Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp may ở TPHCM tìm cách thích nghi với giãn cách xã hội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp may ở TPHCM tìm cách thích nghi với giãn cách xã hội

Trọng Nghĩa

(KTSG Online) - Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành dệt may bị xáo trộn. Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp tại TPHCM đang cho thấy khả năng thích nghi với đợt giãn cách xã hội lần này.

Doanh nghiệp may ở TPHCM tìm cách thích nghi với giãn cách xã hội
Công nhân phải làm giãn ca trong làn sóng dịch mới. Ảnh: Trọng Nghĩa

Hiện tại, hơn 7.500 công nhân của Công ty cổ phần dệt may - đầu tư thương mại Thành Công (TCM) phải chia thành 2 ca để sản xuất tại các nhà máy thay vì chỉ có 1 ca sản xuất trong ngày như trước đây. Đây là trường hợp bất khả kháng vì phải tuân theo quyết định của UBND TPHCM thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống làn sóng lây lan của dịch Covid-19. Chính việc giãn ca lần này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của TCM.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT TCM cho biết, trước đó tất cả công nhân chỉ làm 1 ca từ 8-17 giờ thì nay bắt đầu từ 5 giờ và kết thúc lúc 22 giờ, chia làm 2 ca. Chính việc thay đổi thói quen làm việc dẫn đến năng suất lao động của công nhân sụt giảm. Trong khi đó, nhiều chi phí phát sinh thêm như tiền điện, nước… cũng tăng lên do thời gian hoạt động của nhà xưởng kéo dài hơn bình thường.

Vấn đề tương tự cũng xảy ra vói các doanh nghiệp dệt may khác trên địa bàn TPHCM. Đơn cử như với công ty TNHH Việt Thắng Jean, ngay từ khi UBND TPHCM ra quyết định giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 31-5, mọi hoạt động sản xuất của công ty cũng phải thay đổi. Trước đó, mỗi ngày gần 5.000 công nhân của đơn vị này chỉ làm việc 2 ca, thì nay công ty phải tăng lên 3 ca để thực hiện giãn cách nhưng vẫn đảm bảo tiến độ hoàn thành đơn hàng cho đối tác.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ, hiện tại công ty đã nhận nhiều đơn hàng đủ sản xuất cho đến hết quí 3-2021. Mỗi ngày Việt Thắng Jean phải xuất xưởng một lô hàng gần 30.000 sản phẩm cho các đối tác tại Mỹ, châu Âu… do đó, công nhân tại nhà máy phải làm việc hết công suất mới kịp hoàn thành tiến độ.

Theo ông Trần Như Tùng, việc năng suất lao động của công nhân giảm gây áp lực lớn đến quá trình hoàn thành các đơn hàng. Trong bối cảnh đó, TCM đang tiến hành thương lượng với đối tác để lùi thời gian giao hàng. Nếu không được buộc lòng công ty phải thay đổi phương thức vận chuyển từ đường tàu sang đường hàng không để nhanh hơn. Tất nhiên chi phí vận chuyển bằng đường hàng không cao hơn nhiều lần so với các phương thức khác.

Còn với Công ty may Sài Gòn 3, hơn 2.500 công nhân của đơn vị này đều phải khai báo y tế mỗi ngày khi bắt đầu vào làm việc. Tại nhà máy, mỗi công nhân phải giữ khoảng cách tối thiếu 2m và thường xuyên rửa tay sát khuẩn. Bên cạnh đó, đối với những công nhân ở gần những nơi có người nhiễm bệnh, hiện phải tự cách ly công ty tạo điều kiện cho những người này làm việc tại nhà. Nỗ lực của công ty trong tình hình hiện tại là làm sao để có thể duy trì các biện pháp phòng chống dịch theo quy định và vẫn phải đảm bảo sản xuất.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết làn sóng Covid-19 thứ 4 ập đến, tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp ngành này trong thời gian tới. Tuy vậy, đà hồi phục của ngành dệt may sẽ không vì thế mà chững lại. “Hiện tại các doanh nghiệp trong ngành dệt may đang nhận rất nhiều đơn hàng. Có những doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất cho đến hết năm nay. Do đó, mục tiêu đạt 40 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong năm nay hoàn toàn có thể”, ông Giang nói.

Cũng theo ông Giang, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp dệt may trong làn sóng dịch lần nay, Hiệp hội đã gửi những văn bản kiến nghị nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành tiếp cận với nguồn vaccine tiêm cho người lao động. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị có những chính sách tạo điều kiện để các nhà máy trong ngành này hoạt động bình thường, để kịp tiến độ hoàn thành các đơn hàng cho đối tác trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam, với 3,5 tỉ đô la Mỹ (tăng 6% so với cùng kỳ, chiếm 48% giá trị xuất khẩu ngành dệt may của Việt Nam). Trong quí 1-2021, giá trị xuất khẩu sang các thị trường EU đạt 650 triệu đô la, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc đạt lần lượt 920 triệu đô la và 709 triệu đô la, giảm lần lượt 13% và 0,5% so với cùng kỳ. 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới