(KTSG Online) - Dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đang hướng vào Việt Nam cho cả lĩnh vực vực sản xuất lẫn thương mại dịch vụ.
Mở rộng kinh doanh thương mại
Ngày 29-4 vừa qua, MUJI, thương hiệu gia dụng nổi tiếng Nhật Bản, đã mở cửa khai trương cửa hàng thứ 3 tại Việt Nam đặt tại Hà Nội.
Với diện tích bán lẻ khoảng 1.700 m2, nằm trong Trung tâm thương mại (TTTM) Aeon Mall Long Biên, cửa hàng MUJI Aeon Mall Long Biên cung cấp đa dạng các sản phẩm bao gồm thực phẩm, đồ gia dụng, quần áo, nội thất và phụ kiện. Ngoài ra, cửa hàng cũng có những dịch vụ đặc trưng của Muji như dịch vụ thêu, dịch vụ lên lai quần, Open MUJI, MUJI Yourself, tư vấn nội thất và tiệm cà phê.
MUJI hiện có hơn 1.000 cửa hàng trên toàn thế giới. Chính thức mở kinh doanh ở thị trường Việt Nam vào năm 2020 với cửa hàng đầu tiên đặt tại TPHCM, thời điểm bắt đầu bị ảnh hưởng dịch bệnh nhưng MUJI vẫn tiếp tục đầu tư mở thêm 2 cửa hàng mới, đặt tại Hà Nội.
Thương hiệu bán lẻ thời trang Uniqlo vào ngày 22-4 vừa qua cũng đã cho khai trương cửa hàng quy mô lớn và ứng dụng số hóa hiện đại theo tiêu chuẩn toàn cầu của tập đoàn tại Trung tâm thương mại (TTTM) Saigon Centre, quận 1, TPHCM. Đây là cửa hàng bán lẻ thứ 11 của mình với diện tích bán hàng lên đến hơn 3.000 m2.
Có thể nói trong năm qua thị trường bán lẻ trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19 bùng phát nhưng các nhà bán lẻ Nhật Bản vẫn tin tưởng vào tiềm năng lâu dài ở Việt Nam để tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh.
Trong những tháng đầu năm 2022, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam, nhận định kinh tế Việt Nam đã dần hồi phục. Theo đó, hoạt động kinh doanh của AEON Việt Nam cũng cải thiện hơn khi số lượng khách hàng ghé trung tâm mua sắm tăng khoảng 10% so với giai đoạn trước Covid-19. Ông cho biết thêm, tốc độ phục hồi trên không chậm hơn khi so với thị trường khác trong khu vực vì Việt Nam đã rất tích cực mở cửa và thúc đẩy nền kinh tế phát triển sau đỉnh dịch.
Dự kiến từ tháng 6 tới, kinh tế có thể phục hồi hoàn toàn như trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Ông phân tích, thời điểm này, Việt Nam đã mở cửa đón khách du lịch giúp nền kinh tế khởi sắc. Hưởng tác động gián tiếp, ngành bán lẻ sẽ có thêm nhiều lực đẩy tích cực. Với tốc độ tăng GDP được Chính phủ dự đoán vào khoảng 6-6,5% trong năm nay, AEON Việt Nam hy vọng sẽ lấy lại mức tăng trưởng của mình như trước Covid-19.
"2022 là một năm rất quan trọng và sẽ chứng kiến sự cạnh tranh rất gắt gao giữa các nhà bán lẻ. Những thay đổi của người tiêu dùng buộc ngành bán lẻ phải có những thay đổi để đáp ứng và phát triển. Đó mới là vấn đề quan trọng", ông Furusawa nhấn mạnh. Do đó, từ phía Tập đoàn AEON và AEON Việt Nam cũng đã đề nhiều định hướng và kế hoạch.
Hàng loạt thương hiệu bán lẻ khác của Nhật Bản như Ministop, FamilyMart, 7-Eleven,... vẫn đang tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh khó khăn hiện nay là yếu tố về sức hấp dẫn về quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.
Tăng vốn sản xuất các sản phẩm công nghệ cao
Bên cạnh đẩy mạnh vào thương mại, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng tăng cường rót vốn vào sản xuất ở Việt Nam.
Trong buổi làm việc gần đây với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, ông Honda Hitoshi, Chủ tịch tập đoàn kiêm Tổng giám đốc Erex, cho rằng Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà Erex cân nhắc đầu tư công nghệ phát điện sinh khối ngoài Nhật Bản. Hiện tập đoàn này đang khảo sát và tìm cơ hội đầu tại tỉnh Bình Phước, ĐakLak, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Yên Bái,...
Cũng liên quan đến năng lượng, nguồn tin từ tờ Nikkei Asia cho biết JERA, một công ty liên doanh giữa hai “ông lớn” trong lĩnh vực năng lượng ở Nhật Bản là Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) và Công ty Điện lực Chubu (Chuden), đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện chạy bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và các cơ sở xếp dỡ LNG tại Việt Nam.
JERA dự kiến sẽ xây dựng một nhà máy điện chạy bằng khí LNG ở Hải Phòng, với tổng công suất lên tới 4,5 GW. Nhà máy này dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2026, với công suất ban đầu là 2 GW.
Trong lĩnh vực ô tô, hôm trung tuần tháng 4 vừa qua, đoàn công tác của Công ty Misubishi Việt Nam do ông Hidetoshi Suzuki, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc đã có buổi tiếp xúc với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An.
Tại buổi làm việc, đại diện Mitsubishi Việt Nam cho biết tập đoàn đang hoạt động và đầu tư trong 4 lĩnh vực chính là phát triển bất động sản, đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, thời trang bán lẻ và sản xuất kinh doanh ô tô. Đồng thời, đại diện công ty bày tỏ mong muốn được tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Nghệ An, theo báo Nghệ An. Doanh nghiệp này cũng đã nhiều lần tìm hiểu về cơ hội đầu tư nhà máy ô tô tại địa phương này.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khép lại một năm đầy khó khăn do dịch Covid-19, nguồn vốn từ Nhật Bản vào Việt Nam năm vừa qua vẫn tăng 64,6% so với năm 2020. Đáng chú ý, khảo sát của JETRO còn cho thấy có hơn 55% trong số 700 doanh nghiệp nước này tại Việt Nam được khảo sát cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư trong 1-2 năm tới.
Đây là tỷ lệ doanh nghiệp dự định mở rộng kinh doanh cao nhất của khối doanh nghiệp Nhật Bản ở khu vực ASEAN.
Theo ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM, cơ sở để các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam lạc quan tiếp tục rót vốn mở rộng kinh doanh là việc tiếp tục mở rộng xuất khẩu, quy mô tăng trưởng doanh thu của thị trường nội địa gần 100 triệu dân Việt Nam khá hấp dẫn và sự ổn định về chính trị của môi trường kinh doanh.
Về hoạt động sản xuất, tuy vẫn giữ được thế mạnh là sản xuất các sản phẩm đa dạng nhưng xu hướng cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang chuyển dần sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Đơn cử như trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất các trang thiết bị y tế, sản phẩm bảo vệ an toàn con người và chăm sóc sức khỏe đòi hỏi công nghệ, thiết bị kỹ thuật cao...
Có thể nói đây là một bước chuyển đổi đáng kể trong đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản. Bởi lẽ trước đây cách làm phổ biến của doanh nghiệp Nhật Bản là thực hiện gia công sản xuất tại Việt Nam rồi xuất khẩu trở về lại thị trường Nhật Bản.
Thời gian sắp tới, nguyên vật liệu sản xuất không chỉ mang từ Nhật Bản qua lắp ráp mà họ sẽ tăng thu mua tại Việt Nam. Bên cạnh xuất trở lại Nhật Bản, sản phẩm sản xuất ở Việt Nam sẽ còn hướng đến thị trường lân cận khác.
Cần khắc phục hạn chế!
Điều mà giới đầu tư Nhật Bản vẫn còn băn khoăn về môi trường đầu tư của Việt Nam là rủi ro chi phí nhân công tăng vọt (60,2% doanh nghiệp được khảo sát cho biết như vậy, giảm 3,5 điểm so với năm trước).
Mặt khác, sau làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng than phiền về sự phức tạp trong thủ tục hành chính (53,8%, tăng 7,1 điểm so với năm trước) tiếp tục tăng cao so với năm trước. Không những vậy, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc (43,4%, tăng 4,8 điểm) cũng có khuynh hướng tăng.
Các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn còn phàn nàn về tính thiếu minh bạch trong vận hành chính sách của chính quyền địa phương, như chính sách công nghiệp, chính sách năng lượng, quy định vốn nước ngoài… Tiếp đến là giá đất thuê văn phòng tăng, tỷ lệ nội địa hóa đã cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với các nước…
Vì vậy, khi mà các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng hoạt động ở Việt Nam, yếu tố mà họ mong đợi là một môi trường đầu tư kinh doanh hoàn thiện hơn.
Lũy kế đến ngày 20-3, Nhật Bản có 4.828 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 64,41 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 3 sau Hàn Quốc và Singapore trong tổng số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.