Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp nước ngoài e ngại ‘Zero Covid’ của Trung Quốc hơn là chiến tranh

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cuộc chiến Ukraine không còn làm các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc lo lắng bằng chuyện nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, nhu cầu tiêu dùng suy giảm, chuỗi cung ứng tiếp tục đứt gãy.

Sau hơn một năm có tỷ lệ tăng trưởng hai con số, doanh thu của Apple tại đại lục chỉ đạt mức tăng một con số trong quí 1 vừa rồi và dự kiến sụt giảm mạnh trong quí này. Còn DHL nói suy thoái kinh tế sẽ diễn ra nếu các biện pháp phong tỏa tiếp tục kéo dài.

Thượng Hải đã bước qua tuần phong tỏa thứ tư và hiện chỉ có khoảng một nửa dân số thành phố ở các khu vực ít nguy cơ được phép ra ngoài. Quảng Châu đã ra lệnh xét nghiệm hơn 5,6 triệu trên 18 triệu dân vì một ca nghi nhiễm ở sân bay. Trong khi đó, toàn bộ dân số của Triều Dương – quận nội thành lớn nhất của thủ đô Bắc Kinh – hôm nay phải thực hiện các xét nghiệm.

Người giao hàng cho một khu dân cư bị phong tỏa ở Bắc Kinh hôm 29-4. Hôm nay, Bộ Chính trị Trung Quốc đã ra thông cáo sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ tăng trưởng và ổn định kinh tế nhưng vẫn duy trì “zero Covid”. Ảnh: Reuters

Apple mất doanh thu 4-8 tỉ đô la trong quí 2

Apple đã công bố doanh thu kỷ lục 97,3 tỉ đô la trong quí đầu tiên năm 2022, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước nhờ doanh số bán iPhone tăng mạnh. Chỉ riêng doanh số iPhone đạt 50,6 tỉ đô la, tăng 5,5% so với trước bất chấp những hạn chế của chuỗi cung ứng.

Nhưng “nhà táo” đang phải đối mặt với con đường khó khăn hơn ở phía trước khi tốc độ tăng trưởng doanh số ở Trung Quốc đang chậm lại và các đợt phong tỏa khắp đất nước khiến các chuỗi cung ứng bị tê liệt.

Sau hơn một năm tăng trưởng doanh thu hai con số ở thị trường Trung Quốc mở rộng - bao gồm đại lục, Hồng Kông và Đài Loan, doanh thu chỉ tăng 3,5% so với một năm trước đó lên 18,3 tỉ đô la trong quí rồi. Apple cho biết doanh số bán hàng tại Trung Quốc chậm lại một phần là do thời điểm ra mắt iPhone khác nhau trong hai năm qua, điều này đã tạo ra một số biến động về nhu cầu trong các quí đầu năm.

Tuy nhiên, khi Thượng Hải bước vào tháng đóng cửa thứ hai và nhiều thành phố ở Trung Quốc phải đối mặt với các hạn chế về đại dịch, nhu cầu đối với các sản phẩm của Apple tại nước này có thể sẽ chậm lại hơn nữa.

Giám đốc tài chính Apple Luca Maestri cho biết: “Sự gián đoạn liên quan đến Covid cũng đang tác động đến nhu cầu của khách hàng ở Trung Quốc”.

Nhưng những rắc rối của Apple ở Trung Quốc không chỉ giới hạn ở việc nhu cầu chậm lại.

Một phân tích của Nikkei Asia cho thấy hơn một nửa trong số 200 nhà cung cấp chính của Apple có cơ sở ở Thượng Hải và các khu vực lân cận đã mở cửa trở lại.

“Chúng tôi đã ước tính rằng cuộc chiến có thể làm suy giảm doanh thu trong quí tới khoảng 4-8 tỉ đô la, tập trung vào khu hành lang Thượng Hải”, CEO Tim Cook của Apple phát biểu trong buổi họp báo về kết quả kinh doanh quí 1-2022.

Công ty cho biết gã khổng lồ iPhone cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu chip trong năm nay sau khi gặp những điều kiện tương tự. “Cuối cùng tin tốt là gần như tất cả các nhà máy lắp ráp cuối cùng bị ảnh hưởng hiện đã khởi động lại", Cook nói.

Tại khu vực Bắc Mỹ, Apple có doanh thu tăng mạnh nhất trong quí, 19,2% lên 40,9 tỉ đô la. Doanh thu tại Nhật Bản giảm 0,2% xuống còn 7,7 tỉ đô la. Còn doanh thu ở các nước còn lại của khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 6,7% xuống 7 tỉ đô la.

Apple đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu ở tất cả các danh mục sản phẩm ngoại trừ iPad, ghi nhận mức cao nhất mọi thời đại về dịch vụ và đạt kỷ lục trong quí 1 cho iPhone, Mac và danh mục "thiết bị đeo tay, gia đình và phụ kiện". iPad vẫn bị "hạn chế nguồn cung đáng kể" trong suốt quí 1, với doanh thu giảm 2% xuống còn 7,6 tỉ đô la.

Máy bay của DHL bốc dỡ hàng tại Trung Quốc. CEO Frank Appel nói cước phí vận chuyển sẽ tiếp tục cao cho đến Giáng sinh năm nay, nhưng không tệ như năm 2021. Ảnh: AP

Rủi ro toàn cầu

Frank Appel, CEO của tập đoàn logistics khổng lồ Deutsche Post DHL Group của Đức, nói rằng các chính sách kiểm soát Covid ở trái tim tài chính và kinh tế Thượng Hải đã tạo ra những bất ổn cho sản xuất và chuỗi cung ứng. Ông nói điều này có thể cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu nếu phong tỏa vẫn tiếp diễn.

“Bức tranh phong tỏa ở Trung Quốc đang thay đổi hàng ngày… Điều này sẽ gây tác động đáng kể đến hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Tác động của chính sách zero Covid đối với thương mại và kinh tế sẽ khá đáng kể, lớn hơn tác động của cuộc chiến ở Nga và Ukraine, vì thị trường rất lớn”, ông Appel trả lời Nikkei Asia.

Thượng Hải và Giang Tô, nơi có trung tâm sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, vẫn đang bị phong tỏa hoặc kiểm soát giao thông nghiêm ngặt do chính phủ tuân thủ chính sách "zero Covid". Một số công ty ở thành phố Côn Sơn, Giang Tô, đã được bật đèn xanh để hoạt động trở lại hôm 22-4, nhưng hôm sau phải đóng cửa trở lại bởi một số ca bệnh không triệu chứng.

Nhưng Appel nói rằng ông vẫn tương đối lạc quan bởi sản xuất sẽ khôi phục trở lại một khi các biện pháp kiểm soát được nới lỏng. “Trung Quốc đã chứng tỏ là rất nhanh nhạy trong việc bắt kịp sau khi đóng cửa,” ông Appel đề cập đến những thành tích khống chế dịch của nền kinh tế lớn nhất châu Á trong hai năm qua.

Tuy nhiên, Appel cũng lưu ý rằng các nhà kinh tế đang cảnh báo về một cuộc suy thoái có thể xảy ra nếu các biện pháp nghiêm ngặt kéo dài hơn nhiều so với dự đoán hoặc nếu giá năng lượng tiếp tục tăng.

"Tôi lo lắng hơn về tăng trưởng GDP nói chung. Hiện tại, thế giới vẫn đang dự đoán tăng trưởng, dù không được tốt như ban đầu. Nếu chúng ta không rơi vào suy thoái, tôi nghĩ triển vọng của ngành logistics là khá tốt, đặc biệt là đối với các công ty như chúng tôi”, ông nói.

Appel cho biết DHL đã tạm ngừng hoạt động ở Ukraine "kể từ ngày đầu tiên" và tạm dừng hoạt động kinh doanh ở Nga ngoại trừ những hoạt động liên quan đến nhân đạo và các sản phẩm khoa học đời sống. Tác động của những động thái này đối với DHL là rất hạn chế, vì tổng doanh thu từ hai quốc gia chưa đến 1% tổng doanh thu của công ty – theo lời vị CEO.

Báo cáo hàng năm của DHL cho biết: Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm khoảng 19% doanh thu của công ty, trong khi châu Âu đóng góp hơn 55% doanh thu và châu Mỹ hơn 21%.

Ngành công nghiệp hậu cần rộng lớn hơn vẫn phải đối mặt với một số hạn chế, bao gồm số lượng chuyến bay chở khách giữa châu Á và châu Âu và giữa châu Á và Mỹ. Tình hình này là sẽ khiến “sức chở hàng hóa trong khoang bụng máy bay bị hạn chế” – ông giải thích.

Hơn nữa, một số cảng ở Trung Quốc đã bị đóng cửa và các tàu sân bay của Nga không thể hoạt động do các lệnh trừng phạt. Ông Appel cho biết DHL có một số container bị kẹt ở Nga và DHL đang thiếu tài xế xe tải ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ.

"Nhìn chung, vẫn sẽ có những hạn chế. Đó là lý do tại sao mức giá sẽ được nâng cao và khách hàng phải chuẩn bị để trả mức phí cao hơn. Tôi khá chắc chắn rằng chúng ta vẫn sẽ gặp phải tình trạng hạn chế trong dịp Giáng sinh năm nay, nhưng sẽ không như năm ngoái. Nếu tình hình phong tỏa ở đây kéo dài trong vài tháng tới, tất nhiên mọi chuyện sẽ rất khác.

Với hơn 400.000 nhân viên trên toàn cầu, DHL đã báo cáo doanh thu kỷ lục 81,74 tỉ euro trong năm 2021, tăng hơn 22% so với năm trước đó. Công ty dự kiến ​​sẽ tăng trưởng hơn nữa trong năm nay.

Một thuận lợi lớn cho DHL là xu hướng các nhà sản xuất đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc, khiến dịch vụ hậu cần bận rộn hơn. Appel cho biết công ty đã bổ sung thêm nhân viên ở tất cả các thị trường châu Á, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan.

Nhìn về phía trước, gã khổng lồ hậu cần cho biết họ đang đặt cược lớn vào các sáng kiến ​​xanh.

Theo S&P Global Market Intelligence, ùn tắc tại các cảng của Thượng Hải, lớn nhất thế giới tính theo trọng tải hàng hóa, đã tăng khoảng 30-40% kể từ tháng 3. Thời gian chờ trung bình của tàu chở dầu, tàu chở hàng và tàu container ở Thượng Hải đã tăng lên 67 giờ vào hôm 26-4, tăng hơn gấp ba lần so với đầu tháng 3 - theo công ty dữ liệu hàng hải và hàng không VesselsValue của Anh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới