(KTSG Online) – Việc giá gạo xuất khẩu thế giới tăng vọt sau lệnh cấm của Ấn Độ trong những ngày qua đang dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán, "hủy kèo", gây khó khăn cho các doanh nghiệp và cả nhà máy cung ứng ở Việt Nam.
Báo cáo với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) về tình hình xuất khẩu gạo, một doanh nghiệp đứng trong tốp đầu về xuất khẩu ở Việt Nam đã nêu ra vấn đề trên.
Theo vị này, sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ (trừ gạo Basmati), giá gạo xuất khẩu thế giới, trong đó có Việt Nam, đã tăng thêm hơn 100 đô la Mỹ/tấn, thậm chí có thể tăng thêm đến 200 đô la Mỹ/tấn nếu lệnh cấm vẫn kéo dài.
Trong bối cảnh giá xuất khẩu tăng nhanh, tình trạng tranh mua, tranh bán xảy ra hàng ngày, dẫn đến "huỷ kèo", không tôn trọng các hợp đồng đã thoả thuận. Điều này khiến các doanh nghiệp, nhà máy chế biến gạo không nhận được lượng hàng hoá đã chốt, dù giao dịch trước đó chỉ 1-2 ngày.
Theo vị giám đốc doanh nghiệp này, đối mặt với khó khăn như nêu trên, các doanh nghiệp ngành gạo đành chọn cách "cho qua" vì không có đủ thời gian, chi phí để kiện số lượng rất đông người bán không giữ đúng cam kết.
Vị giám đốc cho biết thêm, doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với nông dân cũng không nhận được hàng do tình trạng nông dân, thương lái bỏ cọc để bán ra bên ngoài với giá cao hơn.
Câu hỏi được đặt ra, tại sao doanh nghiệp không tính toán tồn kho hợp lý và dự báo bán ra cho an toàn?
Vị này giải thích rằng, do đặc thù của ngành gạo nói riêng và nông sản nói chung là phải bán trước mùa vụ, bởi nếu chờ “mọi thứ rõ ràng” thì doanh nghiệp sẽ không có hợp đồng và không cạnh tranh được.
Thêm vào đó, hạn chế lâu nay “không giải được”, đó là tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu không đủ tài chính để chuẩn bị đủ lượng hàng kinh doanh; thường chỉ ở mức 50-60% lượng đơn hàng ký kết đã được xem là lý tưởng.
Hơn nữa, tốc độ mua và nhập hàng bị hạn chế theo ngày do gạo là hàng nặng nhọc cần nhiều thời gian và sức lao động để sấy, xay xát và đưa về kho. Vì vậy, các doanh nghiệp thường ở tình trạng “mua vào không kịp” khi giá tăng mỗi ngày. Trong chuỗi này, khi chốt được hợp đồng bán ra, doanh nghiệp phải chốt mua ngay lượng hàng còn lại ở các nhà máy cung ứng để giảm rủi ro về giá và kịp giao hàng cho các hợp đồng xuất khẩu.
Tuy nhiên, khi giá biến động quá nhanh (như trường hợp hiện nay), các nhà máy cung ứng thường phải chịu lỗ để giao các đơn hàng đã chốt hoặc hủy hợp đồng.
Vị giám đốc doanh nghiệp nêu trên cho rằng, chuỗi cung ứng của ngành gạo đã bị đứt gãy ngay từ khâu đầu tiên, làm cho cả ngành phát triển không bền vững, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia do các doanh nghiệp mất khả năng thực hiện hợp đồng, có thể xảy ra thưa kiện trong tương lai gần.
Ai cũng nói phần đúng về mình, giá lúa giảm thì kì kèo giảm giá hoặc tăng ngày thu hoạch, thậm chí bỏ cọc không nhận lúa. Khi giá lúa tăng thì phải tăng giá cho nông dân, nếu không tăng thì nông dân thường cọc không giao lúa là đúng hợp đồng.
Doanh nghiêp hay nông dân cũng phải chơi theo luật dn đặt cọc chốt giá là phải mua ,nông dân bẻ kèo thi phải bồi thường gấp đôi cọc. Hình thành văn hóa mua bán như vây thì công bằng cho đôi bên.