(KTSG Online) - Hiện 80% thị trường dịch vụ điện toán đám mây (ĐTĐM) của Việt Nam nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại. Song, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% cơ quan chính phủ sử dụng ĐTĐM, 70% doanh nghiệp trong nước sử dụng dịch vụ do doanh nghiệp nội cung cấp. Các doanh nghiệp nội có cơ hội khi tham gia đầu tư khai thác thị trường này?
ĐTĐM được hiểu là thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin. Với điện toán truyền thống, các doanh nghiệp, cơ quan tự đầu tư hạ tầng công nghệ gồm phần cứng (máy chủ) và mua phần mềm để sử dụng. Còn với mô hình ĐTĐM, doanh nghiệp có thể thuê ngoài cả phần cứng và phần mềm, trả tiền theo thời gian và số người sử dụng – sẽ linh hoạt, hợp lý và chuyên môn hóa cao hơn.
- Alibaba, Huawei chạy đua giành miếng bánh điện toán đám mây ở Đông Nam Á
- AWS đào tạo điện toán đám mây miễn phí tại TPHCM và Hà Nội
Thị trường tiềm năng
Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2023 được MobiFone tổ chức mới đây, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết hiện 80% thị trường ĐTĐM của Việt Nam nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại. Bên cạnh kinh doanh viễn thông truyền thống đã bão hòa thì MobiFone cần đầu tư cung cấp dịch vụ ĐTĐM vì đây là nền tảng hạ tầng số tương lai, nếu chậm đầu tư sẽ mất thị phần.
Còn tại một hội nghị về ĐTĐM được tổ chức gần đây, ông Hoàng Văn Ngọc, Giám đốc Viettel IDC, cho hay chỉ trong vòng 10 năm qua, lưu lượng dữ liệu tại Việt Nam đã tăng gấp 7 lần, lưu lượng kết nối trong nước tăng 40 lần về băng thông, lưu lượng kết nối quốc tế tăng 25 lần. Tính từ năm 2010 đến nay, công suất tiêu thụ điện của các trung tâm dữ liệu Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, băng thông sử dụng tăng 10-15 lần.
Cũng tại hội nghị trên, lãnh đạo Viện Chiến lược thông tin và truyền thông cho biết Việt Nam có khoảng 30 trung tâm dữ liệu của hơn chục doanh nghiệp. Các trung tâm dữ liệu Việt Nam tập trung phần lớn ở khu vực miền Bắc và miền Nam. Trong đó, miền Bắc chiếm hơn 46%, miền Nam chiếm hơn 35% và miền Trung chiếm gần 19%.
Về ĐTĐM, thị trường Việt Nam có hơn 40 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ, bao gồm các doanh nghiệp nước ngoài Google, Microsoft, Amazon Web Services (AWS), các doanh nghiệp trong nước như Viettel, VNPT, CMC, FPT… Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% thị phần (khoảng 900 tỉ đồng). Trong 80% thị phần ĐTĐM do các nhà cung cấp nước ngoài nắm giữ, Amazon Web Services chiếm nhiều nhất với 33%, số còn lại Google và Microsoft cùng chiếm thị phần bằng nhau.
Lãnh đạo Viện Chiến lược thông tin và truyền thông phân tích những xu hướng chính tác động tới thị trường dữ liệu, ĐTĐM, đó là xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% các cơ quan chính phủ sử dụng điện toán đám mây, 70% các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp nội cung cấp. Chính phủ cũng sẽ kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích việc phát triển, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ do Việt Nam sản xuất.
Trả lời báo chí bên lề một sự kiện ra mắt trung tâm ĐTĐM của một doanh nghiệp mới đây, ông Luke Treloar, lãnh đạo mảng tư vấn chiến lược của Công ty KPMG Việt Nam, đánh giá, trong 5 năm tới, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dịch vụ ĐTĐM có thể tăng trưởng trên 20%. Tại Việt Nam dịch vụ này còn có thể tăng trưởng cao hơn, ở mức gần 30%.
Ông Luke Treloar cho biết, ngành ĐTĐM trên toàn thế giới đã tăng trưởng rất nhanh chóng trong 10 năm trở lại đây. Trong 5 năm tới, ngành này sẽ còn chứng kiến mức tăng trưởng toàn cầu cao hơn nữa. Theo khảo sát thường niên mà KPMG thực hiện, các giám đốc điều hành của các doanh nghiệp đang phải cân nhắc việc kiểm soát và cắt giảm chi phí. Một trong số những phương án đầu tiên được họ lựa chọn sẽ là cắt giảm chi phí hạ tầng, bằng cách chuyển những phần không thiết yếu, đắt đỏ lên ĐTĐM. Xu hướng đó sẽ còn thể hiện rõ rệt hơn nữa ở Việt Nam.
Cơ hội nào cho nhà cung cấp Việt Nam
Bình luận về việc vì sao các nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM nước ngoài chiếm 80% thị phần tại Việt Nam, ông Luke Treloar cho biết các nhà cung cấp nước ngoài đã bước vào ngành này từ trước, sớm hơn nhiều so với các nhà cung cấp nội địa. Cùng với đó Việt Nam là một thị trường tiềm năng, nên chắc chắn sẽ có sự hiện diện của các nhà cung cấp ngoại.
Ông Luke Treloar phân tích, câu chuyện gần giống với ngành ngân hàng. Việt Nam cần những ngân hàng nước ngoài lớn. Bởi khi các công ty đa quốc gia chuyển vốn sang Việt Nam thông qua đầu tư FDI, các công ty này sẽ tìm đến những ngân hàng toàn cầu. Nhưng Việt Nam cũng sẽ cần các ngân hàng nội để phục vụ hoạt động kinh doanh trong nước. Ngành ĐTĐM cũng vậy. Các công ty nước ngoài sẽ ưu tiên sử dụng hạ tầng ĐTĐM của các nhà cung cấp toàn cầu. Còn các nhà cung cấp ĐTĐM trong nước cũng sẽ có cơ hội phục vụ nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp nội địa.
Vị đại diện KPMG còn phân tích về lợi thế của việc các doanh nghiệp nội đầu tư vào cung cấp dịch vụ ĐTĐM, theo đó các nhà cung cấp nội sẽ biết chính xác các doanh nghiệp Việt Nam muốn gì và kinh doanh, cung cấp dịch vụ theo cách nào. Đối với nhà cung cấp nước ngoài, nhiều khi họ sẽ gặp khó vì câu chuyện kinh doanh ở Việt Nam sẽ vận hành theo cách của Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt hệ sinh thái ĐTĐM của một doanh nghiệp gần đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng các hạ tầng điện toán đám mây của Việt Nam và đặt ra yêu cầu các hạ tầng của người Việt Nam phải có đầy đủ các dịch vụ, từ hạ tầng tính toán, lưu trữ, nền tảng số và phầm mềm đến công nghệ được phục vụ dưới dạng dịch vụ.
Cần đầu tư hơn nữa để cung cấp dịch vụ ĐTĐM
Đã có khá nhiều doanh nghiệp Việt tham gia cung cấp dịch vụ ĐTĐM tại thị trường trong nước. Nhưng cách đây 3 tháng, Tập đoàn Viettel mới chính thức ra mắt Viettel Cloud – một hệ sinh thái điện toán đám mây có đầy đủ các dịch vụ, từ hạ tầng tính toán, lưu trữ, nền tảng số và phầm mềm đến công nghệ.
Viettel Cloud có 13 trung tâm dữ liệu, quy mô hơn 9.000 rack trên 60.000 m2 mặt sàn. Tới năm 2025, Viettel Cloud sẽ được đầu tư thêm 10.000 tỉ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Theo lộ trình, tới năm 2030, Viettel sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỉ đồng với quy mô 34.000 rack.
Ngoài Viettel, Tập đoàn FPT đã thành lập Công ty TNHH FPT Smart Cloud – chuyên cung cấp dịch vụ ĐTĐM từ tháng 8-2020. FPT đã cung cấp ra thị trường giải pháp FPT Cloud.
Trước đó Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 5 nền tảng điện toán đám mây của Việt Nam đáp ứng được theo bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật do bộ này ban hành gồm Viettel, VNG, CMC Cloud (thuộc CMC Telecom), VNPT và Bizcloud (thuộc VCCorp).
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, vào năm 2025, thị trường ĐTĐM sẽ lớn hơn thị trường viễn thông. Trong khi đó sự đầu tư cho ĐTĐM chưa tương xứng, chưa bằng 1/10 so với đầu tư viễn thông.
Theo các chuyên gia, cùng với việc ứng dụng các nền tảng toàn cầu để chuyển lên ĐTĐM nhanh, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển các nền tảng đám mây và dịch vụ đám mây do mình làm chủ - đây là một bước đi quan trọng để làm chủ nền kinh tế số tại Việt Nam.