Doanh nghiệp ngán ngẩm với thủ tục hành chính đất đai
Đình Dũng
Một khu chung cư quận 12, TPHCM. Xin phép đầu tư một dự án có thể chỉ mất vài tháng, nhưng cũng có thể phải đợi vài năm. Ảnh: Đình Dũng |
(TBKTSG Online) - Thủ tục hành chính là một trong những vấn đề các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đều ngán ngẩm trong hoạt động kinh doanh, trong đó lĩnh vực đất đai nằm trong nhóm bị than phiền nhiều nhất.
Tại buổi hội thảo về giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 23-8 tại TPHCM, VCCI cho biết đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến từ khoảng 8.000 doanh nghiệp trong nước với câu hỏi: thủ tục hành chính trong lĩnh vực nào doanh nghiệp đánh giá phiền hà nhất?
Kết quả cho thấy có đến hơn 33% doanh nghiệp cho rằng thủ tục về thuế gây phiền hà nhất; lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường đứng nhì danh sách với khoảng 29%, tiếp đến là các thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư khoảng 15%.
Các doanh nghiệp cho rằng thủ tục đất đai, đầu tư, xây dựng là những thủ tục khó khăn hàng đầu, bởi chỉ tính riêng khâu chuẩn bị đầu tư, ở mỗi địa phương quy định mỗi khác.
Ông Phạm Gia Túc, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, cho biết rất nhiều doanh nghiệp, hiệp hội khẳng định thủ tục đầu tư hiện nay là nút thắt làm cho việc làm ăn của doanh nghiệp kém hiệu quả, mất cơ hội làm ăn.
Bà Trần Thị Bạch Vân, Giám đốc Công ty Trí Tuệ, đưa ra ví dụ rằng công ty đã xin đầu tư dự án chung cư tại quận Bình Thạnh, TPHCM theo phương thức người dân góp vốn cùng làm. Tuy nhiên, đã 10 năm làm thủ tục dự án vẫn chưa được triển khai xây dựng.
Bà Vân mô tả đường đi của hồ sơ là lòng vòng, từ Sở Quy hoạch kiến trúc trước xuống quận rồi nay lại đi ngược lên thành phố chờ xét duyệt. Nếu được phê duyệt hồ sơ sẽ tiếp tục quay về quận và sở cho ý kiến mới được phép làm.
"Cũng may là dự án không vay ngân hàng, nếu không giờ đã thuộc về ngân hàng mất rồi,” bà Vân phát biểu, và thêm rằng thủ tục nhiêu khê không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, thay vào đó gởi tiền vào ngân hàng lấy lãi.
Một số ý kiến cho rằng nền hành chính quốc gia cần phải có một quy chuẩn, hay phải có một cơ quan làm trọng tài để khi công chức làm sai phải xử, phải có chế tài chứ không thể chuyển đơn lòng vòng.
Ông Phạm Tuấn Khải, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, cho rằng xét cho cùng vấn đề chính là con người, nghĩa là năng lực của cán bộ quản lý nhà nước, bởi quy định hiện nay không thiếu. Tại sao có dự án thủ tục chỉ mất vài tháng là xong, nhưng có dự án phải mất vài năm chưa xong như doanh nghiệp vẫn kêu ca.
Theo ông Khải, một vấn đề cũng cần xem xét đó là các thủ tục hành chính không phù hợp, gây cản trở, thiệt hại cho nhà đầu tư thì nhà đầu tư có thể kiện ra tòa hay không?
Ông Võ Tấn Thành, Giám đốc chi nhánh VCCI tai TPHCM, cho rằng kinh nghiệm các nước khác người ta ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, nghĩa là hạn chế sự tiếp xúc (giữa cán bộ và nhà đầu tư) càng ít càng tốt.
Một số doanh nghiệp cũng cho rằng cần công khai hồ sơ trên mạng, một dự án cần bao nhiêu thủ tục, các mẫu hồ sơ ra sao. Doanh nghiệp chỉ cần lên đó tải về điền vào rồi gửi cho cơ quan nhà nước. Làm như vậy hy vọng sẽ giảm một phần chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.