Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Startup châu Á lung lay niềm tin vào ngân hàng Mỹ

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cú sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) là cú sốc niềm tin cho các công ty khởi nghiệp (startup) và quỹ đầu tư mạo hiểm ở châu Á đang dựa vào nguồn vốn đầu tư công nghệ từ Mỹ. Họ xem biến cố này là lời cảnh báo để tránh gửi quá nhiều tiền vào tổ chức tài chính và phải thẩm định rủi ro của ngân hàng đối tác dù đó là một ngân hàng lớn ở Mỹ.

Cú sụp đổ của ngân hàng SVB kích hoạt làn sóng bán tháo cổ phiếu ngành ngân hàng trên toàn cầu. Ảnh: Shutterstock

Wang Guanyan, giám đốc điều hành của một startup, chuyên phát triển các trò chơi thực tế ảo, có trụ sở tại Quảng Châu, Trung Quốc, nói: “Câu chuyện của SVB nhắc nhở chúng tôi xem xét lại sự phụ thuộc vào tiền đầu tư từ Mỹ”. Ông tiết lộ công ty ông dự định chuyển một số tiền gửi tại SVB trở về Trung Quốc hoặc Singapore. Ông cho biết thêm ông cũng thận trọng trong việc nhận tiền từ các quỹ mạo hiểm của Mỹ vì lo ngại Nhà Trắng giám sát chặt chẽ hơn đối với dòng tiền đầu tư vào công nghệ Trung Quốc.

“Tuy nhiên, đối với các công ty nhỏ như chúng tôi, có lẽ chúng tôi không thể kén chọn nhà đầu tư, đặc biệt là trong điều kiện vĩ mô đầy thách thức”,  ông nói.

SVB là ngân hàng nhiều startup ở châu Á sử dụng, đặc biệt là các công ty Trung Quốc hoạt động trong  lĩnh vực công nghệ sinh học. Với sự sụp đổ của SVB, “những startup đó mất đi một kênh vốn quan trọng và cần tìm những cách khác để huy động tiền”, nhà phân tích Xinyao Wang, nói.

SVB có văn phòng tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Hồng Kông. Năm 2004, SVB đã dẫn đầu một phái đoàn nhà đầu tư mạo hiểm của Mỹ, bao gồm Don Valentine, người sáng lập Sequoia Capital, đến Trung Quốc để tìm cơ hội đầu tư và kết nối với các doanh nhân Trung Quốc.

Năm 2012, SVB nó đã thành lập một ngân hàng liên doanh với Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải, có tên gọi SPD Silicon Valley Bank. Ngân hàng này nhắm đến khách hàng trong các lĩnh vực như khoa học đời sống, chăm sóc sức khỏe và sản xuất tiên tiến.

Ít nhất 12 công ty niêm yết tại Hồng Kông, có  giao dịch với SVB.

Trong số đó, Công ty công nghệ sinh học BeiGene tiếp xúc nhiều nhất,  có các khoản tiền gửi tại SVB trị giá  175,5 triệu đô la.

Dù SVB không nằm trong số 10 ngân hàng lớn nhất của Mỹ, nó đóng một vai trò quan trọng đối với startup công nghệ Trung Quốc. Họ đã sử dụng SVB trong nhiều năm như là ngân hàng mặc định để mở tài khoản ở nước ngoài nhằm xử lý các khoản tài trợ từ nhà đầu tư vốn cổ phần tư nhân và vốn mạo hiểm ở Mỹ .

SVB cũng đóng vai trò là bến đỗ an toàn cho giới công nghệ giàu có của Trung Quốc muốn gửi tài sản của họ ở nước ngoài. Nhưng tốc độ sụp đổ nhanh chóng của SVB khiến nhiều khách hàng Trung Quốc bất ngờ. Các startup Trung Quốc vẫn có thể sử dụng dịch vụ tương tự của SVB ở các ngân hàng Mỹ khác và mọi tổn thất tài chính rốt cục có thể được kiểm soát nhờ chính phủ Mỹ cam kết bảo toàn tiền gửi ở SVB. Tuy nhiên, Zhou Xin, biên tập viên công nghệ của South China Morning Post, nhận định cú sụp đổ của SVB dường như đã phá vỡ niềm tin của các startup Trung Quốc rằng tiền cất giữ ở  hệ thống tài chính Mỹ là cực kỳ an toàn.

Tại Ấn Độ, quê hương của một số startup danh giá, Bộ trưởng Công nghệ, Rajeev Chandrasekhar nói rằng cộng đồng startup trong nước nên rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng SVB và nên tin tưởng vào hệ thống ngân hàng của Ấn Độ hơn. Srikrishnan Ganesan, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của startup phần mềm Rocketlane có trụ sở tại Chennai, Ấn Độ, nói: “Bạn cần chắc chắn tiền của bạn trong ngân hàng lúc nào cũng có sẵn để rút”.

Rocketlane được thành lập năm 2020 và đã huy động được 21 triệu đô la. Công ty có khoảng có từ 16-17% lượng tiền mặt ở Mỹ được gửi ở  SVB. Công ty sử dụng khoản tiền này để trang trải chi phí tại Mỹ bao gồm trả lương cho nhân viên. Tuần trước, Ganesan đã nhanh chóng chuyển tiền từ SVB sang một ngân hàng khác trước khi ngân hàng này sụp đổ.

Ông nói bài học mà ông rút ra được từ biến cố này là không tập trung gửi quá nhiều tiền vào bất kỳ tổ chức tài chính nào và không phụ thuộc quá nhiều vào bất kỳ nhà cung cấp nào.

Tại Đông Nam Á, hầu hết các startup chỉ tiếp xúc hạn chế hoặc không tiếp xúc với SVB. Tuy nhiên, một số quỹ đầu mạo hiểm ở đây có quan hệ với SVB.

Hero Choudhary, đối tác quản lý tại Beenext Capital, nhận định một bài học lớn cho các startup, bao gồm cả những công ty ở Đông Nam Á  là nên gửi tiền ở các ngân hàng lớn và tìm hiểu kỷ rủi ro liên quan đến các bên khác, bao gồm đối tác ngân hàng, nhà cung cấp.

Yinglan Tan, đối tác sáng lập ở Insignia Ventures Partners (Singapore) cho rằng biến cố SVB sẽ mang lại cho Singapore cơ hội để thu hút vốn và tài năng trong ngành công nghệ.

Đồng tình với nhận định này, Jeffrey Seah, đối tác tại Quest Ventures, kỳ vọng rằng một số quỹ sẽ chuyển tiền các tổ chức ngân hàng có vốn hóa và đáng tin cậy hơn, chẳng hạn như các tổ chức ở Singapore.

Tuy nhiên, việc tìm ngân hàng ở Đông Nam Á để thay thế cho SVB không dễ. David Gowdey, đối tác quản ở Jungle Ventures, nói: “Các ngân hàng ở Đông Nam Á không cung cấp sản phẩm và dịch vụ giống như SVB”.

SVB, ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ, cung cấp cho các công ty đầu tư mạo hiểm và startup sự tiếp cận thị trường vốn của Mỹ cũng như các cơ hội xây dựng mạng lưới ở nước này.

Theo WSJ, CNBC, Tech in Asia

1 BÌNH LUẬN

  1. làm gì dưới chuẩn là xảy ra chuyện thôi ! kiểu vay “tín chấp ” “vay ngang hàng ” không gì cầm cố thẩm định chỉ có vác búa đi đòi ,nhưng rồi vào tù tội…Khi bạn đưa tiền ra bạn phải nghĩ “làm sao nó quay về” và sinh lãi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới