Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp ngành dầu mỏ lo ngại chuyển đổi xanh quá nhanh

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong khi nhiều nước tăng tốc phát triển năng lượng sạch thì nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp dầu mỏ lại cho rằng, ít nhất là trong ngắn hạn, thế giới cũng cần nhiều dầu khí hơn.

Những yêu cầu cấp bách và đôi khi đối nghịch về an ninh năng lượng và chống biến đổi khí hậu sẽ như thế này sẽ là chủ đề cốt lõi trong các cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh năng lượng thường niên có tên gọi CERAWeek, được tổ chức ở Houston (Mỹ) từ hôm nay (6-3).

Công nhân làm việc ở một giàn khoan dầu đá phiến ở Texas, Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Tham dự hội nghị CERAWeek có các giám đốc điều hành của những tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới như ExxonMobil, Saudi Aramco, NextEra Energy, nhiều quan chức Mỹ như Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm và Cố vấn năng lượng sạch của Nhà Trắng John Podesta cùng đại biểu đến từ khoảng 90 quốc gia.

Theo Dan Yergin, Phó Chủ tịch của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global, đơn vị tổ chức hội nghị CERAWeek, biến động địa địa chính trị và sự sắp xếp lại của thị trường sau cuộc xung đột Nga-Ukraine đã buộc ngành đánh giá lại cách thức hoạt động của tiến trình chuyển đổi năng lượng.

“Chúng ta sẽ nghe các công ty nói nhiều hơn về quá trình khử carbon và các chiến lược carbon thấp và họ cũng sẽ nói về việc đẩy mạnh đầu tư cho dầu mỏ để đáp ứng nhu cầu của một thế giới đột nhiên trở nên khá bất an về nguồn cung cấp năng lượng”, Yergin nói.

Các quan chức Mỹ cũng sẽ tận dụng hội nghị này để trình bày kế hoạch thực hiện Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư năng lượng sạch thông qua chương trình tín dụng thuế, trợ cấp và các khoản vay bảo lãnh.

Đạo luật này làm phấn chấn những công ty được hưởng lợi như các nhà phát triển năng lượng mặt trời và gió. Tuy nhiên, đạo luật cũng làm dấy lên mối lo ngại trong ngành vì việc tăng đầu tư năng lượng carbon thấp có thể làm tăng chi phí dự án và gây căng thẳng thêm cho chuỗi cung ứng.

Theo Yergin, rõ ràng chính sách hỗ trợ của chính phủ Mỹ sẽ đóng một vai trò lớn hơn nhiều trong tiến trình chuyển đổi năng lượng hiện tại so với những thay đổi trước đây, vốn chủ yếu được thúc đẩy bởi kinh tế và công nghệ.

Một chủ đề quan trọng khác tại hội nghị là cách các công ty dầu khí tích hợp kế hoạch chuyển đổi năng lượng vào hoạt động kinh doanh.

Một tháng trước, Tập đoàn dầu khí BP của Anh rút lại kế hoạch chuyển đổi sang năng lượng sạch đầy tham vọng và cho biết sẽ bơm thêm tiền vào sản xuất dầu khí. Theo Giám đốc điều hành BP Bernard Looney, công ty đang “đáp ứng những gì xã hội muốn”. Tuy nhiên, kế hoạch chuyển đổi xanh trước đây của BP quá quyết liệt, có thể khiến các nỗ lực phát triển bền vững trở nên không bền vững.

Hội nghị CERAWeek sẽ xoáy vào câu hỏi, liệu mức lợi nhuận khổng lồ đó có thể lặp lại hay không khi mà giá khí đốt đã giảm 54% trong những tháng gần đây, khiến các nhà sản xuất phải điều chỉnh lại các kế hoạch khoan.

Vào năm ngoái, Exxon và Chevron Corp., hai tập đoàn dầu khí hàng đầu của Mỹ, vốn thận trọng hơn với chiến lược carbon thấp đã đạt lợi nhuận kỷ lục nhờ giá dầu và khí đốt tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm.

Giữa lúc các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga làm chia rẽ thị trường dầu khí toàn cầu, hội nghị dự kiến sẽ thảo luận về các chủ đề như sự phụ thuộc ngày càng tăng của Nga vào thị trường Trung Quốc và tầm quan trọng chiến lược của các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ đối với châu Âu.

Với Mark Brownstein, Phó chủ tịch cấp cao của Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF), những gì đã xảy ra trong năm qua chỉ ra sự cần thiết phải tăng tốc đưa năng lượng toàn cầu thoát ra khỏi nhiên liệu hóa thạch vì mục tiêu ổn định khí hậu. Đó cũng một cách để ngăn chặn biến động giá cả làm rung chuyển thị trường năng lượng thế giới vào năm ngoái.

“Sẽ có rất nhiều người tại hội nghị thuyết trình các công nghệ mới và nói về các mô hình kinh doanh mới giúp chúng ta đẩy nhanh tiến trình trình chuyển đổi năng lượng”, ông nói.

Mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa các công ty dầu mỏ của Mỹ và chính quyền Tổng thống Joe Biden đã trở nên tồi tệ hơn vào năm ngoái khi một số công ty báo cáo lợi nhuận kỷ lục giữa lúc giá xăng dầu trong nước đạt mức cao lịch sử. Các quan chức Nhà Trắng cho rằng, những công ty này đã phạm sai lầm khi tập trung vào tưởng thưởng các nhà đầu tư bằng cách tăng trả cổ tức và mua cổ phiếu quỹ thay vì bơm tiền để tăng sản lượng dầu mỏ, giúp giảm giá.

Trong bài phát biểu về thông điệp bang vào tháng trước, Tổng thống Biden đề xuất tăng gấp bốn lần thuế đối với việc mua lại cổ phiếu quỹ để thúc đẩy các công ty dầu mỏ rót vốn vào sản xuất dầu.

Dan Pickering, người sáng lập kiêm giám đốc đầu tư của Pickering Energy Partners, cho rằng, ngày càng có nhiều giám đốc điều hành trong ngành dầu mỏ ủng hộ khử carbon khi quan điểm của nhóm hoài nghi về biến đổi khí hậu và nhóm ủng hộ việc chuyển đổi ngay lập tức khỏi nhiên liệu hóa thạch ngày càng xích lại gần nhau hơn.

Tuy nhiên, Pickering cho biết, khi tiến trình khử carbon trên toàn cầu được thúc đẩy mạnh mẽ, nhiều lãnh đạo trong ngành công nghiệp dầu mỏ vẫn có cùng nhận định là thế giới vẫn nhiên liệu hóa thạch một thời gian nữa.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới