(KTSG Online) – Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang chịu sức ép lớn khi chi phí vận chuyển và nguyên vật liệu tăng cao do giá dầu thô không ngừng tăng và có thể vượt 100 đô la/thùng trong thời gian tới. Thông thường, họ sẽ tăng giá bán sản phẩm để chuyển chi phí sang khách hàng, nhưng trong bối chi phí sinh hoạt tăng cao, họ lo ngại người tiêu dùng sẽ phản ứng nếu tiếp tục tăng giá.
Giá dầu tăng lên mức cao nhất 7 năm do các căng thẳng địa chính trị leo thang
Giá dầu tăng, làm xói mòn lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp
Isaac Larian, người sáng lập MGA Entertainment, công ty sản xuất đồ chơi tư nhân (chưa niêm yết cổ phiếu) lớn nhất của Mỹ, nghĩ rằng ông sẽ chịu đựng được “cơn sóng thần chi chi phí” tồi tệ nhất do vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động. Nhưng bây giờ, nhiều công ty đồ chơi, bao gồm MGA Entertainment, nhà sản xuất búp bê Bratz và L.O.L. Surprise cũng như đồ chơi thương hiệu Little Tikes, đang đối mặt làn sóng phá hủy lợi nhuận thứ hai khi giá dầu hướng đến mốc 100 đô la/thùng.
Larian nói: “Đó là một thảm họa vì có một số chi phí nguyên liệu đồ chơi gắn chặt với giá dầu và khí đốt”.
Giá dầu thô có thể sớm vượt mốc 100 đô la/thùng, thậm chí có thể tăng vọt lên 150 đô nếu căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, dẫn đến cú sốc về nguồn cung, theo nhận định hai nhà kinh tế Joseph Lupton và Bruce Kasman ở Ngân hàng JPMorgan Chase & Co.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ đang chịu áp lực chi phí tăng cao khi giá dầu và khí đốt tự nhiên leo lên mức cao nhất kể từ năm 2014, và đà tăng giá chưa có dấu hiệu dừng lại.
Larian cho biết biên lợi nhuận của MGA đã giảm 5 điểm phần trăm vào năm 2021 và sẽ còn giảm thêm trong năm nay do chi phí tăng vì tác động của giá dầu. Ông nói rằng cước phí vận chuyển hàng và chi phí nhựa dẻo (plastic resin) sẽ tăng trở lại trong năm nay. Đó là tin xấu đối với những món đồ chơi của MGA Entertainment như xe chòi chân Cozy Coupe dành cho trẻ mới tập đi, có 80% thành phần là nhựa. Tệ hơn nữa, sức mua của người tiêu dùng sẽ giảm xuống khi họ phải trả nhiều hơn để đổ đầy bình xăng ô tô và sưởi ấm cho ngôi nhà của mình.
“Nếu một con búp bê giá 10 đô la đột nhiên tăng giá lên 25 đô la, có nhiều người sẽ không đủ khả năng mua nó”, Larian nói thêm.
Dầu Bernt đã tăng lên mức hơn 90 đô / thùng, cao hơn 60% so với giá trung bình năm 2019. Giá dầu có thể tăng thêm 30% hoặc hơn do nguồn cung thắt chắt khi nền kinh tế thế giới tăng tốc tái mở cửa, theo dự báo của các ngân hàng ở Phố Wall.
Có những công ty ăn nên làm ra nhờ giá dầu tăng đột biến, bao gồm các nhà sản xuất năng lượng và các công ty công nghiệp cung cấp giàn khoan dầu. Nhưng đối với nhiều doanh nghiệp khác, nhiệm vụ nan giải trong bối cảnh chi phí nhiên liệu đắt đỏ là bảo vệ lợi nhuận. Các nhà sản xuất, nhà bán lẻ, công ty sản xuất hàng hóa đóng gói và vận chuyển hành khách đều phải tìm cách chuyển chi phí năng lượng cho những người tiêu dùng vốn đang trải qua cú sốc giá cả sinh hoạt do lạm phát tăng mạnh.
Doanh nghiệp sản xuất linh kiện nhựa chịu sức ép lớn
Không chỉ các tập đoàn lớn chịu sức ép vì giá nhiên liệu đắt đỏ. Biên lợi nhuận của Thomson Plastics, công ty có 250 công nhân, chuyên sản xuất linh kiện nhựa dẻo cho ô tô, máy cắt cỏ và xe chạy trên mọi địa hình, đã giảm về mức 5% hoặc thấp hơn so với mức trung bình 15-16% trước đại dịch. Steve Dyer, Giám đốc điều hành Thomson Plastics, cho biết giá dầu tăng đã đẩy chi phí vận chuyển hàng hóa lên cao, và giá khí đốt tự nhiên tăng cũng khiến giá hạt nhựa tăng theo. Ông dự báo những chi phí này sẽ tiếp tục tăng lên cao nữa cùng với đà tăng của giá dầu trong năm nay.
Dyer cho biết giá nhựa dẻo, được làm từ khí tự nhiên, đã tăng lên tới 2 đô la/ pound (0,453 kg), từ mức 0,8 đô la trước đại dịch. Khi lạm phát tổng thể dao động ở mức khoảng 2%, Thomson Plastics có thể hấp thụ chi phí cao hơn bằng cách cải thiện năng suất. Nhưng giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn gấp đôi, lên mức 4,25 đô la / triệu BTU (đơn vị nhiệt Anh, 1 triệu BTU tương đương 28,2 m3 khí tự nhiên) vào ngày 8-2, từ mức 2,07 đô la vào năm 2019, Thomson Plastics buộc phải tăng giá bán linh kiện nhựa ô tô cho khách hàng vì đây là giải pháp sống còn.
Thậm chí, công nhân của Dyer cũng phải điều chỉnh lịch làm việc để ứng phó với đà tăng của giá dầu. Thomson Plastics đang chuyển sang lịch làm việc bốn ngày/tuần với mỗi ngày làm làm việc kéo dài 10 giờ để cắt giảm chi phí đi lại của công nhân đến nhà máy của công ty ở Thomson, bang Georgia. Dyer cho biết giá xăng 4 đô la/gallon (gần 3,8 lít) đang là cơn đau đầu đối với những công nhân phải lái 50- 80 km để đến nơi làm việc.
Người tiêu dùng lãnh đủ
Philip Orlando, Giám đốc chiến lược thị trường tại Công ty Federated Global Investment Management Corp., cho biết khi các công ty chuyển chi phí vào giá bán sản phẩm, người tiêu dùng sẽ chịu toàn bộ gánh nặng.
Federated Global Investment Management ước tính với mỗi cent tăng lên ở giá xăng, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ sẽ giảm 1,18 tỉ đô la mỗi năm. Với việc mỗi gallon xăng đã tăng thêm khoảng 1,3 đô la kể từ đầu năm 2021, điều này có nghĩa là sức chi tiêu tiềm năng của người tiêu dùng Mỹ giảm 150 tỉ đô la, tương đương 0,8% GDP.
Orlando nói: “Giá xăng tăng có thể gây tổn thương lớn những người lao động có tay nghề thấp và mức lương thấp vì họ phải dành một phần lớn hơn trong mức thu nhập khiêm tốn của mình để mua xăng cho xe và dầu sưởi trong nhà”.
Rosa Simeon, 45 tuổi, là một trong những người tiêu dùng nhạy cảm với làn sóng tăng giá gần đây. Cô phải lái xe vượt chặng đường 50km từ nhà cô ở Garland, bang Texas, để đến dọn dẹp nhà cho những khách hàng trả tiền cao hơn ở vùng ngoại ô của TP. Dallas. Cô đã tăng tiền công từ 100 lên 120 đô la một ngày nhưng nhiều khách hàng phản ứng. Giờ đây, khi giá xăng tăng, cô sẵn sàng làm việc cho một khách hàng ở gần nhà cô hơn với mức tiền công như trước đại dịch, thay vì gánh thêm chi phí xăng để đến làm việc ở vùng ngoại ô của Dallas.
Đối với Simeon, giá xăng không phải là nỗi lo duy nhất. Chi phí thực phẩm, quần áo, điện và thức ăn nhanh đều tăng. Cô phải chi 140 đô la mỗi tuần để mua sắm ở cửa hàng tạp hóa cho những mặt hàng từng có giá tổng cộng 100 đô la. Khi trở về nhà, bà mẹ đơn thân này phải nấu ăn cho hai đứa con của mình, thay vì đưa chúng ra ngoài ăn hamburger để bản thân được nghỉ ngơi.
“Xăng đã tăng giá gần gấp đôi và tôi thực sự có thể cảm nhận được mức chênh lệch về chi phí sinh hoạt. Cuộc sống bây giờ thật khó khăn”, cô than vãn.
Với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẵn sàng tăng lãi suất để chế ngự lạm phát, Isaac Larian, người sáng lập Công ty MGA Entertainment, lo ngại rằng những nỗ lực hạ nhiệt nền kinh tế có thể đẩy nó vào suy thoái, dẫn đến sự lặp lại của tình trạng lạm phát đình trệ vào cuối những năm 1970, khi ông mới thành lập công ty đồ chơi của mình. “Chúng ta đang đi theo hướng đó. Giá cả sẽ tiếp tục tăng, không chỉ ở đồ chơi mà còn ở tất cả mọi thứ. Bạn phải tiếp tục đẩy giá bán lên, và thật không may, người tiêu dùng sẽ phải lãnh đủ”.
Theo Bloomberg
Thoạt nhìn, các doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển và các hãng chuyển phát bưu kiện dường như nằm trong số những công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất do giá dầu tăng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong số đó từ lâu đã khắc phục được sự biến động của giá dầu thô bằng cách thu phụ phí nhiên liệu để chuyển chi phí tăng thêm cho khách hàng của họ.Chẳng hạn Công ty đường sắt Union Pacific Corp. (Mỹ) đạt lợi nhuận kỷ lục vào năm ngoái và chỉ tính riêng trong quý 4-2021, công ty này đã chuyển 336 triệu đô la phụ phí nhiên liệu sang khách hàng.Hãng vận tải biển lớn nhất thế giới Maersk (Đan Mạch) ghi nhận 18 tỉ đô la lợi nhuận vào năm ngoái nhờ tăng giá cước và chuyển chi phí nhiên liệu tăng thêm sang khách hàng.Tuy nhiên, các hãng hàng không và du thuyền khó chuyển chi phí nhiên liệu tăng thêm sang khách hàng hơn.