Thứ Tư, 17/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp nhỏ và vừa loay hoay trong làn sóng chuyển đổi số

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đang rất lúng túng với chuyển đổi số.

Tại hội thảo về thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng 26-7, bà Bùi Thu Thuỷ, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ KHĐT, cho biết các DNNVV phải đối mặt với 4 thách thức khi tiến hành chuyển đổi số, gồm: (i) chi phí đầu tư cần thiết cao; (ii) hạ tầng công nghệ thông tin hạn chế và tâm lý ngại đổi mới của doanh nghiệp, trong khi xu hướng công nghệ cập nhật, đổi mới liên tục; (iii) quy trình tổ chức quản lý, quy trình nghiệp vụ, quản lý chuỗi cung ứng chưa chuẩn hoá, thiếu chiến lược và nhân sự xây dựng quy trình vận hành chuẩn; (iv) nguồn nhân lực chuyển đổi số còn hạn chế, thiếu tiếp cận kiến thức, thông tin về chuyển đổi số cũng như linh hoạt trong điều chỉnh văn hoá tổ chức, nhận thức về chuyển đổi số.

Ngoài ra, báo cáo thường niên về chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2021 của Bộ KHĐT cho biết có 24,3% doanh nghiệp được khảo sát lo ngại về rò rỉ dữ liệu cá nhân trong quá trình chuyển đổi số; 26,6% lo ngại sự thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động; 32,1% rào cản vì sự thiếu cam kết, hiểu biết của ban lãnh đạo, quản lý; 38,5% gặp khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số.

Việc khó tiếp cận nguồn vốn chính thống từ các ngân hàng cũng khiến các DNNVV khó huy động nguồn lực để tiến hành chuyển đổi số.

Cụ thể, chỉ 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn tài chính chính thống. Phần còn lại sẽ tìm vay vốn từ các nguồn như bạn bè, gia đình, và các nguồn vay ngoài ngân hàng.

Áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc là một trong những yêu cầu bắt buộc để nông sản Việt Nam gia nhập các thị trường khó tính.

Để giúp DNNVV sớm bắt nhịp với làn sóng chuyển đổi số, Cục Phát triển doanh nghiệp và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiếp cận các nguồn tài chính đa dạng và chuyển đổi số. Theo đó, gần 400.000 doanh nghiệp đã được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022.

Kết quả, hơn 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số.

Với tiếp cận tín dụng, có 14 trong số 500 DNNVV đã được tư vấn chuyên sâu về tái cấu trúc các khoản nợ và tiếp cận tài chính với khoản vay được phê duyệt là 5 triệu đô la Mỹ.

Về phía chuyên gia, ông Nguyễn Việt Long, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn EY Việt Nam, công ty thành viên của Công ty kiểm toán Ernst & Young, cho biết các DNNVV sẵn sàng đầu tư cho chuyển đổi số, nhưng phải nhìn thấy hiệu quả, chẳng hạn “đầu tư 1 đồng phải kiếm được vài đồng”.

“Với lĩnh vực nông nghiệp, nếu áp dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc thì doanh nghiệp sẽ có cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Với các doanh nghiệp thương mại thì chuyển đổi số tập trung vào cải tiến mô hình kinh doanh như kênh bán hàng, marketing, nền tảng thương mại điện tử”, ông Long nói với KTSG Online trong một buổi phỏng vấn.

Về chiến lược, chuyên gia này khuyến nghị doanh nghiệp xây dựng chiến lược chuyển đổi số gắn liền với chiến lược kinh doanh, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và khả năng chuyển đổi của doanh nghiệp.

Về lộ trình, ông Long cho rằng ở giai đoạn chuẩn bị, cần xác định mục tiêu chiến lược và tầm nhìn chuyển đổi số, xây dựng chiến lược chuyển đổi số tích hợp vào chiến lược chung của doanh nghiệp dựa trên đánh giá mức độ sẵn sàng và mục tiêu của doanh nghiệp, đồng thời xác định kiến trúc tổng thể của doanh nghiệp.

Giai đoạn 1 là chuyển đổi số mô hình kinh doanh, trong đó trọng tâm là áp dụng công nghệ số để mở rộng hệ thống kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, cũng cần từng bước triển khai công nghệ số cho chuỗi cung ứng, áp dụng công nghệ số cho nghiệp vụ kế toán, tài chính, xây dựng chính sách bảo mật.

Giai đoạn 2 là hoàn thiện và chuyển đổi số mô hình quản trị, trong đó tập trung vào việc tối ưu, nâng cao năng lực quản trị, trọng tâm là hệ thống ERP, HRM, hệ thống kế hoạch, quản trị công việc, báo cáo…

Giai đoạn 3 là kết nối kinh doanh và quản trị, đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới