Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp nhỏ đang bị bỏ rơi

Nguyễn Việt Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Dịch bệnh không chỉ làm suy giảm dòng tiền mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều bài toán khác của doanh nghiệp như lao động, chuỗi cung ứng, thị trường tiêu thụ. Để tái cấu trúc và phục hồi sau đại dịch, các doanh nghiệp nhỏ cần những hỗ trợ “sát sườn” hơn.

Ngành dệt may vẫn đối mặt với khó khăn vì chi phí sản xuất tăng cao. Ảnh: Thành Hoa

Nỗ lực phục hồi trong tình trạng “thiếu máu”

Sau gần hai tháng “mở cửa” thích ứng an toàn với Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang dần ổn định sản xuất nhưng vẫn đối mặt với khó khăn, đặc biệt là về vốn. Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM (Agtek), cho biết trong hai tháng qua, các doanh nghiệp tập trung giải quyết các đơn hàng tồn đọng vì giãn cách và chuẩn bị cho đơn hàng năm 2022.

Theo ông Việt, ngành dệt may vẫn đối mặt với khó khăn vì chi phí sản xuất tăng cao. Chẳng hạn như chi phí hàng tồn kho tăng cao, chi phí nguyên vật liệu như bông, sợi cho sản xuất cũng tăng bình quân 15-20%, còn chi phí logistics đã tăng rất mạnh kể từ đầu năm đến nay.

Thách thức chi phí cao không chỉ là câu chuyện của ngành dệt may. Ông Ngô Quang Phúc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bất động sản thuộc Saigon Times Club, cho biết hiện nhiều dự án càng tiếp tục triển khai thì càng lỗ, khi giá sắt thép tăng đến 50-60%. Điều này khiến cho các chủ đầu tư phải ngồi lại tính toán với các nhà thầu xây dựng.

Đại dịch Covid-19 cũng làm phát sinh những khoản chi phí mới dù doanh nghiệp đã cố gắng tổ chức vận hành theo hướng “sống chung” với dịch. Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TPHCM, trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh hiện nay, các doanh nghiệp phải đối mặt với sự gia tăng số ca nhiễm mới, dẫn tới sự gia tăng chi phí.

“Chính sách hỗ trợ cần phù hợp với đối tượng là hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nhóm này chịu tác động mạnh từ các biện pháp siết chặt phòng chống dịch, khả năng tự phục hồi kém nhưng lại đóng góp một phần quan trọng trong giảm tải áp lực an sinh xã hội, là một trong những động lực kích cầu trong tương lai”.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (Huba), rất nhiều khoản từ chi phí y tế cho đến các loại chi phí khác, như nguyên vật liệu, vận chuyển… đã tăng vọt, đẩy giá thành sản phẩm lên cao trong khi không thể tăng giá bán để bù lại, khiến doanh nghiệp gần như rơi vào tình trạng sản xuất không có lợi nhuận.

“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như cạn kiệt, vốn tích lũy hầu như đã sử dụng hết. Nhiều người chưa dám trở lại vì vốn ít, làm thì không ra lãi. Các doanh nghiệp đang cố gắng chuyển dịch nhưng cái khó nhất vẫn là tài chính. Doanh nghiệp lớn vay dễ nhưng nhỏ thì khó lắm”, ông Hưng nêu thách thức.

Chỉ 38-45% tiếp cận được tín dụng

Theo ông Việt, nhiều doanh nghiệp nhỏ thuộc Agtek tiếp cận vốn rất khó khăn, thậm chí vì không tiếp cận được vốn nên có nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ đã tính chuyện dừng cuộc chơi. Ông Việt than doanh nghiệp nhỏ có nhu cầu vay, rất mong được vay nhưng ngân hàng thì vẫn giữ nguyên các tiêu chí cho vay. “Nếu ngân hàng vẫn duy trì các tiêu chí như tài sản đảm bảo, doanh thu lợi nhuận, phương án tiền khả thi giống doanh nghiệp lớn thì doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận được vốn”, ông Việt nói.

Bài toán vốn là câu chuyện muôn thuở được nhắc đến rất nhiều, nhưng lời giải thì chưa có bao nhiêu, trong khi hệ quả của dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng nặng nề hơn. Doanh nghiệp hiện nay không chỉ thiếu vốn đầu tư, mà còn là thiếu vốn để duy trì hoạt động. “Trong hoàn cảnh cạn kiệt (doanh nghiệp cạn vốn – PV), người lao động quay trở lại cũng cần giúp họ một khoản gọi là hỗ trợ ban đầu để bắt đầu cuộc sống mới. Nhưng bảo doanh nghiệp bỏ tiền ra thì khó, vì doanh nghiệp vốn đã khó lắm rồi. Chi phí hỗ trợ người lao động biết tính vào đâu?”, ông Hưng của Huba nói.

“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như cạn kiệt, vốn tích lũy hầu như đã sử dụng hết. Nhiều người chưa dám trở lại vì vốn ít, làm thì không ra lãi. Các doanh nghiệp đang cố gắng chuyển dịch nhưng cái khó nhất vẫn là tài chính. Doanh nghiệp lớn vay dễ nhưng nhỏ thì khó lắm”.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM.

Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp nhỏ rất cần đến chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước để giải bài toán thu hút người lao động trở lại với công xưởng sau đại dịch.

Theo TS. Phạm Huy Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, trong thời gian qua đã có hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa phải ngừng hoạt động hoặc giải thể do không có nguồn lực tài chính để tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất. Khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 38-45% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được tín dụng. Các trở ngại được liệt kê bao gồm điều kiện, thủ tục vay vốn của ngân hàng như tài sản đảm bảo, tỷ lệ vốn tự có, chứng minh khả năng tài chính, vấn đề quản trị, quản lý dòng tiền, trong khi các thông tin trên báo cáo tài chính lại chưa minh bạch…

Chính sách hỗ trợ vẫn… ở trên cao

Mới đây, tại “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức, nhiều khía cạnh trong chính sách phục hồi nền kinh tế sau đại dịch đã được nêu lên, trong đó nhấn mạnh đến góc nhìn hỗ trợ sát sườn hơn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thống kê cho thấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% trong số doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp có quy mô vừa chỉ chiếm hơn 1,6%. Dù vậy, ước tính tổng các gói hỗ trợ trong thời gian vừa qua hơn 3% GDP. Quy mô này được ông Hùng đánh giá là quá nhỏ, chỉ có thể giải quyết khó khăn trước mắt về an sinh xã hội nên cần những gói lớn hơn.

Đánh giá chung về các gói hỗ trợ hiện nay, báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, dù các giải pháp hỗ trợ đã ban hành chủ yếu nhằm giải quyết khó khăn trong ngắn hạn của người dân, doanh nghiệp nhưng vẫn còn điểm hạn chế. Đó là chưa chú trọng đến kích thích tiêu dùng hay hỗ trợ phát triển thị trường trong nước, phục hồi chuỗi cung ứng, sản xuất, lao động. “Việc triển khai thực hiện một số chính sách còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, một số nhóm chính sách có điều kiện chặt chẽ khiến các đối tượng thụ hưởng khó có khả năng tiếp cận, dẫn đến hiệu quả thực thi chính sách chưa cao”, báo cáo nhận định.

Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cho đến nay vẫn chưa tháo gỡ được khó khăn về việc tài sản đảm bảo khi vay vốn. Mặt khác, theo sự đánh giá của TS. Nguyễn Hoàng Bảo, Đại học UEH, hiện nay tại khu vực TPHCM, đa số các gói hỗ trợ nhắm vào khu vực chính thức, trong khi khu vực phi chính thức mới là thành phần chịu thiệt hại nhiều hơn.

Trong những chia sẻ gần đây tại các cuộc tọa đàm hay diễn đàn, một số doanh nghiệp cho biết bản thân doanh nghiệp nằm ngoài “vùng hỗ trợ” với các chính sách cho vay trả lương hay các chính sách khác, vì vướng mắc ở câu chuyện quyết toán thuế hay giấy tờ của bảo hiểm.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chính sách hỗ trợ cần phù hợp với đối tượng là hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nhóm này chịu tác động mạnh từ các biện pháp siết chặt phòng chống dịch, khả năng tự phục hồi kém nhưng lại đóng góp một phần quan trọng trong giảm tải áp lực an sinh xã hội, là một trong những động lực kích cầu trong tương lai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới