đi qua các chốt kiểm soát để đến trụ sở của Sở Công thương TPHCM để đóng dấu.
Hiệp hội ngành hàng sẽ là đầu mối và chịu trách nhiệm trong việc lập danh sách doanh nghiệp có nhu cầu xin cấp giấy đi đường gửi trực tiếp đến Sở Công Thương để giảm tải cho cơ quan chức năng. Người đứng đầu các doanh nghiệp hội viên chịu trách nhiệm về danh sách đăng ký và cam kết quản lý chặt chẽ danh sách người lao động được cấp giấy đi đường.
Doanh nghiệp logistics phải đền hợp đồng
Không chỉ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp logistics cũng đang gặp nhiều khó khăn với giấy đi đường. Trao đổi với KTSG Online, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp logistics chỉ được Sở Công Thương TPHCM cấp 2 giấy đi đường nên không giải quyết được công việc.
Đơn cử như Công ty cổ phần Transimex, doanh nghiệp có cả ngàn nhân viên mà chỉ được Sở Công Thương TPHCM cấp cho 2 giấy đi đường nên không thể làm được gì và đành phải hủy dịch vụ, chịu tổn thất đền hợp đồng với khách hàng. Có doanh nghiệp nhận vận chuyển hàng trăm container từ Long An về TPHCM cũng phải hủy hợp đồng vì nhân viên không có giấy đi đường.
“Tôi khẳng định là các công ty logistics không hề muốn ra đường vào lúc này nhưng vì các đơn hàng đã nhận với đối tác nên phải hoàn thành việc giao hàng nếu không sẽ bị phạt hợp đồng”, ông Hiệp bộc bạch.
Theo ông Hiệp, trong văn bản hướng dẫn của UBND TPHCM chỉ đề cập đến việc cấp giấy đi đường cho nhân viên ở cảng Cát Lái, sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi TPHCM có hàng ngàn doanh nghiệp logistics lại không được đề cập đến.
Với số lượng giấy đi đường quá ít, hiện nay nhiều doanh nghiệp logistics phải hủy hợp đồng với khách hàng và chịu bị phạt khiến doanh nghiệp rất bức xúc.
Ông Hiệp kiến nghị, do thời gian giãn cách còn kéo dài nên chính quyền thành phố cần tính toán lại trong việc cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp logistics nếu không hàng hóa có thể sẽ bị ùn ứ, thiệt hại cho doanh nghiệp là rất lớn.