Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp phát thải lớn sắp phải kiểm kê khí nhà kính

Chính Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Khoảng 100 cơ sở thuộc các lĩnh phát thải lớn như nhiệt điện, sắt, thép, xi măng phải kiểm kê khí nhà kính trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, thời gian qua có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon. Ảnh: TL.

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp với các bộ, ngành nghe báo cáo về Đề án thành lập thị trường carbon diễn ra trong ngày 12-7, theo Chinhphu.vn.

Mục tiêu của đề án là thực hiện cam kết với quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, tạo động lực chuyển đổi xanh cho các ngành, lĩnh vực kinh tế tham gia vào thị trường thế giới.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng thị trường carbon là "cuộc chơi mới" mà tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giảm phát thải, tăng hấp thụ khí carbon sẽ được chi trả từ tiền bán hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon. Đây là chi phí lợi nhuận cho từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Do đó, Nhà nước phải tạo sân chơi, luật chơi, phân công nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, và có phân kỳ thí điểm.

Theo đó, đến nay có 48 quốc gia triển khai thị trường carbon theo cơ chế bắt buộc. Bên cạnh đó là thị trường carbon tự nguyện do các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế thành lập. Mặc dù chưa có sự thống nhất trên phạm vi toàn cầu về trao đổi hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon xuyên biên giới, nhưng 82 quốc gia/vùng lãnh thổ đã ký thỏa thuận về trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon.

Tại Việt Nam, thời gian qua có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và thực hiện theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế để trao đổi trên thị trường carbon thế giới.

Dự kiến, trong tháng 7-2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.

Dự kiến trong giai đoạn thí điểm, các cơ sở được phân bổ hạn ngạch thuộc lĩnh vực phát thải lớn như nhiệt điện, sắt, thép, xi măng (khoảng 100 cơ sở) sẽ thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính.

Bên cạnh đó, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành việc ban hành quy định kỹ thuật kiểm kê phát thải khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định cho các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Theo đó, các bộ, ngành cũng cần ban hành Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thuộc phạm vi quản lý.

Theo Bộ Tài chính, mục tiêu chung của Đề án là phát triển thị trường carbon tuân thủ tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Hàng hóa thị trường carbon gồm hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.

Chủ thể tham gia giao dịch hạn ngạch là các cơ sở phát thải khí nhà kính được phân bổ hạn ngạch. Chủ thể tham gia giao dịch tín chỉ carbon gồm là tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon trong nước hoặc thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế; tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon; tổ chức hỗ trợ giao dịch.

Các giao dịch trên thị trường carbon được thực hiện trên sàn giao dịch theo phương thức tập trung trên nền tảng trực tuyến.

Dự kiến, lộ trình triển khai thị trường carbon gồm 2 giai đoạn là giai đoạn thí điểm (năm 2025-2027) và giai đoạn vận hành chính thức từ năm 2028 và giai đoạn sau năm 2030.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới