(KTSG Online) - Cú sụp đổ của hai ngân hàng khu vực Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank ở Mỹ buộc nhiều doanh nghiệp nhỏ phải tăng cường kiểm tra rủi ro ở những ngân hàng mà họ gửi tiền và đưa ra giải pháp ứng phó.
- Startup châu Á lung lay niềm tin vào ngân hàng Mỹ
- Lãnh đạo công nghệ châu Á chạy đua ứng phó khủng hoảng Silicon Valley Bank
“Soi” rủi ro của ngân hàng
Một số chủ sở hữu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Mỹ đang chuyển tiền sang các tổ chức tài chính khác mà họ cho là an toàn hơn. Hoặc họ phân bổ tiền gửi ra nhiều ngân hàng, chuyển tiền mặt vào các quỹ thị trường tiền tệ hoặc mua trái phiếu chính phủ Mỹ. Những chủ doanh nghiệp khác tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng hơn tình hình tài chính ở các ngân hàng của họ. Trong khi đó, một số doanh nhân thậm chí còn xem xét những rủi ro tiềm ẩn ở ngân hàng của những đối tác và khách hàng quan trọng.
Ứng phó với cơn hỗn loạn trong ngành ngân hàng gần đây là nhiệm vụ đặc biệt thách thức đối với doanh nghiệp nhỏ, vốn thường không có đội ngũ tài chính lớn hoặc chiến lược quản lý tiền mặt tinh vi. Chủ doanh nghiệp nhỏ có thói quen giữ nhiều tiền mặt trong ngân hàng như là biện pháp phòng ngừa dòng tiền thiếu hụt.
Brent Frederick, chủ doanh nghiệp Jester Concepts, quản lý năm nhà hàng và một hoạt động nhượng quyền bao gồm xe bán đồ ăn, nói: “Tôi nghĩ chúng ta cần phân tích các ngân hàng giống như cách họ phân tích chúng ta. Chúng ta phải trả lời các câu hỏi như: Giá trị cốt lõi của ngân hàng là gì? Bảng cân đối kế toán của họ ra sao?”
Ông Frederick, có hơn 300 nhân viên, từ lâu giữ hàng triệu đô la tiền gửi tại một ngân hàng lớn. Giờ đây, ông xem xét chuyển tiền sang một số ngân hàng nhỏ hơn, nơi đã cho doanh nghiệp ông vay tiền.
Ông nói: “Có vẻ như các ngân hàng lớn đang gặp vấn đề nghiêm trọng hơn. Các ngân hàng địa phương sẵn sàng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ”.
Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ hiện không làm gì cả, nhưng hành động của những doanh nghiệp khác cung cấp tín hiệu sớm cho thấy bất ổn của ngành ngân hàng đang lan tràn khắp nền kinh tế, khiến một số doanh nhân xem xét kỹ lưỡng các mối quan hệ với ngân hàng.
“Có một hiệu ứng lan tỏa rất rộng trong giới doanh nghiệp nhỏ. Họ không chỉ kiểm tra rủi ro của ngân hàng mà họ đang gửi tiền mà còn tìm hiểu xem khách hàng và nhà cung cấp của họ đang gửi tiền ở đâu”, Jennifer Pearce, Giám đốc điều hành của AVL Development Partners, nhà cung cấp dịch vụ kế toán và giám đốc tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nói.
Bà cho biết những doanh nghiệp có đối tác kinh doanh có mối liên hệ nào đó với ngân hàng SVB đang hết sức lo lắng. Gabe Abshire, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Utility Concierge ở Dallas, Texas đang thảo luận với các nhà đầu tư vốn cổ phần tiềm năng. Tuần trước, Abshire nhận được cuộc gọi từ một ngân hàng đại diện cho một nhà đầu tư tiềm năng, cam kết tình hình tài chính của ngân hàng này rất lành mạnh.
Giờ đây, ông có hoạch tìm hiểu thêm các nhà đầu tư tiềm năng khác về nơi họ gửi tiền, cách họ huy động vốn và cách họ bảo vệ nguồn vốn.
Trấn an khách hàng
Trong những ngày gần đây, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Tổng thống Joe Biden đã tìm cách trấn an người tiêu dùng và doanh nghiệp bằng cách nhấn mạnh hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn hoạt động tốt.
Ami Kassar, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn vay vốn kinh doanh MultiFunding, nói ông lo nếu khách hàng quyết định chuyển tiền từ các ngân hàng nhỏ hơn sang các ngân hàng lớn, điều này có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp nhỏ vì họ có ít lựa chọn vay vốn hơn.
James Arnold, Giám đốc điều hành của ngân hàng American Bank of Commerce ở Texas, cho biết các ngân hàng bắt đầu thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay vào cuối năm ngoái để hạn chế rủi ro khi lãi suất tăng nhanh.
Giống như nhiều ngân hàng khác, kể từ sau cú sụp đổ của SVB, American Bank of Commerce, đang nắm giữ 1,5 tỉ đô la tài sản, nhận được nhiều câu hỏi của khách hàng và phải tìm cách trấn an họ.
Griffin Dooling, Giám đốc điều hành của Công ty phát triển năng lượng mặt trời Blue Horizon Energy, đang xem xét chuyển 1-2 tháng tháng tiền mặt hoạt động sang ngân hàng khác hoặc tìm kiếm hạn mức tín dụng với ngân hàng khác mà công ty có thể rút trong tình huống khẩn cấp.
Dooling cho biết tuần trước, ngân hàng mà công ty ông đang gửi tiền đã gọi điện để cam kết an toàn cho các khoản tiền gửi
Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ có khoản tiền gửi ở ngân hàng hơn 250.000 đô la, vượt hạn mức được bảo hiểm theo quy định của Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC).
Không giống như các tập đoàn lớn, hầu hết các doanh nghiệp không có các hoạt động quản lý ngân quỹ chặt chẽ, khiến việc ứng phó với các biến cố gần đây trong lĩnh vực ngân hàng trở nên khó khăn hơn.
Alan Pentz, Giám đốc điều hành của Corner Alliance, một nhà thầu liên bang có trụ sở tại Washington, D.C., nói: “Công ty tôi không được thành lập để đánh giá bảng cân đối kế toán của một ngân hàng. Quản lý ngân quỹ của công ty xử lý bởi cùng một người thực hiện bảng lương và 50 nhiệm vụ công việc khác”. Ông cho biết ngân hàng nơi công ty ông gửi tiền đã gọi điện vào tuần trước để cam kết an toàn tiền gửi.
Các giao ước cho vay có thể áp đặt một thách thức khác đối với doanh nghiệp nhỏ đang xem xét lại việc quản lý tiền mặt. Peter Elitzer, Giám đốc điều hành của Công ty thời trang Huck Finn Clothes, cho biết các hợp đồng vay vốn thường yêu cầu công ty ông phải giữ tất cả các khoản tiền gửi với ngân hàng cho vay hoặc ít nhất phải gửi một số tiền cao hơn 250.000 đô la, vượt quá phạm vi được bảo hiểm.
Elitzer đang yêu cầu các ngân hàng nới lỏng các yêu cầu về tiền gửi. Ông nói: “Tôi đã nói chuyện với họ nhưng không nhận được sự đón nhận nồng nhiệt. Họ khẳng định họ đang rất ổn định. Họ luôn nói như vậy cho đến khi gặp biến cố”.
Theo WSJ