(KTSG Online) - Khả năng sẵn sàng đồng hành, chủ động đưa ra giải pháp để doanh nghiệp theo kịp những thay đổi, đủ tin tưởng để chia sẻ dữ liệu, chi phí vừa khả năng chi trả... là điều khách hàng đang tìm kiếm ở các doanh nghiệp martech (công nghệ tiếp thị) trong nước.
- MMA Impact Vietnam 2024: Định hình tương lai Marketing trong kỷ nguyên công nghệ
- AI và thách thức của marketing hiện đại
Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp chia sẻ tại sự kiẹn tại Vietnam Martech Day 2024, không có công nghệ nào có thể giải quyết toàn bộ các vấn đề nâng cao hiệu quả tiếp thị và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng. Điều khách hàng cần là những đơn vị martech (Marketing Technology) có khả năng cung cấp công cụ, sẵn sàng đồng hành và chia sẻ kinh nghiệm, giúp họ kịp thời nắm bắt những thay đổi từ thị trường.
Thất thế trên sân nhà
Xuấn hiện chưa lâu, nhưng thị trường công nghệ tiếp thị (martech) đã có bước phát triển nhanh về quy mô, từ 120 công ty vào năm 2011 tăng lên khoảng 14.000 công ty hoạt động trong lĩnh vực này trên toàn cầu vào tháng 6-2024.
Tại thị trường Việt Nam, khoảng 100 công ty trong nước đang cung cấp các giải pháp martech cho doanh nghiệp, như quảng cáo trực tuyến, quảng cáo trên điện thoại và trên mạng, theo số liệu từ Mạng lưới Vietnam MarTech. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam là khách hàng sử dụng các giải pháp martech có xu hướng ưu tiên sử dụng giải pháp do các hãng martech nước ngoài cung cấp thay vì các hãng trong nước.
Ông Đoàn Hồng Sơn, Phó tổng giám đốc Canifa, cho biết rất muốn sử dụng các giải pháp của các đối tác công nghệ Việt Nam nhưng chưa tìm được một đối tác đủ năng lực chuyên môn và đam mê.
Theo ông, Canifa thực hiện chuyển đổi trước khi khi có làn sóng chuyển đổi số, với định hướng tận dụng và ứng dụng dữ liệu lớn về khách hàng vào hoạt động doanh nghiệp. Thế nhưng qua nhiều năm, doanh nghiệp vẫn loay hoay tìm kiếm các giải pháp bên ngoài để xử lý hiệu quả khối lượng dữ liệu khổng lồ do không thể tìm được giải pháp đáp ứng đúng hoạt động và kỳ vọng từ tổ chức.
“Ứng dụng martech vào hoạt động của doanh nghiệp là cả một quá trình không dễ dàng vì mỗi doanh nghiệp đều có những khó khăn riêng. Canifa luôn tìm kiếm đối tác dựa trên ba quy tắc 3 là đủ để mình tin tưởng, đủ khả năng chi trả, đủ năng lực xử lý”, ông Sơn nói tại Vietnam Martech Day 2024.
Đánh giá về thị trường martech Việt Nam tại một tọa đàm, ông Nguyễn Bình Nam, Giám đốc điều hành Công ty OplaCRM, có một ví von khá thú vị, là các doanh nghiệp - khách hàng sử dụng các giải pháp Martech như "một cô gái trẻ đẹp", các hãng MarTech nước ngoài là "chàng trai đã trưởng thành, có nhà, có xe, tầm 40 tuổi, có kinh nghiệm". Trong khi đó, các hãng martech Việt Nam là "chàng trai 20-25 tuổi, chưa có nhiều case study (ứng dụng thực tế) nhưng khỏe hơn, được tiếp cận thường xuyên hơn".
“Một bên có kinh nghiệm nhưng không có tốc độ. Một bên có tốc độ và đã cho thấy những điểm tiện lợi, ưu việt như hiểu khách hàng hơn, gần khách hàng hơn, chi phí sản xuất rẻ hơn. Tuy nhiên, về kinh nghiệm hay dấu ấn thành công thì không bằng giải pháp ngoại”, ông Nam nói.
Ông Huỳnh Lê Tấn Tài, Chủ tịch Công ty Kyanon Digital, cho rằng có hai yếu tố khiến các doanh nghiệp Việt Nam ưu ái sử dụng giải pháp martech của doanh nghiệp nước ngoài, gồm độ trưởng thành của doanh nghiệp nước ngoài; doanh nghiệp nước ngoài có nhiều giải pháp ứng dụng, đã triển khai cho nhiều khách hàng khác nhau, nên có kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp.
“Ứng dụng martech là cả một hành trình. Độ trưởng thành của các giải pháp quốc tế đa phần sẽ tốt hơn”, ông Tài nói.
Trong khi đó, bà Võ Hoàng Thanh Mai, Giám đốc bán hàng khu vực của CleverTap, một hãng martech nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trên thế giới vào Việt Nam thường đã có sẵn kinh nghiệm làm việc với nhiều doanh nghiệp, khách hàng. Vì vậy, khi đi vào thị trường, những doanh nghiệp này sẽ hiểu rõ cách áp dụng các giải pháp như thế nào.
“Vấn đề ở đây không phải là cứ mua hệ thống về bật lên là giải pháp sẽ chạy mà các doanh nghiệp phải hiểu sẽ vận hành giải pháp đó sao cho phù hợp với nhu cầu và mục tiêu riêng”, bà Mai nói.
Khách hàng cần cả giải pháp lẫn tư vấn
Trong bối cảnh các xu hướng tiêu dùng biến đổi liên tục, bà Nguyễn Thị Hà Thu, Trưởng bộ phận Loyalty, Martech và thương mại điện tử của Tập đoàn Golden Gate cho biết, doanh nghiệp rất cần những đơn vị vừa có khả năng cung cấp công cụ, vừa sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và lời khuyên để kịp thời nắm bắt, đáp ứng những thay đổi từ thị trường và hành vi khách hàng.
Theo bà, những yếu tố mà Golden Gate mong đợi ở một đơn vị martech, gồm khả năng sẵn sàng đồng hành của doanh nghiệp; đủ khả năng bù đắp những phần doanh nghiệp còn thiếu; chủ động đưa ra những lời khuyên, giải pháp để doanh nghiệp theo kịp những thay đổi.
“Khi tìm kiếm đối tác martech, mỗi doanh nghiệp đều có kỳ vọng riêng như chi phí, danh tiếng… còn Golden Gate đánh giá cao những đơn vị có tinh thần đồng hành với đối tác và sở hữu đội ngũ chuyên gia tốt, dù quy mô không quá lớn”, bà Thu nói.
Từ trải nghiệm có được trong quá trình làm việc với các đối tác, bà Dương Huyền Trang, Trưởng bộ phận martech của Gapit Communication cho biết, nhu cầu của khách hàng liên tục nâng cao, đòi hỏi các agency như Gapit phải không ngừng cập nhật và nâng cấp kiến thức. Ngoài ra, không một công cụ nào có thể giải quyết 100% vấn đề martech của các doanh nghiệp.
Do đó, đơn vị martech phải kết hợp nhiều giải pháp khác nhau, xuất phát từ tầm nhìn và định hướng của doanh nghiệp. Cụ thể, Gapit sẽ tư vấn cho doanh nghiệp về việc cần có khung mục tiêu rõ ràng như mục tiêu tăng trưởng và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Từ đó, doanh nghiệp sẽ đặt các mục tiêu cụ thể hơn, xác định các chỉ số cần cải thiện và điều chỉnh hoạt động của các phòng ban. Việc này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ với nội bộ để đảm bảo mọi người hiểu rõ mục tiêu và cùng nhau vượt qua thách thức, bà Trang nói.
Theo bà Nguyễn Thị Hương Giang, Giám đốc bán lẻ Aristino, doanh nghiệp từng không thành công khi thúc đẩy việc chuyển đổi mô hình bán hàng từ bán lẻ truyền thống sang bán hàng trực tuyến, qua một nền tảng quản lý dữ liệu khách hàng dựa trên ID. Nguyên nhân tới từ năng lực của đội ngũ nhân viên chưa đáp ứng được yêu cầu; thị trường trong giai đoạn 2019-2020 chưa có nhiều giải pháp hiệu quả và việc triển khai khá phức tạp; đặt ra kỳ vọng quá lớn, không khả thi.
Sau những thất bại, bà Giang cho biết chiến lược hiện tại của Aristino là xây dựng mô hình kinh doanh O2O (Online-to-Offline), tức là có thể bán hàng trên cả hai kênh. Điều này xuất phát từ bối cảnh 80% doanh thu trong lĩnh vực bán lẻ, nhất là sản phẩm thời trang, vẫn đến từ kênh offline. Do đó, công tác chăm sóc khách hàng để đưa họ đến quyết định mua hàng luôn đóng vai trò quan trọng.
“Aristino đã triển khai tổng đài đa kênh hỗ trợ các chiến dịch từ online đến offline, giúp đội ngũ bán hàng nắm bắt tình trạng khách hàng và các chỉ số để cải thiện trải nghiệm chăm sóc khách hàng”, bà nói.
Cũng theo vị này, doanh nghiệp hiện vẫn đang trên hành trình xây dựng mô hình tối ưu của mình, với ba trụ cột chính là hiểu rõ khách hàng của mình là ai, tập trung vào sản phẩm, và xây dựng hệ thống gồm công nghệ, con người và quy trình.