Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Nhật Bản tìm sức bật mới ở nhân viên tuổi trung niên

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nhảy việc ở độ tuổi trung niên tại Nhật Bản bây giờ là mốt. Nhân viên tuổi trung niên giàu kinh nghiệm được săn đón vì được cho rằng sẽ giúp các công ty có sức bật mới trong thời hậu dịch.

Thị trường việc làm cho người từ 40 tuổi đang trở nên sôi động khi các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm sự tăng trưởng hay sức bật mới thời hậu dịch. Đồ họa: Nikkei Asia

Minako Uryu, một nữ kỹ sư công nghệ thông tin hơn 40 tuổi, đã tìm được việc làm mới ở Housmart - nhà phát triển các ứng dụng chat hỗ trợ các hãng bất động sản trong tiếp thị. “Giờ tôi có thể trải nghiệm những cái mới. Hơn nữa, thu nhập của tôi đã tăng khoảng 10%”.

Theo Nikkel Asia, một người đàn ông 44 tuổi ở Tokyo đã rời bỏ một nhà xuất bản lớn vào năm ngoái sau khi làm việc được 19 năm. Mặc dù được giao phụ trách mảng kinh doanh công nghệ số mới thành lập, nhưng ông đã không hài lòng vì công ty giới hạn ông về các quyền được đưa ra quyết định.

Ông chuyển sang một công ty khởi nghiệp (startup) phát triển ứng dụng với mức lương tương đương trước đây. Startup này đang cần một người có kinh nghiệm để giúp họ mở rộng hơn nữa. “Tôi hạnh phúc vì giờ đây tôi có thể làm những gì tôi thực sự muốn làm”, ông nói.

Lâu nay, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn ưu tiên tuyển dụng sinh viên mới ra trường để họ sẽ làm việc suốt đời với doanh nghiệp. Cơ chế này đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản thời hậu chiến. Ở Nhật Bản, tuổi 35 được coi là ngưỡng giới hạn để thực hiện thay đổi nghề nghiệp, bởi các doanh nghiệp xứ Phù Tang chú trọng hệ thống thâm niên và ít dành cơ hội tuyển dụng hay thăng tiến cho những ai trên tuổi đó.

Nhưng mọi chuyện đang thay đổi thời hậu dịch.

“Gừng càng già càng cay”

Số lượng người đăng ký với Senior Job, một cơ quan chuyên giúp tuyển dụng lao động lớn tuổi, đạt 61.500 người vào cuối năm 2021 - tăng gấp 2,7 lần so với năm 2019.

Ngày càng có nhiều người lao động lớn tuổi thay đổi công việc, một phần là do các công ty đang đẩy mạnh việc tái cấu trúc. Theo hãng nghiên cứu Tokyo Shoko Research, trong năm 2021, 84 công ty niêm yết đã đưa ra các chương trình nghỉ hưu sớm, với 69 trong số đó nhắm mục tiêu cắt giảm hoàn toàn 15.892 lao động.

Kết quả là các trang giới thiệu việc làm có lượt đăng ký tìm việc của những nhân viên có tuổi gia tăng. Số lượng đăng ký trên trang tìm việc En Japan từ các nhân viên cũ của Japan Tobacco và Aoyama Trading, hai doanh nghiệp rất “tích cực” cho nhân viên có tuổi nghỉ hưu sớm, đã tăng lần lượt 3,1 và 3,7 lần so với năm 2018.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp nói chung của xứ hoa anh đào không tăng đáng kể, bởi các startup gia tăng tuyển dụng hoặc khi các doanh nghiệp mở rộng sang mảng kinh doanh mới. Một chuyên gia về tuyển dụng nói rằng các doanh nghiệp Nhật Bản linh hoạt hơn trong việc tuyển dụng lao động tuổi trung niên có thể giúp nền kinh tế thêm sức sống.

Nhà quản lý Takayuki Iyou của En Japan cho rằng: “Nhu cầu đối với lao động trung niên đang tăng lên trong các công ty đang tăng trưởng và có kế hoạch tái cấu trúc lớn”.

Akisaburo Ikushima, CEO kiêm nhà sáng lập của startup Globee chuyên cung cấp tài liệu giảng dạy bằng tiếng Anh dựa theo các khảo sát bằng trí tuệ nhân tạo, cho rằng: “Điều khiến người lao động lớn tuổi trở nên hấp dẫn là kinh nghiệm và thái độ làm việc trên thực tế của họ”.

Trả lương cao hơn là một động lực khác cho những người lao động lớn tuổi tìm kiếm việc làm mới. Mười năm trước, những người trong độ tuổi 45-49 tuổi sẽ có mức lương thấp hơn nếu họ nhảy việc. Nhưng giờ đây, họ có quyền đòi hỏi. Các chuyên gia tuyển dụng nói rằng lao động tuổi trung niên có kinh nghiệm có thể giúp các startup đẩy nhanh tốc độ mở rộng.

Thành lập năm 2016, hãng phát triển camera trí tuệ nhân tạo Awl ở Tokyo đã thuê năm nhân viên kỳ cựu của Panasonic, trong đó có một cựu giám đốc 58 tuổi. Một giám đốc của Awl nói rằng khai thác trí tuệ và kinh nghiệm của những người đi trước là con đường ngắn nhất để dẫn dắt Awl trong giai đoạn phát triển kế tiếp.

Hiroaki Miyamoto, giáo sư kinh tế tại Đại học Tokyo Metropolitan, cho biết: “Một dòng người liên tục chuyển từ các ngành công nghiệp ở giai đoạn xế chiều sang các lĩnh vực tăng trưởng sẽ giúp ích rất nhiều cho phát triển kinh tế ở Nhật Bản”.

Và đây sẽ là bình minh của sự đổi mới doanh nghiệp!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới