Chủ Nhật, 13/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp nội thất đang bỏ lỡ thị trường tỉ đô ở ‘sân nhà’?

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam tự hào cung ứng nội thất đứng trong top 5 thế giới, nhưng ngay trên “sân nhà” có rất ít thương hiệu trong nước của ngành được biết đến mà chủ yếu là hàng nhập khẩu.

Với khoảng 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, Việt Nam tiếp tục thu hút các nhà kinh doanh mặt hàng này trên thế giới với quy mô đầu tư lớn và bài bản hơn. Con đường quay về "sân nhà" chinh phục thị trường hàng tỉ đô la với doanh nghiệp xuất khẩu Việt theo đó thách thức nhiều hơn, đòi hỏi sự kiên trì và có chiến lược dài hơi.

Gian nan với doanh nghiệp đồ gỗ xuất khẩu quay về thị trường nội địa. Ảnh: LH

"Sân nhà" đang “đãi khách”

Nhà bán lẻ nội thất lớn nhất của Nhật Bản Nitori gần đây đã khai trương cửa hàng đầu tiên ở TPHCM rộng gần 2.000 m² tại TTTM Vincom Mega Mall Grand Park, TP. Thủ Đức. Đây là cửa hàng thứ 1.013 của Nitori trên thế giới và là cửa hàng thứ 2 ở Việt Nam, sau cửa hàng tại Sora Gardens SC (tỉnh Bình Dương) được khai trương vào cuối năm ngoái.

Với chiến lược đẩy mạnh thị trường châu Á, trong đó phát triển hơn 70 cửa hàng khắp Việt Nam, Nitori - đối thủ của Ikea - đang săn mặt bằng ở những khu đô thị mới để mở rộng chuỗi kinh doanh.

Trong khi đó, Come Home, thương hiệu siêu thị nội thất của Thái Lan của Central Group, cũng đang tìm mặt bằng mới sau khi mở được 2 điểm bán ở TPHCM và Hà Nội. Thương hiệu thuộc gia đình tỉ phú Thái Chirathivat này lên kế hoạch chi 1 tỉ đô la cho mảng kinh doanh này ở thị trường 100 triệu dân. Trước Come Home, thương hiệu nội thất khác xứ chùa vàng là Index Living Mall cũng tăng cường mở rộng kinh doanh.

Các chuỗi bán lẻ Thái Lan và Nhật Bản tiếp tục nối dài danh sách những chuỗi nội thất châu Á mở rộng khai thác thị trường tỉ đô la của Việt Nam, sau chuỗi của Hàn Quốc như JangIn, Kims Fullhouse, Alice Garden, Ruche, Dong Suh Furniture, Dorik...

Đáng chú ý, những chuỗi kinh doanh này ngắm đến khách hàng trung bình khá, khá được cho là cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu lớn trong nước như Hòa Phát, An Cường, Thiên Ân, Kim Thành, AHD, Phố Xinh…

Chuỗi nội thất Nhật Bản Nitori đã mở 2 điểm bán ở Việt Nam. Ảnh: website cửa hàng

Trong khi đó, với phân khúc khách hàng cao cấp hơn và sang trọng, thị trường đang nhường "sân chơi" cho các thương hiệu đến từ châu Âu. Thông qua các nhà phân phối lớn Việt Nam, hàng chục thương hiệu nội thất đến từ Ý, Pháp, Đức, Anh, Đan Mạch... gia tăng sự hiện diện ở những khách sạn cao cấp hoặc đứng chung cửa hàng trên các tuyến phố đắc địa ở TPHCM và Hà Nội.

Với dòng sản phẩm bình dân, phân khúc thị trường lớn với cả ngàn doanh nghiệp và cơ sở nhỏ lẻ tham gia thì đang cạnh tranh vật vã với sản phẩm giá rẻ nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia… Chiếm đa số là dòng sản phẩm kệ tivi, bộ bàn ăn, bàn làm việc, tủ, kệ, ghế sofa, ghế văn phòng phong phú về mẫu mã, chất liệu nên thu hút được lượng lớn các gia đình Việt.

Cách nào để lấy lại vị thế “sân nhà”?

Thị trường trong nước bị lấn át bởi sản phẩm nhập khẩu bởi trong thời gian dài, ngành sản xuất đồ gỗ nội thất Việt Nam chỉ chú trọng xuất khẩu và bỏ quên sân nhà.

Theo PGS. TS. Vũ Hồng Cương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nội thất Việt Nam, thị trường trong nước đến nay vắng bóng nhà thiết kế lẫn thương hiệu nội địa lớn.

Thị trường nội thất trong nước nhiều tiềm năng. Ảnh: LH

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch AA Corporation, ước tính thị trường nội thất - gồm đồ gỗ, đồ nội thất và vật liệu xây dựng phục vụ không gian trong nhà - có quy mô không dưới 10 tỉ đô la. "Với 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển thì có khả năng hỗ trợ tốt cho các nhà sản xuất và hậu phương cho xuất khẩu", ông Khanh nói.

Vì vậy, theo ông Khanh, việc đón đầu làn sóng phục hồi và tăng trưởng, kết nối chặt chẽ hệ sinh thái hai ngành nội thất và xây dựng là điều cần phải làm lúc này. Sự kết nối này nhằm mang đến các cơ hội kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.

Đây cũng là lý do mà mới đây lần đầu tiên Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) phối hợp cùng Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng (SACA) tổ chức Triển lãm Nội thất & Xây dựng Việt Nam 2024 (VIBE Expo) tại TPHCM nhằm kết nối hệ sinh thái nội thất - xây dựng. Có 150 đơn vị triển lãm tham gia tìm cơ hội ở thị trường nội địa.

Tuy nhiên, cuộc quay về sẽ không dễ dàng. Là Trưởng ban tổ chức VIBE Expo, theo ông Khanh, thay vì sản xuất quy mô lớn theo đơn hàng, thậm chí với mẫu mã có sẵn; phục vụ nội địa đòi hỏi nắm bắt nhu cầu, thị hiếu, khả năng tiếp thị và nhất là hệ thống phân phối.

Cũng lo lắng hệ thống phân phối cần diện tích lớn tốn nhiều chi phí, các doanh nghiệp gỗ chia sẻ, chỉ cần có vài hợp đồng xuất khẩu là họ đủ để sản xuất cả năm, lại không phải lo đầu ra hay thiết kế. Và đây cũng là lý do chung mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ít quan tâm thị trường trong nước.

Thời gian qua, HAWA không ngừng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bài bản hơn để trở về thị trường nội địa. Để trở lại cần có sự am hiểu thực sự nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, không chỉ đơn thuần bán bàn- ghế - tủ... mà còn bán phong cách sống, thể hiện rõ gu thẩm mỹ tinh tế của căn hộ, chủ nhà, doanh nghiệp.

Những cửa hàng nội thất này với khái niệm "One-stop shopping" - dừng mua sắm một chỗ, ứng dụng công nghệ tối đa hỗ trợ người dùng. Ở đây không chỉ bán sản phẩm mà còn cho phép người dùng có thể tự phối cảnh 3D ngay với những món hàng họ muốn mua ở đây.

Cũng cho rằng thị trường còn lớn và thị hiếu thích hàng nhập khẩu còn lớn trong người tiêu dùng, TS. TKS Vũ Hồng Cương cho rằng, bài toán cần giải quyết là xây dựng phong cách nội thất Việt Nam. Để được vậy, doanh nghiệp phải đầu tư vào khâu R&D, thiết kế và truyền thông.

Ông lưu ý, dù phát triển kênh TMĐT, nhưng dòng sản phẩm này, người mua vẫn thích đến tận cửa hàng ngắm, trải nghiệm sản phẩm trước khi xuống tiền.

Chia sẻ câu chuyện quay về thị trường nội địa khoảng 8 năm nay sau 10 năm xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc điều hành Công ty nội ngoại thất Furnist (TPHCM), cũng cho biết con đường khá gian nan và khoản đầu tư không hề nhỏ.

"Việc dùng sản phẩm xuất đi Mỹ hoặc EU để bán ở thị trường nội địa là không thể vì thị hiếu tiêu dùng trong nước khác nhiều. Khí hậu của các thị trường này cũng trái ngược với Việt Nam nên chất liệu, vật liệu… làm sản phẩm cũng phải thay đổi cho phù hợp", ông Sang nói.

Đáng chú ý thị trường đòi hỏi mẫu mã phải đa dạng buộc Furnist phải đầu tư đội ngũ phát triển thị trường, thiết kế sản phẩm... mới có thể thu hút khách hàng. Mặt khác, ngoài đẩy mạnh kênh bán hàng TMĐT, Furnist cũng đầu tư showroom 2.000 m2 ở quận 2 để thu hút khách đến tham quan và trải nghiệm.

Đến nay, sản phẩm của Furnist đã có một lượng khách hàng nhất định về dự án căn hộ, văn phòng, resort và các hộ gia đình, nhưng công ty vẫn phải tiếp tục cải thiện nhiều hơn nữa mới có vị trí trên thị trường.

"Dù đến nay chưa thể hoàn vốn đầu tư, nhưng chúng tôi kiên trì xây dựng và có chiến lược dài hơi phát triển bài bản vì tiềm năng thị trường trong nước là rất lớn", ông Sang nhìn nhận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới